KỶ NIỆM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20-11

Tình thầy trò

Thứ Sáu, 16/11/2018, 14:05 [GMT+7]
In bài này
.

Bằng những việc làm thiết thực của mình, nhiều giáo viên (GV) đã “chắp cánh” cho học sinh (HS) nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tiếp nối con đường học tập.

CHĂM LO CHO HỌC SINH

Cô Nguyễn Thị Hà, GV Trường TH Phước Thắng hướng dẫn HS viết bài  tại lớp 1 phổ cập giáo dục.
Cô Nguyễn Thị Hà, GV Trường TH Phước Thắng hướng dẫn HS viết bài tại lớp 1 phổ cập giáo dục.

“Con rất xúc động trước tình cảm và sự quan tâm của các thầy cô và các bác dành cho con. Con chúc thầy cô và các bác phụ huynh luôn mạnh khỏe, công tác tốt. Con hứa sẽ chăm ngoan, học giỏi, vâng lời thầy cô để xứng đáng với sự quan tâm của thầy cô và các bác. Con: Đàm Nhật Minh”. Đó là nội dung bức thư của em Đàm Nhật Minh, HS lớp 3/2, Trường TH Phước Thắng (phường 11, TP.Vũng Tàu) gửi cô hiệu trưởng, các thầy cô giáo và Hội phụ huynh HS của trường.

Lấy bức thư được cất cẩn thận trong ngăn bàn làm việc ra cho chúng tôi xem, cô Nguyễn Thị Minh, Hiệu trưởng Trường TH Phước Thắng kể, em Minh bị bệnh tim bẩm sinh. Đầu năm học 2018-2019, em phải đi phẫu thuật nhưng gia đình không đủ tiền. Biết được hoàn cảnh khó khăn của em, cô Minh đã phối hợp với Hội phụ huynh HS viết thư ngỏ, vận động thầy cô giáo, phụ huynh, nhà hảo tâm đóng góp, ủng hộ Minh. Số tiền 60 triệu đồng quyên góp được đã giúp ba mẹ Minh trang trải chi phí mổ tim cho em. Hiện nay, sức khỏe Minh đã ổn định và đến lớp bình thường cùng bạn bè.

Câu chuyện của Nhật Minh là một trong nhiều việc làm ý nghĩa được thực hiện tại Trường TH Phước Thắng. Cô Nguyễn Thị Minh cho biết, nhiều HS trong trường có hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy, ngoài chăm lo cho HS phát triển về trí tuệ, thể chất, kỹ năng, những năm qua, nhà trường còn quan tâm chăm lo về đời sống vật chất để các em có điều kiện đến trường hoặc chữa bệnh để tiếp tục việc học tập. Cụ thể, năm học 2018-2019, nhà trường đã miễn tiền ăn cho 5 HS nghèo tại các lớp học bán trú; miễn và giảm học phí cho 20 HS nghèo học lớp Anh văn; vận động Công ty CP Hỗ trợ đầu tư và Phát triển giáo dục quốc tế VES-đơn vị lắp đặt hồ bơi di động miễn phí học bơi cho 50 HS nghèo. Ngoài ra, nhà trường còn vận động được hàng chục suất học bổng, phần quà cho HS nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trong các dịp lễ, tết. Qua đó, mối quan hệ tình cảm giữa thầy, cô giáo và HS được vun đắp, khoảng cách giữa thầy-trò cũng được rút ngắn. “GV và HS trong trường khi gặp nhau luôn trò chuyện gần gũi, thân thiết như người trong nhà”, cô Minh nói.

Tại Trường THCS Long Tân (xã Long Tân, huyện Đất Đỏ), HS nghèo cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của các thầy, cô giáo. Em Võ Thị Hồng Nhung, HS lớp 9/3 có hoàn cảnh khó khăn khi ba em đang phải chấp hành án, mẹ đi làm công nhân, em phải ở với ông bà nội đã già yếu. Thấu hiểu hoàn cảnh của gia đình Nhung, mỗi đầu năm học hoặc dịp tết, cô Lê Đặng Ái, Phó Hiệu trưởng lại đưa em đi mua đồng phục, dụng cụ học tập. Ngoài việc được miễn học phí, Nhung còn được nhà trường hỗ trợ suất ăn sáng, ăn trưa tại căn tin. Là một trường có nhiều HS có hoàn cảnh khó khăn, nhiều năm qua, cô Ái đã cùng thầy Dương Minh Thông, Hiệu trưởng nhà trường bắc nhịp nhân ái, vận động các DN, mạnh thường quân ủng hộ quần áo, sách vở, học bổng cho HS nghèo. Chỉ riêng năm học 2017-2018, trường đã vận động được 186 triệu đồng, đầu năm học 2018-2019 đến nay là 27 triệu đồng để chăm lo cho HS nghèo.

TẬN TỤY “ĐƯA ĐÒ”

Tối 12-11, cô giáo Nguyễn Thị Hà (Trường TH Phước Thắng) cần mẫn giảng bài môn Tiếng Việt cho HS lớp 1 - lớp phổ cập giáo dục. Sau khi giảng bài, viết các vần ghép, từ ghép lên bảng, hướng dẫn HS cách đánh vần, đọc chữ, cô lại xuống cầm tay, chỉ cách viết cho HS. Ngoài việc giảng dạy chính khóa lớp 1 tại trường, Cô Hà là GV gắn bó lâu năm nhất với các lớp phổ cập giáo dục của Trường TH Phước Thắng: 10 năm. 

Cô Hà cho biết, đây là lớp học đặc biệt vì HS có nhiều lứa tuổi khác nhau, từ 6-23 tuổi. 40 HS của lớp cũng là 40 hoàn cảnh khác nhau: Con hộ nghèo, ba mẹ ly hôn, sống với ông bà. Ban ngày, các em phải lao động để kiếm sống nên không có điều kiện đến trường như các bạn cùng trang lứa. Vì vậy, việc truyền dạy kiến thức và duy trì nề nếp học tập của lớp không hề đơn giản. Chế độ phụ cấp cho GV dạy lớp phổ cập chưa được quan tâm đúng mức. Từ nửa năm học 2017-2018 đến nay, các GV dạy phổ cập giáo dục của trường TH Phước Thắng không được nhận phụ cấp. Nhưng với tình yêu nghề, tình yêu thương HS, mỗi tối, cô Hà vẫn cùng 2 GV khác lên lớp, truyền giảng kiến thức với mong muốn cho các em HS nghèo đỡ thiệt thòi.

Anh Trần Văn Tịnh, 23 tuổi, là HS lớn tuổi nhất trong lớp 1 phổ cập. Nhà ở ấp Bắc I, xã Hòa Long (TP.Bà Rịa), ban ngày, anh làm công nhân. Từ hơn 1 tuần nay, cứ vào tối thứ Hai, thứ Năm hàng tuần, anh lại chạy xe máy xuống trường để học chữ. Quê ở Nghệ An, lúc còn nhỏ, do nhà nghèo nên Tịnh không có điều kiện đến trường. Biết Trường TH Phước Thắng tổ chức lớp phổ cập giáo dục, anh đã đến xin học. 23 tuổi mới được cầm bút, còn nhiều bỡ ngỡ nhưng sau hơn 1 tuần, Tịnh đã biết ghép vần, đọc được khá nhiều từ. “Tôi muốn học chữ, biết đọc thông, viết thạo để thuận tiện trong giao tiếp, công việc, bởi người không biết chữ thiệt thòi lắm. Nhiều lúc ra đường, tôi không biết đọc tên đường nên bị lạc hoài. Tôi sẽ chăm chỉ học tập để thực hiện được mơ ước là đi xuất khẩu lao động sang Úc”, Tịnh chia sẻ.

Dưới sự dìu dắt của cô Hà, nhiều HS lớp phổ cập nay đã tốt nghiệp THCS, có việc làm ổn định tại các DN. “Chứng kiến các em trưởng thành, tự tin giao tiếp, tôi rất vui. Đó là động lực tiếp thêm sức mạnh cho tôi khắc phục khó khăn, tiếp tục gắn bó với HS nghèo”, cô Hà nói.

Tấm lòng hết mình vì HS của cô Minh, cô Ái, cô Hà và của hàng vạn nhà giáo thật đáng quý biết bao. Họ thực sự là những “người lái đò” thầm lặng, ngày ngày miệt mài dìu dắt, đưa bao thế hệ học trò vượt qua khó khăn, trở ngại đến bến bờ tri thức, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

Bài, ảnh: THI PHONG

Cô Lê Đặng Ái, động viên em Võ Thị Hồng Nhung, HS lớp 9/3.
Cô Lê Đặng Ái, động viên em Võ Thị Hồng Nhung, HS lớp 9/3.

Trường có 368 HS thì có đến 100 em con nhà nghèo, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Những năm qua, chúng tôi luôn cố gắng tìm hiểu từng hoàn cảnh để kịp thời kêu gọi các mạnh thường quân, DN chung tay giúp đỡ, tiếp sức để các em có động lực đến trường, không bỏ dở con đường học tập. 

(Cô Lê Đặng Ái, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Long Tân)

 

;
.