Xung quanh một vụ tranh chấp hợp đồng lao động

Thứ Sáu, 22/07/2022, 19:54 [GMT+7]
In bài này
.

Cho rằng doanh nghiệp (DN) nơi mình đang làm việc là Công ty TNHH Aqualisbraemar Việt Nam (TP.Vũng Tàu) đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) với người lao động trái pháp luật, chị  Nguyễn Thị Thanh Bình (phường 9, TP. Vũng Tàu) đã phản ánh tới Báo Bà Rịa-Vũng Tàu. Phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu đã ghi nhận và tìm hiểu vụ việc.

Chị Nguyễn Thị Thanh Bình phản ánh vụ việc với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu.
Chị Nguyễn Thị Thanh Bình phản ánh vụ việc với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu.

Bất ngờ khi bị chấm dứt hợp đồng

Trao đổi với phóng viên, chị Nguyễn Thị Thanh Bình trình bày, ngày 24/12/2014, Công ty TNHH Braemar Technical Service (Offshore) Việt Nam, nay là Công ty TNHH AqualisBraemar Việt Nam ký HĐLĐ không xác định thời hạn với chị Bình. Chức vụ ghi trong hợp đồng của chị Bình là kế toán trưởng. 

Trong quá trình làm việc, chị Bình luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, chưa lần nào vi phạm kỷ luật hay bị khiển trách, xử lý. Tuy nhiên, ngày 12/6/2020, chị Bình bất ngờ nhận được quyết định “Chấm dứt HĐLĐ” từ phía Công ty TNHH Aqualisbraemar Việt Nam.

Lý do Công ty chấm dứt HĐLĐ đối với chị Bình là “Hai bên thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ” theo Khoản 3, Điều 36 Bộ Luật Lao động 2012, trên cơ sở Biên bản làm việc ngày 20/5/2020 giữa Ban Giám đốc Công ty với người lao động.

Tiếp đó, ngày 19/6/2020, Công ty TNHH Aqualisbraemar Việt Nam có quyết định số 020 về việc “sửa đổi, bổ sung quyết định chấm dứt HĐLĐ số 019 ngày 12/6/2020”. Theo đó, quyết định này nêu rõ chị Bình sẽ được hưởng lương và các chế độ theo HĐLĐ đến hết ngày 27/7/2020.

Các quyết định trên của Công ty khiến chị Bình rất bất ngờ và không đồng ý. Theo chị Bình, bản chất cuộc họp ngày 20/5/2020 là xem xét, thảo luận về tình hình sản xuất kinh doanh hiện tại và khối lượng công việc. Cuộc họp đã thống nhất, chỉ cần 1 nhân viên kế toán là đủ cho khối lượng công việc hiện tại và sẽ được cắt giảm số lượng nhân viên thực tế sử dụng do hoạt động kinh doanh gặp khó khăn. Cuộc họp không hề đề cập đến việc sẽ cắt giảm ai, thời gian nào. Vì vậy, việc căn cứ vào biên bản này cho rằng chị Bình đã thỏa thuận với công ty về chấm dứt HĐLĐ là không đúng quy định pháp luật và không hợp lý. Bản thân chị Bình cũng chưa hề ký bất cứ thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ nào với Công ty này.

Chị Bình cho hay, trước đó Công ty chưa lập phương án cắt giảm nguồn nhân lực, chưa xây dựng phương án sử dụng lao động trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Công ty cũng không báo trước cho chị Bình khoảng thời gian theo quy định của pháp luật để chị có thể tìm việc khác hoặc chuẩn bị tâm lý cho việc chị có thể bị mất việc làm. Cũng theo chị Bình, Công ty TNHH Aqualisbraemar Việt Nam viện cớ do tình hình dịch bệnh dẫn đến thu hẹp sản xuất, buộc phải cắt giảm lao động. Tuy nhiên, thực tế công ty này tiếp tục tuyển thêm 2 nhân sự nữa sau khi ra quyết định chấm dứt HĐLĐ đối với chị, đồng thời tăng lương cho giám đốc. Thời điểm đó, Công ty vẫn ký nhiều hợp đồng mới và tiếp tục thực hiện nhiều hợp đồng lớn với doanh thu cao.

“Công ty TNHH Aqualisbraemar Việt Nam chấm dứt HĐLĐ với tôi là trái pháp luật, vi phạm Bộ luật Lao động năm 2012, khiến quyền và lợi ích chính đáng của tôi bị xâm phạm. Tôi yêu cầu công ty bồi thường thiệt hại cho tôi trong thời gian qua do chấm dứt hợp đồng trái pháp luật. Đồng thời, nhận tôi lại làm việc và thỏa thuận bồi thường với tôi”, chị Bình khẳng định.

Chị Bình đã gửi đơn khiếu nại đến Công ty TNHH Aqualisbraemar Việt Nam để đòi quyền lợi nhưng không được giải quyết nên đã gửi đơn khởi kiện công ty lên TAND TP.Vũng Tàu.

Liên quan đến nội dung khiếu nại của chị Nguyễn Thị Thanh Bình, luật sư đại diện Công ty TNHH Aqualisbraemar Việt Nam cho biết, vụ việc đang được TAND TP.Vũng Tàu thụ lý giải quyết. Do đó, DN đang chờ quyết định cuối cùng của tòa án và không có ý kiến gì thêm.

Góc nhìn của luật sư

Luật sư Đỗ Thành Trung, Giám đốc Công ty Luật TNHH New Key (phường 7, TP.Vũng Tàu) cho biết, theo thông tin chị Bình cung cấp, Công ty TNHH Aqualisbraemar Việt Nam ban hành quyết định chấm dứt HĐLĐ với chị vào ngày 12/6/2020 nên sẽ áp dụng các quy định của Bộ luật Lao động năm 2012 để giải quyết.

Trong trường hợp này, nếu thật sự chị  Bình không ký bất kỳ một biên bản thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ nào theo quy định tại khoản 3, Điều 36 Bộ luật Lao động 2012 thì Công ty TNHH Aqualisbraemar Việt Nam đã có hành vi đơn phương chấm dứt HĐLĐ. Theo quy định tại Điều 38 Bộ luật Lao động 2012, người sử dụng lao động (NSDLĐ) chỉ được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ với người lao động (NLĐ) trong những trường hợp sau:  NLĐ thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động; NLĐ bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo HĐLĐ không xác định thời hạn, đã điều trị 6 tháng liên tục, đối với NLĐ làm theo HĐLĐ xác định thời hạn và quá nửa thời hạn HĐLĐ đối với người làm theo HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục. Khi sức khỏe của NLĐ bình phục, thì NLĐ được xem xét để tiếp tục giao kết HĐLĐ;

Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà NSDLĐ đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc; NLĐ không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 33 của Bộ luật này.

Như vậy, NSDLĐ chỉ được đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ khi thuộc một trong các trường hợp trên. Ngoài ra, để đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ đúng luật, NSDLĐ phải tuân thủ điều kiện báo trước đối với NLĐ. Cụ thể: Ít nhất 45 ngày đối với HĐLĐ không xác định thời hạn; Ít nhất 30 ngày đối với HĐLĐ xác định thời hạn; Ít nhất 3 ngày làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này và đối với HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng (Theo quy định tại Khoản 2 Điều 38 BLLĐ 2012).

Trong vụ việc của chị Bình, theo công ty lấy lý do đang gặp khó khăn để cắt giảm nhân sự và cho chị nghỉ việc thì phải đưa ra được các bằng chứng để chứng minh rằng “Công ty đã tìm mọi cách khắc phục” nhưng vẫn phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc. Ngoài ra, Công ty phải tuân thủ chặt chẽ các quy định liên quan đến việc xây dựng kế hoạch phương án nhân sự khi thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động, thời hạn báo cáo cơ quan quản lý Nhà nước… “Nếu phía công ty không đưa ra được lý do cụ thể và không tuân thủ các bước theo quy định khi cắt giảm nhân sự thì đã vi phạm quy định về đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ”, Luật sư Đỗ Thành Trung khẳng định.

Bài, ảnh: TRÚC GIANG

;
.