.
KỶ NIỆM 50 NĂM TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY XUÂN MẬU THÂN 1968

Trở về với ký ức hào hùng

Cập nhật: 20:34, 31/01/2018 (GMT+7)

Trong cuộc gặp gỡ nhân kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 (diễn ra tại TP.Vũng Tàu cuối tuần qua), 345 cựu chiến binh (CCB) từng trực tiếp tham gia và phục vụ chiến đấu đã cùng ôn lại những ngày tháng hào hùng năm xưa…

Đến cuộc gặp mặt từ sớm, ông Lê Bá Thích (nhà ở phường 10, TP.Vũng Tàu) mừng rơi nước mắt vì gặp lại ông Lê Trọng - người đồng đội từng tham gia chiến đấu ở mặt trận Quảng Trị, Xuân Mậu Thân 1968. 

Trong câu chuyện của mình, cả hai cùng nhớ về chiến dịch đánh cứ điểm làng Vây (Quảng Trị). “Lúc đó, đơn vị của chúng tôi - Sư đoàn 304, được giao nhiệm vụ đánh cứ điểm làng Vây, thuộc tập đoàn cứ điểm Khe Sanh (Quảng Trị). Đúng 10 ngày trước Tết, đêm 20 rạng sáng 21-1-1968, pháo binh của Sư đoàn khai hỏa. Đòn tiến công uy lực chưa từng có của pháo binh ta, đánh cùng lúc vào nhiều mục tiêu quan trọng ở Khe Sanh, làm địch rúng động. Sau đó lực lượng của ta tiếp tục cơ động đánh chiếm các mục tiêu quan trọng ở Trung tâm Chi khu quân sự quận lỵ Hướng Hóa; đường 9 - Khe Sanh”, ông Thích kể. “Sau 50 năm, chúng tôi lại được ôn lại kỷ niệm của những ngày tháng chiến đấu anh dũng, những giây phút hào hùng ấy như mới vừa diễn ra, thật sự vô cùng xúc động và khó diễn tả được thành lời…” - ông Lê Trọng tiếp lời.

Sau 50 năm, 2 người lính của Sư đoàn 304 là Lê Bá Thích (bìa trái) và Lê Trọng gặp lại nhau trong buổi họp mặt kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại TP.Vũng Tàu.
Sau 50 năm, 2 người lính của Sư đoàn 304 là Lê Bá Thích (bìa trái) và Lê Trọng gặp lại nhau trong buổi họp mặt kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại TP.Vũng Tàu.

Đối với ông Vũ Sơn Tiêu (phường 4, TP.Vũng Tàu), cuộc gặp gỡ sau 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 thật nhiều ý nghĩa. 50 năm sau cuộc chiến, những người lính từng tham gia chiến dịch được gặp lại nhau để ôn lại những ngày tháng chiến đấu oai hùng. Ông Tiêu kể lại, năm 1962, ông nhập ngũ và được biên chế vào Tiểu đoàn Bộ binh 2, Trung đoàn 9, Sư đoàn 304. Năm 1967, đơn vị ông được lệnh lên đường chi viện cho chiến trường miền Đông Nam bộ, trực tiếp tham gia chiến đấu ở khu vực Bà Rịa - Long Khánh. Tại đây, Tiểu đoàn Bộ binh 2 đổi tên thành Tiểu đoàn 440. Trong ký ức của mình, ông Tiêu vẫn không thể nào quên đêm giao thừa Tết Mậu Thân, ông Tiêu khi ấy là Chính trị viên phó, trực tiếp chỉ huy đơn vị đánh địch tại Bà Rịa - Long Khánh. “Đơn vị chúng tôi có khoảng 120 người trực tiếp tham gia đánh chiếm Sân bay Long Khánh, Bộ Chỉ huy Sư đoàn 18 của ngụy. Trong trận chiến ấy, hơn 30 đồng đội tôi hy sinh và bị thương nặng…”, ông Tiêu kể lại.

Tại buổi gặp mặt, chúng tôi bị thu hút với tấm vải dù đã bạc màu được bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết (từng tham gia Tiểu ban Quân y, Tỉnh đội Bình Định) khoác lên bộ trang phục tinh tươm một cách nâng niu. Trò chuyện với chúng tôi, bà Tuyết kể lại: “Tấm vải dù này, chúng tôi thu được sau một lần chiến đấu chống địch càn ở Bình Định và nó đã trở thành kỷ vật theo suốt tôi trong hơn 50 năm qua. Không chỉ làm khăn trùm đầu để ngụy trang, làm chăn đắp trong những đêm ngủ ở rừng, tấm vải dù này còn được chúng tôi sử dụng làm võng cáng bộ đội ta bị thương trong suốt chiến dịch Mậu Thân 1968”. 

Những câu chuyện như dòng thác tuôn chảy không bao giờ dứt, thời gian như ngưng đọng trong không gian ấm cúng của tiết trời đang chuyển dần sang Xuân. Những người lính năm xưa tuy tuổi đã cao, tóc đã bạc nhưng ai nấy đều tươi vui, mạnh mẽ trong bộ quân phục chỉnh tề, ngực gắn đầy Huân, Huy chương. Ai nấy đều bồi hồi xúc động, rơi nước mắt vì hạnh phúc khi gặp lại đồng đội cũ, không muốn rời nhau…

Ông Nguyễn Xuân Sơn, Chủ tịch Hội CCB TP.Vũng Tàu cho biết, hiện nay, trên địa bàn TP.Vũng Tàu có hơn 360 CCB đã từng tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Phát huy truyền thống quý báu của người lính Cụ Hồ, các CCB đã luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào, hoạt động của địa phương. “Trong buổi gặp gỡ này, có những người sau 50 năm được gặp lại đồng đội cũ, có những câu chuyện sau 50 năm được kể lại vẫn vẹn nguyên cảm xúc đã giúp chúng tôi thêm tự hào về một thời hoa lửa. Đồng thời, tiếp thêm ngọn lửa nhiệt huyết cho các thế hệ sau”, ông Sơn khẳng định.

Bài, ảnh: NGỌC HẢI

.
.
.