Tầm soát, phát hiện sớm ung thư

Chủ Nhật, 21/06/2020, 20:07 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 20/6, Bệnh viện Lê Lợi đã tổ chức hội thảo khoa học “Tầm soát ung thư”. 

Tại hội thảo, GS.Bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho biết, bệnh ung thư biết sớm thì vẫn chữa trị lành. Theo đó, tầm soát là biện pháp phát hiện sớm một số loại ung thư khi chưa có triệu chứng. Ở độ tuổi 20 - 40, mỗi người cần kiểm tra toàn diện, trong đó có tầm soát để rà tìm ung thư 3 năm/lần; từ 40 tuổi, nên kiểm tra sức khỏe hàng năm. Phụ nữ cần lưu ý về tuyến vú; tầm soát ung thư cổ tử cung, đại - trực tràng. Còn nam giới nên tầm soát ung thư phổi, tuyến tiền liệt, đại - trực tràng, ruột già, gan, dạ dày, tuyến giáp. 

Hiện nay có nhiều loại ung thư, mỗi loại có những triệu chứng riêng. Tuy nhiên, cũng có những triệu chứng báo động chung dành cho người có dấu hiệu mắc ung thư như: một chỗ lở loét không lành, chảy máu hoặc tiết dịch bất thường, ăn không tiêu hoặc khó nuốt, ho dai dẳng hoặc ho khàn tiếng; có những rối loạn chung (cơ thể suy nhược, sụt cân, không thèm ăn). Do đó, khi có những triệu chứng này, người bệnh nên đi khám bác sĩ ngay. 

Ngoài ra, các bác sĩ đến từ Trường ĐH Y Dược TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Tiền Giang và Bệnh viện Lê Lợi còn chia sẻ các chuyên đề về ứng dụng sinh học phân tử trong ung thư;  sinh học phân tử trong chẩn đoán và nghiên cứu; nhiễm trùng tiêu hóa ở trẻ em;  tầm soát khiếm thính trẻ sơ sinh…

TUỆ LÂM

 
;
.