.
Bác sĩ Ngô Thành Phong, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh:

Bệnh tâm thần phân liệt là bệnh mạn tính, phải điều trị suốt đời

Cập nhật: 08:18, 08/01/2007 (GMT+7)

Để rõ hơn về một số thông tin xung quanh bệnh tâm thần phân liệt, phóng viên báo Bà Rịa – Vũng Tàu đã có cuộc trao đổi nhanh với bác sĩ Ngô Thành Phong, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh.

* Bác sĩ có thể cho biết cụ thể về triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt?
- Người bệnh tâm thần phân liệt thường có những biểu hiện rối loạn về tư duy. Họ cho rằng ý nghĩ của mình vang lên thành tiếng nên mọi người biết được, hoặc có ai đó đọc được ý nghĩ của mình mặc dù họ không nói ra. Người bệnh tâm thần cũng bị những hoang tưởng. Họ có những ý tưởng phán đoán sai lầm, không phù hợp với thực tế nhưng lại cho là đúng, và không ai có thể giải thích, đả thông được. Bệnh nhân cũng thường có những hoang tưởng bị kiểm tra, chi phối. Người bệnh nghĩ rằng có một người nào đó hay một lực lượng nào đó đang kiểm tra, chi phối hoạt động của mình, hoặc đang theo dõi, đầu độc, làm hại mình. Bệnh nhân cho mình là một siêu nhân có khả năng làm việc kỳ diệu (điều khiển được thế giới, thời tiết, hoặc đang tiếp xúc với người của thế giới khác…), thậm chí, bệnh nhân thường nghe thấy những lời nói xuất phát từ một bộ phận nào đó trong cơ thể của chính mình, hoặc nhìn thấy, ngửi thấy, cảm thấy những gì mà người khác không thấy, kết hợp với những hoang tưởng liên hệ, ghen tuông, kiện cáo nghi bệnh… kéo dài nhiều tháng.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể có những hành vi kích động vô cớ như đập phá, hò hét hay bất động giữ nguyên tư thế, không nói, không ăn.
Bệnh nhân cũng có thể có những triệu chứng âm tính như cảm xúc cùn mòn, xa lánh, hằn học với mọi người, sống cô độc, đi lang thang hoặc lo sợ, giận dữ vô cớ. Khi giao tiếp, bệnh nhân tâm thần thường có ngôn ngữ nghèo nàn hay gián đoạn, thêm từ khi nói đi đến tư duy không liên quan hay lời nói không thích hợp hoặc ngôn ngữ bịa đặt. Bệnh nhân bị biến đổi nhân cách, mất thích thú, vô cảm, lười nhác, thiếu mục đích và khó thích ứng xã hội…

* Thưa bác sĩ, có gia đình sợ người bệnh quậy phá đã nhốt bệnh nhân lại. Việc làm này có đúng không?
- Tuy đây là bệnh loạn thần kinh nặng và mạn tính nhưng không có nghĩa là không cải thiện được. Bệnh nhân nếu được điều trị đúng phác đồ có thể ổn định về tâm thần và trở lại với cuộc sống đời thường. Tuy nhiên, đối với bệnh tâm thần phân liệt, cho dù đã điều trị ổn định và thuyên giảm thì cũng không có nghĩa là khỏi bệnh hoàn toàn. Bệnh nhân cần được tiếp tục theo dõi điều trị và uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ đến suốt đời.
Tại cộng đồng, cho đến thời điểm này, theo chúng tôi được biết, vẫn còn một vài trường hợp bệnh nhân bị gia đình nhốt cách ly, thậm chí kéo dài hàng mấy chục năm trời. Đây là việc làm hoàn toàn không đúng đối với bệnh nhân tâm thần. Khoa học đã tiến bộ, đã có những loại thuốc thế hệ mới được đưa vào sử dụng điều trị cho bệnh nhân tâm thần phân liệt nặng, dù có quậy phá hay quấy rối đến cỡ nào thì chỉ 3 ngày sau khi sử dụng thuốc là cải thiện, không cần phải nhốt bệnh nhân. Trong quá trình triển khai chương trình, chúng tôi cũng đã nỗ lực tuyên truyền, vận động người dân về vấn đề này và giảm bớt được nhiều quan niệm cổ hủ, sai lệch trong đối xử với bệnh nhân tâm thần. Nhân đây tôi cũng nhắc lại rằng, tất cả thuốc điều trị đều hoàn toàn được miễn phí, người nhà bệnh nhân không nên mua thuốc trôi nổi vừa tốn tiền lại có thể gây độc hại cho bệnh nhân. Khi phát hiện người thân có những biểu hiện kể trên, cần đưa đến cơ sở y tế có chuyên khoa hoặc Bệnh viện Tâm thần tỉnh để được khám và điều trị đúng cách.

* Xin cảm ơn bác sĩ!

Minh Thư
(Thực hiện)

.
.
.