Côn Đảo có thể sạch hơn và đẹp hơn?

Thứ Sáu, 21/12/2018, 16:59 [GMT+7]
In bài này
.

Đến Côn Đảo những ngày đầu tháng 12, trên các tuyến đường trung tâm như: Tôn Đức Thắng, Nguyễn Huệ dễ thấy những tấm pano lớn tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường như: “Bảo vệ môi trường Côn Đảo bắt đầu từ ngày hôm nay”, “Chung tay bảo vệ môi trường Côn Đảo bền vững”. Qua những con đường rợp bóng bàng cổ thụ, du khách cũng bắt gặp nhiều nam nữ thanh niên trong màu áo xanh tình nguyện diễu hành xe đạp cổ động vì môi trường rồi tản vào các khách sạn, resort, điểm tham quan phát tờ rơi đến tận tay du khách tuyên truyền những điều nên và không nên làm nhằm bảo vệ môi trường sinh thái Côn Đảo. Nhóm thanh niên tình nguyện này còn xuống bãi tắm, vào rừng thu gom rác thải. Bên cạnh đó HS cấp THCS và THPT, cán bộ công chức, viên chức trên địa bàn huyện cũng được tham gia lớp tập huấn kỹ năng truyền thông bảo vệ môi trường, thành lập CLB bảo vệ môi trường với thành phần chủ chốt là khu trưởng các khu dân cư, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính, hướng dẫn viên du lịch...

Phát tờ rơi bảo vệ môi trường  trong khuôn khổ  dự án “Truyền thông nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường kết hợp với quảng bá loại hình du lịch sinh thái tại Côn Đảo”.
Phát tờ rơi bảo vệ môi trường  trong khuôn khổ  dự án “Truyền thông nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường kết hợp với quảng bá loại hình du lịch sinh thái tại Côn Đảo”.

Những phần việc trên là giai đoạn 1 của dự án “Truyền thông nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường kết hợp với quảng bá loại hình du lịch sinh thái tại Côn Đảo”. Dự án còn có thêm phim, phóng sự về du lịch, con người Côn Đảo quảng bá trên các phương tiện truyền thông. Qua năm 2019, dự án tiếp tục đưa giáo dục về môi trường lồng ghép vào sinh hoạt ngoại khóa của tất cả các trường học trên địa bàn huyện; duy trì hoạt động của CLB bảo vệ môi trường đến từng khu dân cư...  Theo UBND huyện Côn Đảo, dự án hướng tới nâng cao trách nhiệm, tạo sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất của tất cả các cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn huyện cùng tham gia thực hiện công tác bảo vệ môi trường, quảng bá hình ảnh về Côn Đảo đến du khách trong và ngoài nước, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học; bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa tại địa phương, góp phần xây dựng Côn Đảo thành khu kinh tế du lịch hiện đại, đặc sắc tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Tuyên truyền để thấm vào nhận thức, tiến tới điều chỉnh dần thói quen của cộng đồng dân cư và du khách trong ứng xử với môi trường Côn Đảo là mục tiêu lâu dài dự án hướng đến. Tuy nhiên, việc cần kíp trước mắt dù đã muộn nhưng phải hành động ngay để ngăn tận gốc nguồn xả thải mới giải quyết tận gốc rễ, giữ sự trong lành, hệ sinh thái tự nhiên biển rừng bền vững cho Côn Đảo.

Người dân Côn Đảo phải được trang bị kiến thức, cung cấp dụng cụ, thậm chí quy định chế tài buộc cả người dân và du khách phân loại rác thải tại nguồn. Thay đổi thói quen sử dụng bao bì nilon, giỏ nhựa, dụng cụ nhựa trong sinh hoạt, đi chợ… sang túi tự hủy, lá cây, làn tre nứa, vật liệu tái chế. Đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung trên đảo trung tâm và buộc tất cả các cơ sở kinh doanh đấu nối vào, chấm dứt tình trạng xả thải ra biển, ra đất hiện nay. Xử lý hết núi rác ngày càng phình ra do hoạt động du lịch và sinh hoạt của cư dân lưu cữu ở Bãi Nhát và đầu tư nhà máy xử lý rác với công nghệ phù hợp. Côn Đảo nằm giữa biển khơi. Vị trí địa hình khiến Côn Đảo gánh lượng lớn rác thải từ đại dương dạt vào. Do vậy, công tác vận động, buộc ngư dân phải trang bị thùng rác trên tàu để đưa rác về đất liền xử lý, kiểm tra mỗi khi cấp phép cho tàu xuất bến cập cảng được duy trì bền bỉ nhằm thay đổi dần thói quen xả thải trực tiếp xuống biển của họ, đồng thời thường xuyên ra quân thu gom tiêu hủy kịp thời rác đại dương dạt vào đảo.

Côn Đảo có nhiều điểm tương đồng với Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, TP.Hội An, Quảng Nam) về địa lý, lịch sử hình thành, giá trị thiên nhiên nguyên sơ và phát triển kinh tế du lịch. Nếu như Cù lao Chàm gắn với sự hình thành và phát triển của đô thị thương cảng Hội An, được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới thì Côn Đảo tự hào là trường học cách mạng và biểu tượng bất khuất kiên trung của dân tộc qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Vườn quốc gia Côn Đảo được Ngân hàng Thế giới đưa vào danh sách Hệ thống các khu vực biển quan trọng cần bảo vệ trên toàn cầu và Ban Thư ký Công ước Ramsar thế giới công nhận là 1 trong 2.203 vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế.

Trước năm 2009, Cù Lao Chàm cũng gặp tình cảnh tương tự như Côn Đảo hiện nay. Bãi biển thường xuyên xuất hiện rác thải nilon, đồ nhựa do du khách mang tới, do người dân làm du lịch thải ra và từ đại dương đưa vào. Hòn đảo hoang sơ bị ô nhiễm nặng. Từ năm 2010, dưới sự tài trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) và vốn đối ứng của địa phương, Hội An bắt tay vận động người dân Cù Lao Chàm “Nói không với túi nilon”. Tại kỳ họp đại hội đồng GEF diễn ra tại Đà Nẵng vào tháng 6-2018, tổ chức này đã ghi nhận, tán dương cách làm hiệu quả của Cù Lao Chàm. Đó là sự kiên trì, quyết tâm làm sạch môi trường từ chính quyền đến từng người dân bình thường đi đôi với việc cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng, từ đó định hình nếp sống, thói quen hành xử đúng đắn với môi trường của tất cả mọi người. Thiết nghĩ, Côn Đảo nên tham khảo, học cách làm từ Cù Lao Chàm để bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bài, ảnh: MINH HIỀN - BẢO KHÁNH

;
.