Loại bỏ những quan điểm sai lầm

Thứ Năm, 19/03/2020, 22:37 [GMT+7]
In bài này
.

Những sai lầm trong cách phòng chống COVID-19 có thể khiến dịch bệnh lây lan nhanh hơn trong cộng đồng. Do đó, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, mỗi người cần tỉnh táo để phòng ngừa dịch bệnh đúng cách, bảo vệ sức khỏe bản thân.

Cách phòng bệnh COVID-19 tốt nhất là tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế; đặc biệt là rửa tay xà bông và đeo khẩu trang đúng cách. Trong ảnh: Người dân đeo khẩu trang khi ra đường tại TP.Vũng Tàu.
Cách phòng bệnh COVID-19 tốt nhất là tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế; đặc biệt là rửa tay xà bông và đeo khẩu trang đúng cách. Trong ảnh: Người dân đeo khẩu trang khi ra đường tại TP.Vũng Tàu.

KHÔNG ĐẾN BỆNH VIỆN VÌ SỢ LÂY NHIỄM

Lo có thể bị lây nhiễm COVID-19 khi đến các cơ sở điều trị, nhiều người, đặc biệt là các bậc phụ huynh có tâm lý e ngại không dám đưa con đến các bệnh viện (BV) để khám, chữa bệnh, mà tự mua thuốc điều trị tại nhà. Đây là quan niệm sai lầm có thể khiến cho bệnh của trẻ diễn biến nặng, gia tăng tình trạng kháng thuốc. 

Bác sĩ Vương Quang Thắng, Trưởng Khoa Nhi, BV Bà Rịa cho hay, BV đang áp dụng quy trình phòng chống dịch bệnh rất tốt, trên địa bàn tỉnh cũng chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm bệnh COVID-19. Do đó, các phụ huynh không nên quá hoang mang, lo lắng với tình hình dịch hiện nay. Nếu trẻ xuất hiện các biểu hiện bệnh lý như sốt, ho, chảy nước mũi, hắt hơi, bỏ ăn… nên đưa trẻ đến ngay các cơ sở điều trị để được các bác sĩ theo dõi và điều trị kịp thời, tránh để xảy ra các biến chứng đáng tiếc. Hơn nữa, trong trường hợp trẻ có thể bị COVID-19 nhưng không được cha mẹ cho đi khám sớm, mà tự mua thuốc để điều trị tại nhà sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

TUÂN THỦ HƯỚNG DẪN Y TẾ

Quan điểm sai lầm mà nhiều người đang lan truyền là phải trang bị bảo hộ “từ đầu đến chân” mới phòng tránh được COVID-19. Do đó, trên các trang mạng xã hội đã lan truyền khá nhiều hình ảnh những người mặc cả bộ quần áo mưa, áo khoác trùm kín mít từ đầu đến chân, thậm chí chia sẻ cả hình thú cưng cũng được trang bị như vậy để phòng chống COVID-19. Bên cạnh đó, trên các trang mạng đang đăng tải nhiều thông tin sai lệch, chưa được kiểm chứng về số ca nhiễm, tử vong do COVID-19 trong cả nước. Tại BR-VT, một số thông tin sai lệch, tin đồn thất thiệt về ca nghi ngờ nhiễm COVID-19 bị cách ly cũng lan truyền rộng rãi khiến người dân bất an. 

Theo bác sĩ Hà Văn Thanh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thay vì hoang mang và tin vào những thông tin đó, người dân nên theo dõi thông tin chính thức từ cơ quan chức năng của trung ương và địa phương, qua các phương tiện truyền thông chính thống; đồng thời tuân thủ tốt các hướng dẫn phòng bệnh của Bộ Y tế. Mọi người cũng không cần phải trang bị quá nhiều, chỉ cần rửa tay sạch sẽ bằng xà bông, giữ vệ sinh cá nhân và nơi ở; chú ý ho hay hắt hơi vào khăn giấy, khuỷu tay.

TỪ BỎ THÓI QUEN DỄ MẮC BỆNH

Trên trang website của Tổ chức Y tế thế giới WHO (https://www.who.int/emergencies/diseases/novel-coronavirus-2019), các bác sĩ đã có những lời khuyên cho người dân từ bỏ những thói quen phòng bệnh không đúng cách. Chẳng hạn, thói quen kéo khẩu trang xuống khi hắt xì của nhiều người đặc biệt nguy hiểm cho người xung quanh, bởi sẽ phát tán virus nhanh hơn. Do đó, khi hắt xì, mọi người cần phải giữ chặt khẩu trang, hoặc sử dụng khăn giấy, khủy tay để che lại. Một thói quen nguy hại nữa là vào phòng đóng kín cửa và bật máy lạnh, điều này sẽ làm cho virus tồn tại lâu hơn trong môi trường. Vì vậy, mọi người cần thường xuyên mở cửa phòng thông thoáng, đón nắng mặt trời để hạn chế COVID-19 phát sinh. Khi ở bên ngoài, nhất là những chỗ đông người trở về nhà cần phải tắm rửa toàn thân, giặt sạch quần áo và phơi chỗ nhiều nắng. Các bác sĩ cũng khuyến cáo mọi người nên từ bỏ thói quen ôm vai, bắt tay, hôn hít, cưng nựng trẻ nhỏ; sử dụng các thực phẩm sống; thực phẩm bày bán không che đậy; ăn chung, uống chung thức ăn, để phòng lây nhiễm dịch bệnh.    

Mạng xã hội còn truyền một số thông tin về việc sử dụng thuốc hạ sốt Tylenol hay các thực phẩm chức năng có thể ngăn ngừa và điều trị được dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, theo WHO, những thông tin này hoàn toàn không có căn cứ, bởi hiện nay trên thế giới chưa có bất kỳ loại vaccin hay thuốc đặc trị nào đối với căn bệnh này. Do đó, mọi người không nên tin bất kỳ lời quảng cáo nào về các loại thuốc có khả năng phòng chống COVID-19. Để bảo vệ tốt nhất cho bản thân mình trước dịch COVID-19, mỗi người nên tuân theo những khuyến cáo về cách phòng bệnh do Bộ Y tế ban hành.

Bài, ảnh: ANH ĐÀO

;
.