.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tạo động lực phát triển các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt

Cập nhật: 18:49, 18/04/2018 (GMT+7)

Sáng 18-4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đã chủ trì cuộc họp đánh giá tiến độ xây dựng dự thảo Luật và Đề án thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt dự kiến sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 tới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận tại cuộc họp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận tại cuộc họp.

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo 3 địa phương được chọn để xây dựng đặc khu, gồm: Quảng Ninh, Khánh Hòa và Kiên Giang đã thông tin về tình trạng thực tế trên địa bàn trước thời điểm thông qua dự thảo Luật. Trong đó, một trong những vấn đề nóng hiện nay là tình trạng mua bán đất, xây dựng trái phép đang diễn ra khá phổ biến, gây ra nhiều khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn.

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng nhấn mạnh đến yêu cầu xây dựng thể chế chính sách pháp luật cho các đặc khu hành chính - kinh tế đặc biệt phải “có sự khác biệt hơn so với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước để tạo sức thu hút mạnh mẽ cho đầu tư”. Thủ tướng nêu rõ yêu cầu xây dựng Luật đặc khu hành chính - kinh tế đặc biệt phải đảm bảo nguyên tắc không trái quy định của Hiến pháp nhưng có tính vượt trội để có thể cạnh tranh, thu hút đầu tư. Cùng với đó, việc hình thành bộ máy chính quyền tại các đơn vị này phải theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đảm bảo cân bằng 3 lợi ích giữa Nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp. “Những vấn đề về bộ máy và chính sách phải mang tính cạnh tranh toàn cầu đi liền với đảm bảo quốc phòng, an ninh của quốc gia”, Thủ tướng nói và yêu cầu quá trình xây dựng các dự thảo phải tuân thủ các ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, nhất là dựa vào nội lực, đổi mới phát triển, đồng thời phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Về các nội dung lớn của dự thảo Luật, Thủ tướng nêu rõ tinh thần không cầu toàn nhưng phải khẳng định quyết tâm cao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ với tư duy thống nhất, mạnh dạn xây dựng một thể chế đột phá, tạo động lực phát triển cho 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, lan tỏa đến các vùng kinh tế và cả nước, góp phần phát triển kinh tế đất nước nhanh, bền vững. Việc xây dựng tổ chức, bộ máy của các đơn vị này cần theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phân cấp mạnh trong quản lý, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền cụ thể  của các cơ quan kể cả Quân đội, Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát, Ngoại giao, Thuế, Hải quan.

Về cơ chế, chính sách cho các đơn vị đặc khu hành chính - kinh tế đặc biệt, Thủ tướng đề nghị tiếp tục lắng nghe, chọn lọc các ý kiến đóng góp trên cơ sở mục tiêu xây dựng cơ chế vượt trội, thông thoáng, thu hút nhà đầu tư, có phương án tiếp thu, giải trình chặt chẽ thuyết phục về lợi ích và cơ chế để tạo sự đồng thuận trong xã hội. Yêu cầu chuẩn bị kỹ càng công tác xây dựng tổ chức bộ máy cán bộ ngay từ bây giờ để khi Luật có hiệu lực có thể tiến hành ngay, Thủ tướng cũng lưu ý có những cơ chế thu hút được nhân tài tham gia quản lý, điều hành tại các đặc khu. Trong quá trình đó, không để “khoảng trống” trong quản lý Nhà nước khi Luật có hiệu lực”. Lãnh đạo các địa phương quan liên quan phải xác định rõ và tăng cường trách nhiệm trong công tác quản lý địa bàn. Thủ tướng yêu cầu 3 tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang cần nghiêm khắc chấn chỉnh công tác quản lý đất đai, quản lý rừng, môi trường và đảm bảo gìn giữ trật tự an toàn xã hội; “không để cò đất, xã hội đen, mua bán đất lộng hành”.

QUANG VŨ

 

.
.
.