"Xóa" lồng bè trên sông Mỏ Nhát sao cho trọn vẹn đôi đường

Thứ Tư, 24/11/2021, 23:34 [GMT+7]
In bài này
.

Sông Mỏ Nhát được quy hoạch là hệ thống cảng thủy nội địa, cảng trung chuyển hàng hóa đường biển, trung tâm dịch vụ logistics và KCN Phú Mỹ 3. Trong quy hoạch đây cũng không phải là vùng nuôi trồng thủy sản. Vì vậy việc “xóa” bỏ lồng bè tự phát là đúng đắn.

Sông Mỏ Nhát đoạn qua phường Phước Hòa
Sông Mỏ Nhát đoạn qua phường Phước Hòa

Sau một quá trình vận động không ngừng nghỉ, một số hộ nuôi thủy hải sản trái phép trên sông Mỏ Nhát đã đồng thuận tự tháo gỡ, di dời các công trình lấn chiếm khỏi mặt sông. Đây là tín hiệu tích cực chứng tỏ công tác tuyên truyền, thuyết phục bước đầu có kết quả. Thế nhưng, để lời cam kết được thực hiện rốt ráo, đòi hỏi trách nhiệm với lời hứa từ người dân và sự giám sát chặt của địa phương, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”.

Tuyến đường thủy duy nhất kết nối cảng nội địa

Sông Mỏ Nhát bắt đầu từ cửa Ông Bền (TP.Vũng Tàu) đến cảng Đức Hạnh (TX.Phú Mỹ) có chiều dài 10,4km, rộng trung bình hơn 90m, sâu trung bình hơn 5m, thuận tiện cho vận tải đường thủy. Theo quy hoạch phát triển hệ thống logistics do Chính phủ phê duyệt, hai bên bờ sông Mỏ Nhát thuộc địa bàn quản lý của UBND TX. Phú Mỹ nằm trong quy hoạch Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ. Nơi đây sẽ phát triển hệ thống cảng thủy nội địa, cảng trung chuyển hàng hóa đường biển, trung tâm dịch vụ logistics và KCN Phú Mỹ 3. 

Ngày 18/11, ông Nguyễn Văn Thắm, Chủ tịch UBND TX.Phú Mỹ đã ký văn bản gửi Sở NNPTNT và Sở Công thương đề nghị hỗ trợ tìm đầu ra tiêu thụ hải sản cho 41 hộ nói trên, giúp người dân thu hồi vốn trước khi di dời. Theo đó tổng lượng cá bớp, cam, đù, mú, chim, chẽm, hường cần tiêu thụ là 250 tấn và 470 tấn hàu. Sáng 24/11, trao đổi với phóng viên Báo BR-VT, ông Trương Văn Thôi, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết chưa nhận được văn bản đề nghị của TX.Phú Mỹ. Tuy nhiên, ông Thôi cho rằng khối lượng thủy sản trên không nhiều, Sở Công thương sẽ kết nối đến các chợ, siêu thị trên địa bàn tỉnh tiêu thụ giúp bà con.

Từ nhiều năm qua, các cảng, bến tập kết vật liệu xây dựng đã hình thành ở đoạn thượng lưu sông. Gần đây, một số dự án logistics cũng dần hoàn thiện, hoặc đang trong quá trình kiểm kê, đền bù mặt bằng. Thế nhưng, việc chiếm dụng mặt sông và vùng đất ngập nước hai bên bờ nuôi thủy sản tự phát tồn tại nhiều năm nay gây khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng các dự án, làm mất cơ hội khai thác hiệu quả, khoa học nguồn tài nguyên đất mặt nước phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Cầu Mỏ Nhát nối đường 991B với QL51 đang thi công phần móng trụ cầu sắt sát khu vực nuôi lồng bè trái phép
Cầu Mỏ Nhát nối đường 991B với QL51 đang thi công phần móng trụ cầu sát khu vực nuôi lồng bè trái phép

Một DN đang triển khai xây dựng hạ tầng cảng và kho bãi trong khu vực này cho biết, sông Mỏ Nhát là đường thủy độc đạo cho lưu thông từ cảng nội địa hai bên bờ sông ra cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải và ngược lại. Theo tiến độ đầu tư đã đăng ký với tỉnh BR-VT, công ty phải san lấp mặt bằng và hạ tầng kỹ thuật các công trình kho, cảng cạn. Tuy nhiên phương tiện thi công không thể tiếp cận mặt bằng vì vướng lồng bè, nhà nổi và các công trình phục vụ nuôi cá bè tràn lan trên sông. “Khi chúng tôi đưa đối tác, nhà thầu vào khảo sát thực địa, tất cả đều lắc đầu lo ngại rủi ro, phiền phức. Điều này làm chậm tiến độ dự án và lỡ nhiều cơ hội hợp tác đầu tư”, DN này chia sẻ.

Theo kế hoạch sắp xếp các cơ sở nuôi thủy sản lồng bè trên toàn tỉnh, các địa phương phải chịu trách nhiệm giải tỏa cơ sở nuôi ngoài vùng quy hoạch. Chậm nhất hết tháng 12 năm nay phải hoàn thành. Quá trình thực hiện, nếu kế hoạch thay đổi thì địa phương phải báo cáo nguyên nhân cho UBND tỉnh. Riêng địa bàn TX.Phú Mỹ không bố trí vùng nuôi thủy sản lồng bè, nhuyễn thể hai mảnh vì hệ thống sông rạch đều đã quy hoạch phát triển hệ thống cảng và các dịch vụ sau cảng. Chỉ còn mạn phải sông Mỏ Nhát được phép nuôi nhưng đến năm 2022 cũng phải giải tỏa để thực hiện các nhiệm vụ phát triển theo quy hoạch. (Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NNPTNT)

Chẳng đặng đừng mới phải cưỡng chế!

UBND TX.Phú Mỹ thống kê trên sông Mỏ Nhát có khoảng 160 lồng bè bao chiếm mặt nước nuôi cá, tôm, hàu trái phép tập trung tại địa bàn phường Phước Hòa và xã Tân Hòa. Để khai thác, quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên, phục vụ phát triển bền vững, từ năm 2017, UBND TX.Phú Mỹ đã bắt đầu tuyên truyền, vận động người dân tự di dời ô lồng, công trình nuôi thủy sản trái phép lấn chiếm luồng. 

Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch UBND TX.Phú Mỹ cho hay, các đoàn công tác do các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền thị xã, xã Tân Hòa và phường Phước Hòa đã tới lui các lồng bè thuyết phục, đề nghị hộ dân ký cam kết không thả giống mới. Sau vụ thu hoạch phải di dời phương tiện, trả lại vùng nước đã lấn chiếm trái phép. Khi được vận động, ai cũng cam kết nuôi hết lứa rồi tự tháo gỡ để tận thu tài sản. Tuy nhiên, các cam kết không được thực hiện. “Điều kiện sông nước cách trở, địa phương chưa sâu sát địa bàn, không kiểm tra tiến độ theo cam kết. Các biện pháp răn đe chưa đủ quyết liệt dẫn đến hệ quả việc dẹp lồng bè nuôi thủy sản trái phép kéo dài. Đến nay mới chỉ có 4 hộ tự nguyện di dời, còn lại 41 hộ vẫn lần lựa”, ông Nguyễn Thành Nam thừa nhận.

Kế hoạch cưỡng chế di dời các hộ nuôi thủy sản trái phép gồm 4 bước. Bước 1, đến trực tiếp từng hộ gia đình vận động, thuyết phục kết hợp phát thông báo chủ trương, tiến độ cưỡng chế trên loa truyền thanh xã, phường. Bước 2, tống đạt quyết định cưỡng chế, kiểm kê tài sản và cho người dân cam kết thời hạn tự di dời. Bước 3 tổ chức cưỡng chế và bước 4 là quản lý mặt nước sau cưỡng chế. Đến nay, bước 1 và 2 đã triển khai xong. TX.Phú Mỹ đang xây dựng phương án cụ thể cho bước 3. Dự kiến trong tháng 12 sẽ cưỡng chế trước 3 hộ, rút kinh nghiệm sau đó làm đồng loạt các hộ còn lại.

Theo Quyết định số 795/QĐ-UBND ngày 26/3/2021 của UBND tỉnh về sắp xếp khoanh vùng nuôi thủy sản lồng bè, nhuyễn thể hai mảnh vỏ trên sông giai đoạn 2021 - 2025, sông Mỏ Nhát không có quy hoạch vùng nuôi. Do vậy, UBND TX. Phú Mỹ thống nhất sẽ áp dụng biện pháp mạnh nếu người dân không chấp hành tự di dời. “Bà con đã chiếm dụng, khai thác tài nguyên đất, mặt nước của nhà nước trái phép nhiều năm. Đến khi nhà nước thu hồi thì phải trả, đó là lẽ đương nhiên. Chính quyền đã hết sức chia sẻ, cảm thông với bà con trong một thời gian dài, song nếu bà con cứ chây ì, chúng tôi buộc phải áp dụng biện pháp mạnh cưỡng chế”, ông Nguyễn Thành Nam nói.

Cân nhắc hỗ trợ tiền tháo gỡ bè?

Trong quá trình tham gia cùng các đoàn công tác của TX.Phú Mỹ vận động người dân tự tháo gỡ lồng bè, chúng tôi nhận thấy các hộ nuôi đều nhận thức rõ đang chiếm dụng trái phép sông Mỏ Nhát phục vụ lợi ích riêng. Họ thừa nhận dòng sông giúp họ ổn định cuộc sống, nhiều hộ khấm khá. Ông Nguyễn Văn Nguyên từ Long An qua BR-VT nuôi cá lồng bè tại sông Mỏ Nhát (đoạn qua địa bàn phường Phước Hòa) hơn 10 năm trước. Đến nay, gia đình ông đã mua được đất tại xã Tân Hòa, TX.Phú Mỹ. Từ hơn 40 ô lồng nuôi cá, ông đã tém dẹp chỉ còn 2 nhà nổi, 2 ô lồng cá và 1 bè hàu Thái Bình Dương tổng sản lượng khoảng 5 tấn. “Gia đình tôi chấp hành tự tháo gỡ bè, nhưng mong muốn chính quyền hỗ trợ tiền vận chuyển các vật dụng sau tháo gỡ như: gỗ, cây tre, tôn, thùng phuy…”, ông Nguyên kiến nghị.

Ông Nguyễn Văn Nguyên ký cam kết tự di dời trả lại mặt sông.
Ông Nguyễn Văn Nguyên ký cam kết tự di dời trả lại mặt sông.

Tại khu bè của ông Lê Ngọc Châu, hộ nuôi thủy sản lồng bè được đánh giá quy mô nhất nhì sông Mỏ Nhát (thuộc địa bàn xã Tân Hòa), việc tự tháo gỡ cũng đang tiến hành. Khi đoàn công tác đến vận động, ông Châu khoe đã tìm được điểm nuôi mới bên sông Chà Và (TP.Vũng Tàu), nhưng diện tích chỉ hơn 1.000m2 nên ông phải thiết kế lại ô lồng cho phù hợp. Gần 1 tháng nay, ông huy động 10 nhân công làm không có ngày nghỉ nhưng mới chỉ gỡ được 30 ô lồng. Ông tính toán khoảng 2 tháng nữa sẽ hoàn tất tháo gỡ và di dời toàn bộ lồng bè “vì làm trên mặt nước muốn nhanh cũng không được, sơ sẩy là tai nạn như chơi”.

Hộ ông Lê Ngọc Châu đang tự tháo gỡ các ô lồng nuôi cá.
Hộ ông Lê Ngọc Châu đang tự tháo gỡ các ô lồng nuôi cá.

Lồng bè của ông cũng còn khoảng 10.000 con cá bớp và 30 tấn cá chim tới kỳ thu hoạch. “Hiện nay, mỗi ngày tôi tiêu thụ được từ 100 đến 150 con cá bớp, 300 kg cá chim. Ứớc tính đến khi gỡ xong bè thì lượng cá cũng đã bán gần hết. Tôi mong muốn các cấp chính quyền kéo dài cho tôi thêm 2 tháng nữa, tôi sẽ hoàn thành việc tháo gỡ công trình trả lại hiện trạng mặt sông ban đầu theo đúng cam kết”, ông Châu nói.

Đại diện chính quyền xã Tân Hòa và phường Phước Hòa cũng cho biết, quá trình gặp gỡ nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, nhận thấy các hộ dân đều đồng thuận tự thu dọn, tháo gỡ, di dời công trình, đồng thời đề nghị chính quyền hỗ trợ tiền công tháo gỡ, vận chuyển. “Địa phương đã ghi nhận nguyện vọng và ngày cam kết hoàn thành di dời của từng hộ dân bằng văn bản. Hàng tuần, chúng tôi sẽ tổ chức lực lượng tuần tra, đến từng bè đôn đốc người dân thực hiện đúng tiến độ cam kết. Chúng tôi cũng kiến nghị UBND TX.Phú Mỹ nghiên cứu hình thức hỗ trợ phù hợp theo nguyện vọng của người dân để vừa động viên, an ủi và an dân”, ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Chủ tịch UBND phường Phước Hòa nói.

Đại diện phòng kinh tế và UBND xã Tân Hòa kiểm đếm ô lồng tại khu nuôi trồng thủy sản của ông Lương Văn Hải
Đại diện phòng kinh tế và UBND xã Tân Hòa kiểm đếm ô lồng tại khu nuôi trồng thủy sản của ông Lương Văn Hải

Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA-NGÔ CHIẾN

 

;
.