Dinh dưỡng hợp lý cho học sinh cuối cấp

Thứ Hai, 18/05/2020, 19:59 [GMT+7]
In bài này
.

Chưa đầy 3 tháng nữa, HS khối 9 sẽ bước vào kỳ thi chuyển cấp lên lớp 10, khối 12 sẽ thi THPT Quốc gia năm 2020. Thời điểm này là lúc các HS cần được chăm sóc tốt nhất về tinh thần và thể chất để đạt hiệu quả cao trong kỳ thi.

HS cần ăn uống đủ chất dinh dưỡng và sinh hoạt điều độ mới bảo đảm sức khỏe. Trong ảnh: HS lớp 12B1, Trường THPT Châu Thành (TP.Bà Rịa) trong giờ học.
HS cần ăn uống đủ chất dinh dưỡng và sinh hoạt điều độ mới bảo đảm sức khỏe. Trong ảnh: HS lớp 12B1, Trường THPT Châu Thành (TP.Bà Rịa) trong giờ học.

Những ngày này, ông Trần Văn Hiếu khá lo lắng cho cô con gái Trần Thị Trâm Anh (HS lớp 9A6, Trường THCS Châu Đức) khi em chuẩn bị thi vào lớp 10. Ngoài giờ học ở trường, Trâm Anh còn đi học thêm vào buổi chiều, ôn kiến thức lý thuyết và làm bài tập vào buổi tối. “Kỳ thi lớp 10 rất quan trọng nên con tôi chịu nhiều áp lực. Thấy cháu suốt ngày vùi đầu trong đống bài vở, đôi lúc tỏ ra mệt mỏi nên gia đình cũng lo lắng. Vì vậy, hàng ngày vợ chồng tôi cũng chú ý bổ sung thêm sữa và trái cây trong khẩu phần ăn cho con để bảo đảm sức khỏe”, ông Hiếu nói.

Đây cũng là tâm lý chung của nhiều phụ huynh có con em chuẩn bị bước vào kỳ thi cuối cấp. Bởi lẽ, nếu không có phương pháp học tập và chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý, việc thức khuya học bài, cộng với những nỗi lo lắng về kỳ thi sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe HS.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, để cơ thể luôn khỏe mạnh, giàu năng lượng và tập trung cho việc học tập, HS cần ăn uống đủ chất dinh dưỡng, ăn không quá no, hoặc bỏ bữa, hoặc dồn hai bữa làm một. Bác sĩ Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) khuyến cáo, ngoài 3 bữa chính, HS cần bổ sung thêm 2-3 bữa phụ, ăn giữa buổi khi phải thức khuya học bài. Điều cần lưu ý, các em tuyệt đối không được bỏ bữa sáng, vì sau một đêm dài, cơ thể bị bỏ đói, chỉ khi được nạp năng lượng đầy đủ, đầu óc mới minh mẫn để tập trung ôn luyện và việc ôn luyện mới đạt hiệu quả cao.

Chế độ ăn buổi sáng và trưa cần giàu đạm, (thịt, cá, trứng, đậu nành, sữa) và ít tinh bột (nên ăn ngũ cốc thô, rau và trái cây). Buổi chiều ăn ít đạm, nhiều tinh bột hơn. Bữa khuya, HS cần bổ sung ly sữa tươi ấm 30 phút trước khi đi ngủ nhằm giúp cho giấc ngủ sâu hơn, ngon hơn và khi thức dậy sẽ tỉnh táo hơn.

HS nên hạn chế các thức ăn ngọt từ đường tinh (nước ngọt, kẹo, thức uống có đường...). Điều quan trọng, phụ huynh cần phải cân đối dinh dưỡng cho các con, trong thực đơn phải có đủ chất dinh dưỡng từ thịt, cá, nghêu, sò, ốc, hến, tôm, cua, rau, củ, quả, hạt các loại. Đặc biệt là tăng cường lượng rau xanh và trái cây tươi trong khẩu phần ăn hàng ngày.

Bên cạnh đó, để giữ gìn sức khỏe, HS phải sắp xếp thời gian học bài hợp lý. Các em cần ngủ đủ 6-8 tiếng một ngày, buổi tối nên học bài từ 7 giờ, ngủ trước 23 giờ, sáng dậy sớm lúc 5 giờ học bài (thời gian này học rất hiệu quả) và ngủ trưa từ 30 phút - 1 tiếng. Ngoài ra, HS cần dành khoảng 60 phút/ngày để tập thể dục thể thao, tạo cảm giác thoải mái thư thái cho đầu óc và rèn luyện sự dẻo dai cho cơ thể.

TS  Đào Lê Hòa An, Phó Viện trưởng Viện Việt Nam Bách nghệ thực hành cho rằng, tâm lý của HS cũng có phần quyết định đến kết quả học bài và làm bài thi. Theo đó, các em cần xác định mục tiêu rõ ràng của từng năm học, nhất là năm cuối cấp để có kế hoạch và nghiêm túc thực hiện việc ôn tập ngay từ những ngày đầu. Bên cạnh đó, ba mẹ cần dành thời gian quan tâm, động viên, chia sẻ với những khó khăn của con em mình trong học tập; không nên tạo áp lực về thành tích và kết quả mà cần lượng sức học của con em mình để có định hướng nghề nghiệp, chọn trường phù hợp, tạo tâm lý thoải mái cho các em.

Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG

;
.