Phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản

Thứ Sáu, 03/12/2021, 22:46 [GMT+7]
In bài này
.

Những năm gần đây, mỗi năm có ít nhất 2-3 vụ chết đuối thương tâm xảy ra tại các mỏ khai thác đất, đá… Những hệ lụy này đang đặt ra vấn đề hoàn nguyên môi trường, xây dựng kế hoạch phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản (KTKS) nhằm bảo đảm an toàn cho người dân và tiếp tục phục vụ phát triển kinh tế tại địa phương.

Nhiều DN chưa quan tâm đến công tác phục hồi môi trường sau KTKS. Trong ảnh: Một mỏ khai thác cát tại xã Châu Pha (TX. Phú Mỹ) chưa có rào chắn, người dân có thể ra vào khu vực mỏ, trong đó có nhiều hố sâu nguy hiểm.
Nhiều DN chưa quan tâm đến công tác phục hồi môi trường sau KTKS. Trong ảnh: Một mỏ khai thác cát tại xã Châu Pha (TX. Phú Mỹ) chưa có rào chắn, người dân có thể ra vào khu vực mỏ, trong đó có nhiều hố sâu nguy hiểm.

Những hố sâu nguy hiểm

Đã 6 tháng trôi qua kể từ ngày 2 đứa con nhỏ của chị Lê Kim O. (SN 1983, tạm trú tại phường Mỹ Xuân, TX. Phú Mỹ) chết đuối tại hố nước sâu trong mỏ đất sét Mỹ Xuân 2 chị O. vẫn chưa hết bàng hoàng. Chị O. kể lại 10 giờ ngày 28/5, 2 con của chị là L.Đ.K. (SN 2005) và L.Đ.Kh. (SN 2012) đã rời nhà đi câu cá. Thấy các con không về, gia đình đi tìm thì đến sáng 29/5 hay tin một người đàn ông đã vớt được xác của 2 con tại mỏ đất sét Mỹ Xuân 2 sau đó đưa về trạm Y tế phường.

Ông Trần Đình Hải, Khu phố Phú Thạnh dẫn tôi quanh co qua những con đường nhỏ đến khu vực mỏ sét Mỹ Xuân 2 (khu phố Phú Thạnh, phường Mỹ Xuân). Cả khu đất rộng mênh mông sau khi khai thác đất sét để làm vật liệu xây dựng chỉ còn lại những hố sâu thăm thẳm, mênh mông nước. Ông Hải cho hay, nhiều năm qua, mỏ sét Mỹ Xuân 2 này đã có rất nhiều vụ chết đuối thương tâm xảy ra. Đặc biệt trong năm 2020 và 2021 đã có 5 em HS bị đuối nước nơi này. Sau khi xảy ra nhiều vụ chết đuối, chủ đầu tư các khu vực KTKS này mới làm hàng rào và biển cảnh báo “Hố sâu nguy hiểm”. Ông Lê Công Lý, Phó Ban điều hành khu phố Phú Thạnh cho biết, mặc dù đã xảy ra những vụ tai nạn đuối nước thương tâm nhưng vẫn còn tình trạng người dân vào các hồ nước câu cá, thả lưới… “Chúng tôi mong quản lý các mỏ KTKS thông báo cho lực lượng bảo vệ tuần tra, kiểm tra không cho người ra vào các hồ nước”, ông Lý nói.

Một tháng sau, tại khu vực mỏ sét 1 Mỹ Xuân (khu phố Thị Vải, phường Mỹ Xuân) xảy ra trường hợp 3 thanh niên gồm: anh Nguyễn Tuấn A. (SN 1998, trú tại phường Mỹ Xuân), Nguyễn Hữu T. (SN 1999, trú tại thị xã Phú Mỹ) và chị Đỗ Thị Ngọc H. (SN 1994, trú tại xã Kim Long, huyện Châu Đức) bị chết đuối khi chèo xuồng dạo chơi trên hồ nước sâu thuộc khu vực mỏ sét 1.

Theo ông Trần Ngọc Hùng, Trưởng Phòng quản lý KTKS, mỏ sét Mỹ Xuân 1 có diện tích 43,5ha, có trữ lượng khai thác 890.527m3 sét đã hết hạn vào ngày 31/12. Chủ đầu tư là Công ty CP gạch ngói gốm xây dựng Mỹ Xuân đã thuê 20,97ha để khai thác theo hợp đồng thuê đất và dừng khai thác tại mỏ sét Mỹ Xuân 1 từ đầu năm 2018 đến nay. Qua kiểm tra hiện trường lực lượng chức năng ghi nhận phía công ty có cắm các biển báo nguy hiểm (hố sâu nguy hiểm, cấm tắm giặt, lưới cá, khu vực mỏ không phận sự cấm vào…) dọc khu vực ra vào mỏ và các moong khai thác. Dọc khu vực giáp đất của dân có lắp dựng hàng rào kẽm gai, trồng cây hàng rào, đào mương… tuy nhiên vẫn còn nhiều khu vực người dân có thể tự do ra vào được.

Qua khảo sát của phóng viên Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, không riêng gì các mỏ KTKS tại TX. Phú Mỹ, nhiều mỏ KTKS trên địa bàn tỉnh vẫn còn tình trạng chưa thực hiện nghiêm việc rào chắn, cảnh báo. Thậm chí khu vực hồ Đá Xanh (phường Kim Dinh, TP. Bà Rịa) nằm cách QL 51 hơn 1km mặc dù đã xảy ra nhiều vụ chết đuối nhưng vẫn được người dân đưa vào kinh doanh du lịch có thu phí. Hồ Đá Xanh từ 50 năm trước là một mỏ đá do người Úc khai thác. Sau này được chuyển lại cho một công ty Nhà nước khai thác. Do khai thác quá độ sâu và không được cải tạo, nên hiện nay tạo thành hồ chứa nước chỗ sâu nhất cũng gần 10m, hầu như năm nào cũng có người chết đuối tại hồ này.

Hoàn nguyên môi trường

Theo quy định của Luật Khoáng sản, các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải thực hiện việc đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường sau khi giấy phép khai thác hết hiệu lực. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều mỏ sau khi KTKS làm vật liệu xây dựng như đá, cát, đất san lấp… đều chưa thực hiện phục hồi cảnh quan môi trường theo đúng quy định. Khu vực các mỏ đã khai thác không có hàng rào ngăn cách, biển cảnh báo nguy hiểm. Trong khi đó, hiện trường sau khai thác mỏ đều để lại những hố sâu có thể gây chết người, có hố sâu tới cả chục mét.

Ông Trần Ngọc Hùng cho biết, từ tháng 6/2021, Sở TN-MT đã có văn bản yêu cầu các DN KTKS rà soát, rào chắn các khu vực hồ nước, lắp đặt biển báo nguy hiểm, biển chỉ dẫn an toàn tại các bờ moong khai thác, bờ kết thúc và khu vực khác có nguy cơ mất an toàn. Đồng thời tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ, không để xảy ra những trường hợp mất an toàn trong KTKS. Trường hợp xảy ra mất an toàn trong khu vực mỏ, các DN phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Những tấm biển “Hố sâu nguy hiểm” mới được cắm sau khi xảy ra vụ 2 em học sinh chết đuối tại khu vực mỏ sét Mỹ Xuân 2 (phường Mỹ Xuân, TX. Phú Mỹ).
Những tấm biển “Hố sâu nguy hiểm” mới được cắm sau khi xảy ra vụ 2 em học sinh chết đuối tại khu vực mỏ sét Mỹ Xuân 2 (phường Mỹ Xuân, TX. Phú Mỹ).

Theo Sở TN-MT, quy định của Luật Khoáng sản, các đơn vị được cấp phép KTKS phải thực hiện ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và xử lý hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự. Đối với DN không hoàn thổ sau khai thác sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 100-250 triệu đồng. Ngoài ra cũng có hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động KTKS từ 6 tháng đến 1 năm đối với các vi phạm. Theo đó, từ đầu năm 2021 đến nay Sở TN-MT đã ban hành quyết định xử phạt đối với 4 trường hợp không thực hiện đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường, không ký hợp đồng thuê đất và KTKS khi đã hết hạn. Có 49 trường hợp (với diện tích 334,20ha) hết hạn khai thác và được UBND tỉnh ban hành quyết định đóng cửa mỏ.

Tính đến cuối tháng 11, trên địa bàn tỉnh có 33 giấy phép KTKS đang còn hiệu lực thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh và 7 giấy phép thuộc thẩm quyền của Bộ TN-MT. Theo Nghị quyết số 34/NQ-HĐND của HĐND tỉnh ngày 14/12/2018 về việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh BR-VT giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2030, trên địa bàn tỉnh có 60 điểm quy hoạch với tổng diện tích 1.74,52ha gồm: 30 điểm mỏ đá xây dựng, 4 mỏ sét gạch ngói, 13 mỏ cát xây dựng, 11 mỏ vật liệu san lấp và 2 mỏ than bùn.

Sở TN-MT cũng cho biết thêm, theo Quyết định số 18/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Quy định chi tiết việc cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản”, việc cải tạo, phục hồi môi trường trong KTKS là hoạt động đưa môi trường, hệ sinh thái (đất, nước, không khí, cảnh quan thiên nhiên, thảm thực vật,...) tại khu vực KTKS và các khu vực bị ảnh hưởng do hoạt động KTKS về trạng thái môi trường gần với trạng thái môi trường ban đầu hoặc đạt được các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn, môi trường và phục vụ các mục đích có lợi cho con người. Như vậy, căn cứ theo Quyết định số 18/2013/QĐ-TTg, ngoài việc cải tạo cảnh quan môi trường tại các mỏ sau khai thác khoáng sản, vấn đề quản lý và có kế hoạch sử dụng đất tại các điểm mỏ này để phục vụ các mục đích có lợi ích cho người dân địa phương cũng cần được các cấp chính quyền, cơ quan chức năng có phương án, kế hoạch sử dụng để tránh lãng phí tài nguyên đất đai. Do đó, đối khu vực KTKS được Nhà nước cho thuê đất và được UBND tỉnh ban hành quyết định đóng mỏ, Sở TN-MT giao cho Chi cục Đất đai xem xét, kiểm tra thực tế để thống nhất với UBND các địa phương nơi có mỏ để giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất của tỉnh để quản lý nhằm tăng giá trị sử dụng đất.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

;
.