.

Xây dựng Đảng: Xây dựng phong cách lãnh đạo, quản lý dân chủ cho cán bộ cơ sở

Cập nhật: 18:13, 18/04/2018 (GMT+7)

Phong cách lãnh đạo, quản lý có vai trò quan trọng, ảnh hưởng đến uy tín của cán bộ và tác động đến hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của tổ chức. Do vậy, việc xây dựng phong cách lãnh đạo, quản lý dân chủ cho cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở là vấn đề vừa cấp bách, vừa cơ bản, lâu dài.

Ông Trần Văn Tư, Phó Chủ tịch HĐND xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức (bìa phải) thăm hỏi, động viên nông dân tích cực lao động, sản xuất. Ảnh: BẢO KHÁNH
Ông Trần Văn Tư, Phó Chủ tịch HĐND xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức (bìa phải) thăm hỏi, động viên nông dân tích cực lao động, sản xuất. Ảnh: BẢO KHÁNH

Cấp cơ sở là cấp tổ chức thực hiện, cấp hành động, hiện thực hóa đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, chủ trương, kế hoạch, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên. Do vậy, cán bộ cơ sở (CBCS) là người trực tiếp tổ chức thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có quan hệ trực tiếp với quần chúng, với dân, gần dân, sát dân nhất, giải quyết mọi vấn đề ở cơ sở, trực tiếp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của nhân dân.

Có nhiều kiểu phong cách lãnh đạo, quản lý, nhưng CBCS cần định hướng lựa chọn và xây dựng cho mình một phong cách dân chủ, bởi đây là kiểu phong cách có nhiều ưu điểm nhất, đem lại hiệu quả cao trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của tổ chức và nâng cao uy tín của người cán bộ. Phong cách dân chủ được đặc trưng bằng việc người cán bộ biết sử dụng quyền lực của mình một cách hợp lý, không lạm dụng quyền lực; biết lắng nghe, tranh thủ ý kiến của cán bộ cấp dưới, của quần chúng, đưa họ tham gia vào việc ra quyết định và thực hiện quyết định; có cách thức làm việc khoa học, tác phong sâu sát, cụ thể, tỉ mỉ.

Theo đó, người CBCS phải luôn đặt lợi ích của tập thể, của quần chúng lên trên hết, vì lợi ích của tập thể, của quần chúng. Sinh thời, Bác Hồ đã căn dặn mỗi cán bộ: “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh”. Trong công tác lãnh đạo, quản lý, người CBCS biết đặt mình trong khuôn khổ tổ chức; biết kết hợp tập thể lãnh đạo với cá nhân phụ trách; tôn trọng và lắng nghe ý kiến tập thể, phát huy trí tuệ tập thể, nhưng phải có tính nguyên tắc, tính quyết đoán, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm, có những quyết định kịp thời, đặc biệt trong những thời điểm quan trọng, then chốt, không dựa dẫm, ỷ lại vào tập thể, thiếu trách nhiệm.

Người CBCS cần có cách thức làm việc khoa học, mang tính kế hoạch, bài bản, sáng tạo và hiệu quả. Biết tổ chức, phân chia, sắp xếp công việc, tổ chức động viên cấp dưới và quần chúng thực hiện. Kiểm soát khéo léo việc chấp hành của cấp dưới và quần chúng, biết rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng kịp thời. Không ngừng sáng tạo, đổi mới, tìm ra hướng đi mới, cách làm hay, mang lại hiệu quả. Khắc phục bệnh chủ quan, duy ý chí, được chăng hay chớ, tùy tiện, thiếu kế hoạch, luộm thuộm, gặp sao làm vậy, làm chiếu lệ, không ngăn nắp, làm không đến nơi đến chốn, hoặc bệnh phô trương hình thức.

Trong hoạt động lãnh đạo, quản lý và trong cuộc sống cá nhân, CBCS phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Phải thể hiện siêng năng, chăm chỉ, toàn tâm, toàn ý với công việc chung. Thực hiện nếp sống văn minh, đoàn kết, tương thân, tương ái; thực hành tiết kiệm, sống khiêm tốn, giản dị, trong sạch, chống xa hoa, lãng phí.

Thực tiễn cho thấy ở nơi nào, ở người CBCS nào có phong cách dân chủ sẽ tạo ra những điều kiện thuận lợi cho cấp dưới, cho quần chúng chủ động trong công việc, phát huy trí tuệ, sáng kiến, tham gia tích cực vào công việc chung. Đồng thời, tạo ra bầu không khí tâm lý tích cực, gần gũi, thân thiện, đoàn kết, tin tưởng, uy tín của người cán bộ vì thế ngày càng được củng cố và nâng cao. Ngược lại, ở nơi nào cán bộ nào có phong cách độc đoán, chuyên quyền, hoặc tự do, tùy tiện thì ở đó mất dân chủ, trí tuệ tập thể không được phát huy, công việc không chạy, kém hiệu quả, tập thể không đoàn kết, niềm tin thấp.

Nhằm xây dựng, củng cố phong cách lãnh đạo, quản lý dân chủ của CBCS, lãnh đạo cấp trên cần quan tâm nâng cao phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của CBCS; chú trọng bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị, tri thức khoa học lãnh đạo, quản lý, trình độ chuyên môn, năng lực tổ chức cho đội ngũ CBCS; hoàn thiện hệ thống các quy định, quy chế, quy tắc trên cơ sở quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bản thân CBCS tăng cường rèn luyện trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ, trong sinh hoạt, học tập, trong hoạt động phối hợp công tác với các cơ quan, đơn vị, trong giải quyết các mối quan hệ xã hội; chủ động khắc phục phong cách quan liêu, phát huy môi trường hoạt động dân chủ trong cơ quan, đơn vị, địa phương.

Thực tiễn luôn luôn vận động và phát triển không ngừng, đặt ra những yêu cầu mới đối với việc tu dưỡng, rèn luyện và hoàn thiện phong cách lãnh đạo, quản lý của người CBCS. Việc xây dựng, củng cố, hoàn thiện phong cách dân chủ của CBCS đòi hỏi thực hiện sự thống nhất và đồng bộ giữa giải pháp từ phía lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương và tự học tập, rèn luyện không ngừng của bản thân mỗi CBCS. Có như vậy mới đem lại hiệu quả thiết thực.

NGUYỄN VĂN TỴ

 

.
.
.