.
KỶ NIỆM 43 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30-4-1975 – 30-4-2018):

Nhớ mãi một thời hoa lửa

Cập nhật: 16:59, 22/04/2018 (GMT+7)

Hơn 40 năm đã trôi qua, nhưng ký ức hào hùng về ngày Đất Đỏ giải phóng vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của những người lính. Hiện nay, dù đã ngoài sáu mươi nhưng những người lính năm xưa vẫn không ngừng cống hiến sức mình cho quê hương, đất nước.

KÝ ỨC HÀO HÙNG 

Ông Nguyễn Văn Bình (bìa phải) và ông Nguyễn Văn Hùng chia sẻ những kỷ niệm trong kháng chiến.
Ông Nguyễn Văn Bình (bìa phải) và ông Nguyễn Văn Hùng chia sẻ những kỷ niệm trong kháng chiến.

Thời gian, tuổi tác chưa bao giờ làm “già” đi ký ức của ông Nguyễn Văn Bình, Chính trị viên C25, Huyện đội Long Đất. Kể về thời điểm Đất Đỏ được giải phóng, ánh mắt cựu chiến binh (CCB) này ánh lên niềm tự hào: “Chiều tối 26-4-1975, sau khi 19 khẩu trọng pháo Sư đoàn Sao Vàng đã đồng loạt nổ súng vào các căn cứ quân sự của địch trên địa bàn TX. Bà Rịa (nay là TP.Bà Rịa) mở màn cuộc tiến công giải phóng Bà Rịa, Vũng Tàu, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Long Đất chỉ đạo lực lượng trinh sát và C25 từ căn cứ núi Minh Đạm xuống kết hợp lực lượng dân quân, cơ sở trong ấp Phước Thọ, Phước Thạnh, Phước Hòa Long tiến hành đánh chiếm chi khu cảnh sát Đất Đỏ. Đồng thời, Ban Chỉ huy tiền phương của Huyện đội Long Đất giao C25 đánh, ngăn không cho lính ngụy từ Xuyên Mộc chạy về hướng Bà Rịa…”. 

Tiếp lời CCB Nguyễn Văn Bình, ông Nguyễn Văn Hùng, chiến sĩ C29, Huyện đội Long Đất nói: “Ở thời điểm đó, Huyện đội Long Đất có 2 Đại đội là C25 và C29 nhưng đều thiếu quân (C25 có 37 cán bộ, chiến sĩ; còn C29 có 30 cán bộ, chiến sĩ). Đến sáng 27-4, Ban Chỉ huy Huyện đội tiếp tục điều C29 xuống phối hợp với C25 để giải phóng huyện Đất Đỏ. Lúc bấy giờ, tư tưởng của cán bộ, quân giải phóng và nhân dân phấn khởi lắm, ai cũng hồ hởi, tất bật để chuẩn bị giải phóng huyện. Thời điểm đó, tôi mới 18 tuổi. Trước việc quê hương sắp được giải phóng, tôi chỉ có một ý nghĩ phải ôm chặt cây súng xông ra mặt trận mà không hề nghĩ đến chuyện sống hay chết”. 

Dưới sự hiệp đồng tác chiến của C25, C29 Huyện đội Long Đất và một số đơn vị, đến trưa 27-4, toàn bộ huyện Đất Đỏ đã được giải phóng. 

CHĂM LO ĐỒNG ĐỘI

43 năm sau ngày quê hương được giải phóng, 2 CCB Nguyễn Văn Bình và Nguyễn Văn Hùng vẫn tiếp tục gắn bó với đồng đội. Hiện nay, ông Hùng là Chủ tịch Hội CCB huyện Đất Đỏ, còn ông Bình là Phó Ban Liên lạc lực lượng võ trang huyện. Ông Hùng chia sẻ: “Trong số những đồng đội còn sống, có người khá giả, nhưng cũng còn nhiều người gặp khó khăn. Vì vậy, chúng tôi dành nhiều thời gian chăm lo quyền lợi, lợi ích hợp pháp của các hội viên, thăm hỏi động viên các CCB khó khăn, khơi dậy tinh thần thần tự lực, tự cường giúp nhau làm kinh tế, phấn đấu giảm nghèo bền vững”. 

Trong năm 2017, Hội CCB huyện Đất Đỏ đã tặng quà cho 79 hội viên với số tiền 11 triệu đồng và 2,5 tạ gạo. Hội đã phối hợp với đoàn bác sĩ Bệnh viện Mắt tỉnh tổ chức khám, điều trị các bệnh về mắt cho 61 CCB. Bên cạnh đó, Hội còn phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đất Đỏ tổ chức khảo sát, quy tập 14 mộ liệt sĩ đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến về Nghĩa trang liệt sĩ liên huyện Long Điền - Đất Đỏ…

Song song với công tác chăm lo cho đồng đội, ông Nguyễn Văn Hùng thường xuyên tham gia các buổi gặp gỡ, nói chuyện truyền thống, giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho thanh thiếu nhi và học sinh các trường trên địa bàn huyện. “Khi gặp gỡ, trao đổi với thế hệ trẻ, tôi luôn nhắc nhở các cháu phải luôn ghi nhớ công ơn của những người đi trước, những người đã hy sinh xương máu vì hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc, ra sức học tập, cống hiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, ông Nguyễn Văn Hùng nói.

Bài, ảnh: THANH THẢO


Giải phóng Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung

Mở màn cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy, ngày 10 và 11-3-1975, quân ta tiến công bằng các binh chủng hợp thành giải phóng TX. Buôn Ma Thuột. Trước tình hình thắng lớn của ta ở Tây Nguyên, Bộ Chính trị kịp thời bổ sung quyết tâm chiến lược: Giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975. Đến ngày 24-3, quân ta đánh thắng cuộc phản kích của Sư đoàn 23 ngụy, giải phóng toàn bộ vùng chiến lược Tây Nguyên và nhanh chóng phát triển xuống các tỉnh ven biển miền Trung.

Quân giải phóng đánh chiếm thành nội Huế. Ảnh: Tư liệu
Quân giải phóng đánh chiếm thành nội Huế. Ảnh: Tư liệu

Phối hợp với Tây Nguyên, quân ta ở Quảng Trị đẩy mạnh tiến công và ngày 19-3 giải phóng toàn bộ tỉnh Quảng trị. Địch lo sợ bỏ chạy về giữ Huế và Đà Nẵng. Phát hiện địch co cụm ở Huế, ngày 21-3, quân ta thọc sâu vào căn cứ địch, chặn các đường rút chạy của chúng, hình thành thế bao vây địch trong thành phố.

10 giờ 30 phút ngày 25-3, quân ta tiến vào Huế. Ngày 26-3, giải phóng hoàn toàn thành phố và tỉnh Thừa Thiên. Trong cùng thời gian, quân ta giải phóng TX. Tam Kỳ (24-3), Quảng Ngãi (25-3), Chu Lai (26-3), tạo thêm một hướng uy hiếp Đà Nẵng từ phía Nam.

Đà Nẵng, thành phố lớn thứ hai ở miền Nam - căn cứ quân sự liên hợp lớn nhất của Mỹ - ngụy rơi vào thế cô lập. Quân ta từ phía Bắc, Tây, Nam tiến nhanh áp sát thành phố. Hơn 10 vạn quân địch bị dồn ứ về đây trở nên hỗn loạn, mất hết khả năng chiến đấu. Chúng phải dùng máy bay di tản cố vấn Mỹ và một phần lực lượng Ngụy. Sáng 29-3, quân ta từ các hướng tiến thẳng vào thành phố, đến 3 giờ chiều thì chiếm toàn bộ thành phố.

Tại tỉnh Phú Yên, 5 giờ ngày 1-4-1975, từ ba mặt, bộ binh và xe tăng Quân Giải phóng đồng loạt tiến công vào TX. Tuy Hòa. Đến 12 giờ cùng ngày, cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lần lượt tung bay trên nóc dinh tỉnh trưởng Phú Yên, Đài chỉ huy quân sự sân bay Đông Tác, Chi khu Tuy Hòa 1, Chi khu Tuy Hòa 2. Tỉnh Phú Yên hoàn toàn giải phóng.

Ngày 2-4, Quân giải phóng tiến vào giải phóng TX. Nha Trang, cắm cờ trên nóc dinh tỉnh trưởng. Tỉnh Khánh Hòa hoàn toàn giải phóng. (Riêng quân cảng Cam Ranh, phải đến 12 giờ trưa ngày 3-4-1975, Quân giải phóng mới làm chủ hoàn toàn).

9 giờ 30 phút ngày 16-4-1975, cờ Mặt trận giải phóng tung bay trên Tòa hành chính - cơ quan đầu não ngụy quyền Ninh Thuận, đánh dấu tỉnh Ninh Thuận hoàn toàn giải phóng. Tuyến phòng thủ từ xa bảo vệ Sài Gòn bị đập tan đã tạo thế mở đường cho đại quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Trưa ngày 18-4-1975, quân ta tiến công làm chủ các quận Phan Rí, Tuy Phong, Sông Mao, Hòa Đa, áp sát TX. Phan Thiết. Đến 22 giờ, Quân giải phóng hoàn toàn làm chủ TX. Phan Thiết. 

NGUYÊN CHƯƠNG
(Tổng hợp)

.
.
.