Phản ánh tới Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, chị Nguyễn Thị Hoa (ngụ TP. Vũng Tàu) cho biết, ngày 7/4, vợ chồng chị từ TP. Vũng Tàu qua thăm mảnh đất của gia đình nằm trên tuyến tỉnh lộ 52 (thuộc tổ 3, ấp Đông, xã Hòa Long, TP. Bà Rịa) thì tá hỏa phát hiện trên vỉa hè phía trước mảnh đất của mình có hàng loạt hố ga án ngữ.
Cụm hố ga, hố công trình kỹ thuật và hố trồng cây án ngữ trước mặt tiền mảnh đất. |
Theo lời kể của chị Hoa, vỉa hè tuyến tỉnh lộ 52 đi qua xã Hoà Long hiện đang được thi công lát gạch, làm các hố ga thoát nước, hố công trình kỹ thuật và bồn trồng cây xanh. Đáng nói, án ngữ gần hết phần mặt tiền mảnh đất dài khoảng 5m của gia đình chị là 5 hố ga lớn và 1 bồn trồng cây đang làm dang dở. Bức xúc, chị đề nghị công nhân ngừng thi công đoạn vỉa hè này. Đồng thời đi hỏi khắp nơi nhưng không biết phản ánh với đơn vị nào để di dời các hố ga.
Cũng theo chị Hoa, vỉa hè đoạn đường gần mảnh đất của chị, hầu như nhà nào cũng có hố ga nhưng được bố trí chia đều ra hai bên giữa các căn nhà. Chỉ mỗi mảnh đất của chị do chưa xây dựng gì nên đã bị dồn cả cụm hố ga ngay trước mặt tiền.
“Hai năm qua do dịch COVID-19 và công việc nên vợ chồng tôi ít khi tới trông nom mảnh đất. Tỉnh lộ 52 thi công mở rộng, những tưởng mảnh đất thêm có giá trị nào ngờ bị hàng loạt hố ga án ngữ khiến mảnh đất mất đi giá trị rất nhiều. Sau này các hố ga sẽ còn phát sinh mùi hôi nước và rác thải nữa”, chị Hoa bức xúc nói.
Trao đổi với phóng viên, ông Lưu Lãng Luân, Phó Phòng kỹ thuật Công ty TNHH xây dựng Đông Nam, đơn vị thi công lát gạch vỉa hè và cống ngầm đoạn đường trên cho biết, đường cống tuyến đường tỉnh lộ 52 được làm mới hoàn toàn theo phương án ngầm hóa đô thị. Việc thiết kế các cụm hố thoát nước, hố kỹ thuật thông tin liên lạc đều thực hiện theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt.
Theo đó, vỉa hè trước mặt tiền mảnh đất của chị Hoa gồm có cụm hố thoát nước bao gồm: hố thu nước mặt đường nằm gần bó vỉa hè, hố ngăn mùi và hố thăm. Còn hố hệ thống kỹ thuật thông tin liên lạc sẽ chứa các đường ống: điện trung thế, hạ thế, cáp quang, dịch vụ viễn thông… Đặc biệt, hố kỹ thuật thông tin liên lạc là lớn nhất với diện tích 1,2mx2,4m và còn đấu nối với một hố “con” để sau này thuận lợi đấu nối vào từng nhà các hộ dân. “Với 2 cụm hố nêu trên thì phía trước nhà chị Hoa có 5 hố ga và 1 bồn trồng cây”, ông Luân thông tin.
Cũng theo ông Luân, khoảng cách các hố ga được thực hiện theo hồ sơ thiết kế của tuyến cống và không cố định, dao động từ 32m - 52m. Các hố này chỉ có khống chế duy nhất ở các điểm giao cắt với đường hiện hữu hoặc giao cắt với điểm chờ. Đối với kiến nghị di dời các cụm hố ga chia đều ra hai bên nhà dân, ông Luân cho rằng đơn vị thi công làm theo thiết kế. Do vậy, nếu người dân muốn di dời các cụm hố ga đi vị trí khác thì phải có đơn kiến nghị lên chính quyền địa phương, chủ đầu tư. Sau đó các bên liên quan sẽ lập đoàn khảo sát, xin ý kiến hội đồng và có biên bản để điều chỉnh hồ sơ, sửa lại thiết kế thì đơn vị thi công mới có thể làm, chứ bên thi công không thể tự ý sửa chữa.
Theo ông Luân, việc lắp đặt cống ngầm diễn ra 2 năm trước nhưng đơn vị thi công không nhận được phản ánh của người dân lẫn địa phương. Đến nay, công việc làm cống ngầm, lát vỉa hè gần hoàn thành mà người dân có yêu cầu di dời hố ga là rất khó thực hiện. Bởi toàn bộ đường cống trên tuyến đường đều là cống định hình, khi muốn thay đổi, di dời thì rất khó thi công và chi phí thi công lắp đặt rất tốn kém. “Nếu hộ dân nào cũng kiến nghị di dời hố ga như kiến nghị của chị Hoa, các hố ga thi nhau tịnh tuyến mãi thì chắc chắn tuyến đường này không thể thi công được”, ông Luân nói.
Ông Luân cũng chia sẻ thêm, các hố thoát nước và hố kỹ thuật thông tin liên lạc khi thi công hoàn thành, lát gạch sẽ được làm bằng phẳng và bảo đảm tính mỹ quan đô thị. Đặc biệt, cụm hố thoát nước, hố ngăn mùi đều là sản phẩm đã được Bộ KHCN và Bộ Xây dựng thẩm định xét duyệt, nên đủ tiêu chí lắp đặt cho đô thị, không có mùi hôi như người dân lo lắng.
Bài, ảnh: BẠCH LONG