BÌNH ĐẲNG GIỚI

Giúp những người "đặc biệt" vượt qua khó khăn

Thứ Năm, 28/11/2019, 20:22 [GMT+7]
In bài này
.

Với sự quan tâm, hỗ trợ từ nhiều phía, cuộc sống của người khuyết tật (NKT) đang ngày càng trở nên ổn định, tốt đẹp hơn. Bằng niềm tin và nghị lực, nhiều người đã không ngừng vươn lên, vượt qua khó khăn để làm chủ cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng.

 “Nhóm phụ nữ tự lực” tổ chức sinh nhật tập thể cho các thành viên.
“Nhóm phụ nữ tự lực” tổ chức sinh nhật tập thể cho các thành viên.

ĐỘNG LỰC CHO NKT VƯƠN LÊN

Chị Trần Thị Hằng (43 tuổi, ở ấp 2, xã Tân Hưng, TP. Bà Rịa) bị liệt cánh tay phải từ nhỏ nên rất khó tìm việc làm. Chồng chị là lao động chính nhưng khoản thu nhập 250 ngàn đồng/ngày từ việc phụ hồ không đủ lo cho gia đình với 2 người con đang tuổi ăn học. Đầu năm 2018, thông qua “Nhóm phụ nữ tự lực” TP. Bà Rịa, chị Hằng được vay 5 triệu đồng không tính lãi làm vốn để bán vé số. Nhờ được hỗ trợ vốn, cộng với sự chịu khó, chăm chỉ, đến nay chị Hằng đã hoàn trả số vốn vay. Chị Hằng cho hay: “Với nhiều người, số tiền vài triệu đồng không lớn  nhưng đối với người kém may mắn như chúng tôi đó thực sự là một gia tài. Sự hỗ trợ, động viên ấy không chỉ giúp chúng tôi vượt qua khó khăn về kinh tế, ổn định cuộc sống mà còn giúp chúng tôi tìm thấy niềm tin, niềm vui mỗi ngày”.  

Mô hình “Nhóm phụ nữ tự lực” được thực hiện thí điểm trên địa bàn TP. Bà Rịa đã đáp ứng mong đợi của phụ nữ khuyết tật, giúp họ xóa bỏ mặc cảm, tự tin vươn lên hòa nhập cộng đồng. Từ đó, nhiều tấm gương NKT điển hình đã xuất hiện như: chị Vương Hoàng Phi Oanh, Trần Thị Ánh Tuyết… Chị Trần Thị Ánh Tuyết, 57 tuổi, ở KP Hương Giang, phường Long Hương cho biết: “Trong các buổi sinh hoạt, mọi người trong nhóm cùng trao đổi thông tin về NKT, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống, từ đó đã tìm được sự đồng cảm, ủng hộ của mọi người”.

Chị Tuyết bị liệt một bên người từ nhỏ. Khiếm khuyết cơ thể không ngăn nổi khát khao đến trường, dù có lúc chị phải lết đến trường. Học xong trung cấp kinh tế nhưng không tìm được việc làm, chị Tuyết tiếp tục học nghề làm bánh kem, bánh ngọt và tự tạo dựng được kinh tế khá giả. Chị Tuyết là một điển hình về người khuyết tật vượt khó, được Hội Người khuyết tật Việt Nam tặng Bằng khen và được UBND tỉnh tặng Bằng khen trong phong trào Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Không những chiến thắng tật nguyền, chị còn giúp đỡ nhiều chị em cùng cảnh ngộ tự tin, vươn lên trong cuộc sống. “Tôi mong muốn thông qua các buổi sinh hoạt trong nhóm để hướng dẫn các chị em đồng cảnh ngộ những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống. Tôi muốn giúp các chị em học nghề làm bánh, nghề may… để tạo dựng được kinh tế và ổn định cuộc sống”, chị Tuyết chia sẻ.

TIẾP TỤC NHÂN RỘNG

Sau hơn 2 năm triển khai, mô hình “Nhóm phụ nữ tự lực” đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Không chỉ trở thành ngôi nhà thứ hai của 25 phụ nữ khuyết tật trên địa bàn TP. Bà Rịa, mô hình còn là nơi sinh hoạt, chia sẻ và hỗ trợ, tạo động lực giúp chị em vượt qua chính mình, vươn lên trong cuộc sống. Đặc biệt, mô hình từng bước tạo điều kiện cho NKT tiếp cận với các chương trình an sinh xã hội và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững… giúp NKT nâng cao chất lượng cuộc sống.

Bà Nguyễn Thị Thường, Chủ nhiệm mô hình “Nhóm phụ nữ tự lực” TP. Bà Rịa cho biết, thông qua mô hình, chị em được vay vốn để sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi hoặc mở cửa hàng buôn bán nhỏ, may thời trang; tặng học bổng cho con em phụ nữ khuyết tật, tặng xe lăn hỗ trợ NKT đi lại… Điều này đã tạo cơ hội, mang lại nguồn thu nhập tương đối ổn định cho bản thân các chị và gia đình. Nhiều phụ nữ khuyết tật đã vượt lên hoàn cảnh, truyền ngọn lửa tin yêu cuộc sống cho những người xung quanh. Điều bà Thường trăn trở hiện nay với mô hình là vấn đề dạy nghề và hỗ trợ, tạo việc làm cho phụ nữ khuyết tật vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả. “Hiện nay, trên địa bàn thành phố chưa có DN nào nhận NKT vào làm việc, dù có nhiều chị được học nghề và có bằng cấp bài bản”, bà Thường nói.

Bà Lê Thị Hoa, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, để tạo động lực cho phụ nữ khuyết tật vươn lên, trong thời gian tới Hội sẽ tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình “Nhóm phụ nữ tự lực” tại TX. Phú Mỹ và huyện Châu Đức, tiến tới nhân rộng trên toàn tỉnh. “Qua triển khai mô hình đã tạo sức hút và trở thành địa chỉ sinh hoạt tin cậy, gắn kết các hội viên phụ nữ khuyết tật trên địa bàn TP. Bà Rịa. Ngoài ra, không chỉ quan tâm về hỗ trợ phát triển kinh tế, tạo việc làm mà các chị còn được quan tâm về nhiều mặt. Nhờ vậy, mô hình này đã giúp phụ nữ khuyết tật có cơ hội, điều kiện sinh hoạt, học tập, giao lưu, chia sẻ với những hoàn cảnh tương đồng và giúp họ tìm thấy niềm tin, tình yêu cuộc sống”, bà Hoa khẳng định.

Bài, ảnh: NHÃ UYÊN

;
.