.

Đập tan "Cánh cửa thép" Xuân Lộc

Cập nhật: 18:35, 23/04/2018 (GMT+7)

Trước sức tiến công thần tốc của quân giải phóng, địch tổ chức Xuân Lộc thành “tuyến phòng thủ thép” ở phía Đông Sài Gòn, nhằm ngăn chặn đại quân ta từ miền Trung vào để tạo cơ sở cho một giải pháp chính trị cuối cùng, không để mất tất cả. Tướng Weyand, Tham mưu trưởng lục quân Mỹ nhấn mạnh: “Phải giữ cho được Xuân Lộc, mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn”. Lực lượng giữ Xuân Lộc gồm có Sư đoàn bộ binh ngụy số 18, thiết đoàn kỵ binh số 22, một tiểu đoàn biệt động quân... Địch tăng cường nhiều lực lượng chủ lực dự trữ của Quân đoàn III khi chiến dịch nổ ra.

Đánh giá vị trí quan trọng của Xuân Lộc và thị xã Long Khánh, Bộ Tư lệnh Trung ương Cục quyết định mở chiến dịch Xuân Lộc giải phóng thị xã Long Khánh nhằm tiêu diệt thật nhiều sinh lực, đặc biệt là quân tổng trù bị, mở cửa vào Sài Gòn ở phía Đông, không cho chúng tổ chức tuyến phòng thủ mới.

Rạng sáng ngày 9-4-1975, chiến dịch Xuân Lộc mở màn bằng những loạt pháo cấp tập vào các mục tiêu trong thị xã Long Khánh. Đến 12-4, dù gặp sự phản kích quyết liệt của quân địch với hỏa lực chi viện tối đa của không quân và quân nhảy dù, quân ta vẫn tạo thế bao vây địch trong thị xã, tiếp tục làm chủ khu vực ven thị xã và các đoạn quốc lộ 1, quốc lộ 20.

Ngày 15-4-1975, đợt tiến công thứ hai của Chiến dịch Xuân Lộc bắt đầu sau khi Bộ chỉ huy Chiến dịch Xuân Lộc quyết định thay đổi cách đánh từ tiến công trực tiếp chuyển sang bao vây chia cắt.

Pháo binh Quân giải phóng bắn chế áp sân bay Biên Hòa. Sư đoàn 6 (Quân khu 7) tiến công Chiến đoàn 52 địch tại khu vực ngã ba Dầu Giây, cắt đứt quốc lộ 1 và quốc lộ 20. Quân địch ở Biên Hòa - Trảng Bom tổ chức phản kích trên quy mô lớn. Chiến sự diễn ra hết sức quyết liệt tại Dầu Giây. Trên các hướng khác của chiến dịch, Quân đoàn 4 tiếp tục tiến công Chiến đoàn 43, Chiến đoàn 48 và Lữ đoàn Dù 1 của địch. Lực lượng vũ trang địa phương tiêu diệt, bức hàng hệ thống đồn bốt địch dọc các trục giao thông bao quanh thị xã. Cánh quân Duyên Hải tiến vào khu vực Rừng Lá, áp sát Xuân Lộc. Trước tình hình trên, Bộ Tổng Tham mưu quân đội ngụy quyền Sài Gòn hạ lệnh rút khỏi Xuân Lộc. 22 giờ ngày 20-4, lợi dụng lúc trời mưa lớn, theo tỉnh lộ 2, toàn bộ quân địch ở Xuân Lộc tháo chạy về hướng Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ngày 21-4-1975, Chiến dịch Xuân Lộc kết thúc thắng lợi, thị xã Xuân Lộc và toàn tỉnh Long Khánh được giải phóng. “Cánh cửa thép” Xuân Lộc bị vỡ, làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ còn lại của địch ở xung quanh Sài Gòn.

Quân giải phóng đánh chiếm sân bay Xuân Lộc và đập tan “tuyến phòng thủ thép” của địch ở Xuân Lộc vào sáng 21-4-1975, giải phóng hoàn toàn TX. Long Khánh. Ảnh: TƯ LIỆU
Quân giải phóng đánh chiếm sân bay Xuân Lộc và đập tan “tuyến phòng thủ thép” của địch ở Xuân Lộc vào sáng 21-4-1975, giải phóng hoàn toàn TX. Long Khánh. Ảnh: TƯ LIỆU

Tại Washington, Tham mưu trưởng quân lực Mỹ Weyand lắc đầu: “Thế là hết! Tình hình quân sự tại Nam Việt Nam đã tuyệt vọng”. Đêm 21-4, Tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức sau khi chỉ trích thái độ chủ bại và bỏ rơi đồng minh của Hoa Kỳ.

NGUYÊN CHƯƠNG
(Tổng hợp)

.
.
.