.
KỶ NIỆM 50 NĂM TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY XUÂN MẬU THÂN 1968

Sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Cập nhật: 19:18, 30/01/2018 (GMT+7)

Mùa xuân năm Mậu Thân 1968, quân và dân ta đã khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên khắp chiến trường miền Nam, giáng đòn nặng nề vào ý chí xâm lược, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, mở ra bước ngoặt mới cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của toàn dân tộc. Sức mạnh làm nên chiến công vang dội ấy là do Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay) đã phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tổ may cờ ở Gia Định may cờ Mặt trận chuẩn bị cho Tết Mậu Thân. (Ảnh tư liệu)
Tổ may cờ ở Gia Định may cờ Mặt trận chuẩn bị cho Tết Mậu Thân. (Ảnh tư liệu)

XÂY DỰNG MẶT TRẬN DÂN TỘC

Trước hết, sức mạnh khối đại đoàn kết bắt nguồn từ chủ nghĩa yêu nước nồng nàn của con người Việt Nam, trực tiếp từ đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo và trải qua quá trình tổ chức, xây dựng, “thử lửa” lâu dài. Để đương đầu và đánh thắng chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới của đế quốc Mỹ có tiềm lực kinh tế, quân sự lớn mạnh gấp nhiều lần, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao việc xây dựng mặt trận dân tộc thống nhất theo tư tưởng “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công!”.

Tại miền Nam, từ phong trào đấu tranh của quần chúng, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập (ngày 20-12-1960), cùng với miền Bắc nỗ lực thực hiện nhiệm vụ chung, mục tiêu chung là đấu tranh chống Mỹ, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thực hiện hòa bình, thống nhất Tổ quốc. 

Dựa trên nền tảng vững bền đó nên ngay từ năm 1965, khi đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, ồ ạt đưa quân viễn chinh trực tiếp tham chiến ở miền Nam, đồng thời sử dụng không quân, hải quân mở cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam, Trung ương Đảng đã kịp thời hạ quyết tâm “đánh Mỹ, thắng Mỹ”, tiếp tục đưa chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện lên bước phát triển cao. Vượt qua những khó khăn ban đầu, quân và dân ta từng bước đánh bại chiến tranh phá hoại của địch, bảo vệ miền Bắc, đồng thời giữ vững quyền chủ động, đập tan những cuộc phản công chiến lược của chúng trong mùa khô 1965-1966 và 1966-1967 ở miền Nam.

Cuối năm 1967, cục diện chiến tranh chuyển biến quan trọng. Cách mạng đang ở thế thắng, thế chủ động và có nhiều thuận lợi. Mỹ và chính quyền Sài Gòn đang ở thế thua, bị động và gặp nhiều khó khăn. Chớp thời cơ chiến lược, Hội nghị Bộ Chính trị (tháng 12-1967) và Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 14 (tháng 1-1968) hạ quyết tâm động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng lên bước phát triển cao nhất: Tổng tiến công và nổi dậy trên khắp chiến trường miền Nam (mục tiêu chủ yếu hướng vào đô thị) để giành thắng lợi quyết định. Sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân đã “thử lửa” qua hơn 2 năm trực tiếp đương đầu với “Chiến tranh cục bộ” (1965-1967) tiếp tục được phát huy cao độ trong quá trình chuẩn bị, tổ chức và thực hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

SỨC MẠNH THẾ TRẬN LÒNG DÂN

Phát huy vai trò to lớn của hậu phương chiến lược, tính riêng từ tháng 12-1967 đến tháng 1-1968, miền Bắc đã đưa vào chiến trường miền Nam hàng chục ngàn tấn vật chất cùng hàng chục ngàn bộ đội. Tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn được củng cố, vươn xa đến các hướng chiến trường, vươn sâu vào các mặt trận. Trên địa bàn các quân khu miền Nam, cấp ủy và lãnh đạo, chỉ huy các cấp khẩn trương tổ chức lực lượng, chuẩn bị chiến trường sẵn sàng bước vào trận quyết chiến lịch sử. Nhân dân vùng địch tạm chiếm vừa thăm dò nắm tình hình địch, vừa tích cực tham gia vận chuyển vũ khí, đạn dược... về cất giấu tại vùng ven đô. Các đoàn cán bộ xâm nhập hệ thống đô thị, phối hợp với cơ sở triển khai các mặt công tác, sẵn sàng cho quần chúng nổi dậy khởi nghĩa... Hoạt động chuẩn bị của quân và dân ta diễn ra trên quy mô rộng lớn chưa từng có. 

Trong khi đó, tuy bộ máy kìm kẹp của địch rất hà khắc, cơ quan an ninh, tình báo giăng khắp nơi nhưng địch vẫn không phát hiện được ý định và kế hoạch hành động chiến lược của ta cho đến lúc khởi sự. Đây thực sự là thành công rất to lớn, vượt ngoài sự tưởng tượng của kẻ thù và các nhà quân sự thế giới. Nó góp phần chứng minh sức mạnh thế trận lòng dân, chứng minh khát vọng độc lập, tự do đến cháy bỏng đang chờ thời khắc bùng lên.

Vào dịp Tết Mậu Thân 1968 (30 và 31-1-1968), quân dân ta bất ngờ mở cuộc tiến công và nổi dậy trên toàn miền, đồng loạt đánh vào 4 thành phố, 37 thị xã, hàng trăm thị trấn và hầu khắp các “ấp chiến lược”, vùng nông thôn... Trong thời gian ngắn, quân và dân toàn miền đã tiêu diệt và làm tan rã 15 vạn quân địch, trong đó có gần 4 vạn quân Mỹ, phá hủy trên 1 triệu tấn vật chất; phá trên 600 ấp chiến lược, giải phóng 1,3 triệu dân... 

Đây là cuộc động binh và huy động lực lượng có tầm vóc, quy mô và khí thế cao chưa từng có trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ đến thời điểm năm 1968. Từ đồng bằng nông thôn đến thành thị, từ Đường 9 - Khe Sanh (Quảng Trị) đến miền Đông Nam bộ, mũi Cà Mau..., nhân dân đã sát cánh cùng bộ đội ngoan cường chiến đấu chiếm giữ mục tiêu, đánh địch phản kích. Vượt qua mưa bom, bão đạn của quân thù, nhân dân một lòng hướng về cách mạng, ngày đêm gùi lương, tải đạn, cứu chữa thương binh... Sức mạnh khối đại đoàn kết (quân - dân; cán bộ - chiến sĩ; hậu phương - tiền tuyến...) thể hiện sinh động, rõ nét qua từng trận đánh, từng địa bàn và trên phạm vi toàn miền Nam.

Nhìn lại cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, chúng ta càng có cơ sở để nhận thức toàn diện, sâu sắc thêm về tầm vóc, ý nghĩa cùng những bài học lịch sử rút ra từ sự kiện trọng đại này. Nền tảng làm nên chiến công vang dội đó chính là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Hay nói cách khác, toàn thể nhân dân Việt Nam đã đoàn kết một lòng xung quanh Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, bền tâm vững chí, quyết chiến, quyết thắng kẻ thù xâm lược vì nền tự do, độc lập và vẹn toàn sông núi, bờ cõi, biên cương... Bài học quý báu này tiếp tục được Đảng ta chắt lọc, vận dụng trực tiếp vào các chặng đường cách mạng về sau cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

ĐẠI TÁ PHẠM ĐỨC TRƯỜNG
(Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam)

.
.
.