Xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Là người sáng lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người đầu tiên dành sự quan tâm và khởi xướng việc xây dựng, chỉnh đốn để Đảng luôn ngang tầm với nhiệm vụ chính trị trong mọi điều kiện, hoàn cảnh mới của lịch sử.
Sau khi trở thành Đảng cầm quyền, với cương vị là người đứng đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Người cho rằng, còn Đảng là còn hoạt động, còn hoạt động thì Đảng phải vững mạnh và muốn thế nhất thiết Đảng phải tiến hành xây dựng và chỉnh đốn. Đảng cũng như bao cơ thể sống trong đời sống xã hội và Đảng là một bộ phận hợp thành cơ cấu của xã hội; cán bộ, đảng viên “không phải thần thánh” nên cũng như những con người khác đều chịu tác động, ảnh hưởng cả những cái tốt, cái xấu từ môi trường xã hội. Mặt khác, sức sống của Đảng và thắng lợi của cách mạng bắt nguồn và lệ thuộc vào trí tuệ, đạo đức cũng như uy tín của Đảng. Vì vậy, việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng phải thực hiện thường xuyên, đó như là một quy luật tất yếu.
Người quan niệm: Thực chất xây dựng, chỉnh đốn Đảng là “sửa sang, sắp đặt lại cho đúng nguyên tắc, lề lối hoạt động”, “chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng”, “củng cố lập trường, rửa gội khuyết điểm, phát huy ưu điểm”, với mục đích “dùi mài cho cán bộ, đảng viên thành những chiến sĩ xứng đáng với Đảng, xứng đáng với người đầy tớ trung thành của nhân dân”, “nâng tầm năng lực của mỗi đảng viên, chi bộ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ mới”, “tạo ra trong Đảng những cái mới mẻ, tốt tươi, mang lại cho Đảng một chất lượng mới… tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí, đoàn kết nhất trí”.
Người đòi hỏi mỗi thành viên của Đảng phải coi đó là nhiệm vụ vừa thường xuyên, vừa cấp bách và mỗi đảng viên phải tạo cho mình nhu cầu tự phấn đấu, rèn luyện để hoàn thiện nhân cách. Và khi trở thành Đảng cầm quyền thì vấn đề “chỉnh đốn Đảng” lại phải đặt lên hàng đầu và hành động càng quyết liệt hơn. Người cảnh báo: Với Đảng cầm quyền, những căn bệnh “ích kỷ, tự cao, tự đại, kiêu ngạo, cửa quyền, hách dịch, coi khinh quần chúng nhân dân, tham ô, lãnh phí, quan liêu…” rất dễ xảy ra trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và đó là nguy cơ dẫn đến sự tồn vong của Đảng. Đảng thay mặt nhân dân trao quyền lực cho cán bộ, đảng viên nhằm tạo nên sức mạnh to lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng của toàn dân tộc. Nhưng mỗi khi quyền lực rơi vào tay những người tha hóa, biến chất, cơ chế kiểm soát quyền lực không chặt chẽ thì sức phá hoại của nó thật ghê gớm và sẽ gây ra những hậu quả khôn lường cho Đảng, cho dân.
Trong Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà (ngày 17-9-1945) và Thư gửi các đồng chí Bắc bộ, các đồng chí Trung bộ (năm 1947), Người dặn: “Cán bộ, đảng viên phải đề phòng hủ hóa, lên mặt làm quan cách mạng hoặc là độc hành, độc đoán, hoặc là dĩ công dinh tư”. Người dặn “Càng cựu, càng giỏi, càng phải khiêm tốn, phải có lòng cầu tiến bộ”. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Người thường xuyên “chỉnh huấn”, “chỉnh quân”, “chỉnh Đảng”. Người nói: “Muốn cuộc kháng chiến thắng lợi, chúng ta phải ra sức sửa chữa những tư tưởng sai lầm như tư tưởng thái bình, khuynh hữu, muốn nghỉ ngơi, hưởng lạc”.
Khi miền Bắc bước vào xây dựng CNXH, Người khuyên: Muốn lãnh đạo nhân dân đạt được mục tiêu, nhất thiết Đảng phải được củng cố thật sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Trước khi qua đời, Người để lại Di chúc “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân”.
Người luôn chỉ bảo: Chỉnh đốn Đảng nhất thiết phải tin dân, dựa vào dân, vận động quần chúng nhân dân tham gia xây dựng Đảng; phải chú trọng cách làm “Chấn chỉnh từ dưới lên trên, bắt đầu từ xã, dưới làm lên, trên làm xuống dưới” và công việc đầu tiên mang tính quyết định là “chấn chỉnh đội ngũ cán bộ, đảng viên” để Đảng trở thành “chân chính, cách mạng, trong sạch, vững mạnh”.
Đảng vững mạnh thì dân tộc trường tồn, đất nước phát triển. Nhưng Đảng chỉ thật sự mạnh khi biết nhận ra lỗi lầm và kiên quyết khắc phục. Thấm nhuần di sản về xây dựng Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 88 năm qua, dưới ánh sáng soi đường chỉ lối của Người, Đảng đã không ngừng và kiên quyết đổi mới, chỉnh đốn nội bộ. Khi chưa giành được chính quyền, Đảng đã “tự chỉ trích” để thấy rõ những hạn chế, khuyết điểm từ đó tìm giải pháp khắc phục, sửa chữa. Khi có chính quyền, Đảng đề ra những quyết sách chính trị với tinh thần trách nhiệm cao nhất trước dân tộc.
Hiện nay, toàn Đảng đang thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng một cách quyết liệt và kết quả bước đầu được toàn Đảng ủng hộ, toàn dân tin tưởng, đồng tình, hoan nghênh. Thành quả xây dựng, chỉnh đốn Đảng như một thông điệp báo hiệu mùa Xuân về và lòng yêu nước, trí tuệ, sức sáng tạo của con người Việt Nam chắc chắn sẽ được đánh thức, thăng hoa, tạo nên làn gió mới cho công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
NGUYỄN QUANG PHI