.

Kỷ niệm Ngày Dân số thế giới (11-7): Bà Rịa-Vũng Tàu đang trong thời kỳ "dân số vàng"

Cập nhật: 17:55, 10/07/2018 (GMT+7)

Ngày Dân số thế giới (11-7) năm nay có chủ đề “Thành công của kế hoạch hóa gia đình là tiền đề cho phát triển bền vững”. Nhân dịp này, PV Báo BR-VT đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Tôn Thất Khoa, Chi Cục trưởng Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh về những kết quả đạt được của công tác KHHGĐ của tỉnh thời gian qua. 

Bác sĩ Trung tâm Quân dân y huyện Côn Đảo khám và tư vấn sức khỏe cho người dân trên địa bàn huyện.
Bác sĩ Trung tâm Quân dân y huyện Côn Đảo khám và tư vấn sức khỏe cho người dân trên địa bàn huyện.

* PV: Xin bác sĩ cho biết về tình hình công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh hiện nay? 

- Bác sĩ Tôn Thất Khoa: Thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Sở Y tế, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã phối kết hợp với ban, ngành, đoàn thể của tỉnh để đẩy mạnh các hoạt động truyền thông chuyển đổi hành vi về DS và KHHGĐ. BR-VT thuộc nhóm các tỉnh có mức sinh thấp của cả nước. Tỷ suất sinh của tỉnh hiện nay ở mức 1,52 con và thấp hơn mức sinh thay thế (mỗi cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ có bình quân 2,1 con). Thành công của công tác DS-KHHGĐ đã góp phần rất quan trọng vào sự phát triển ổn định kinh tế-xã hội của địa phương. 

Trong chương trình DS-KHHGĐ thì dịch vụ KHHGĐ là một hoạt động trọng tâm và tác động trực tiếp nhằm giảm mức sinh của cả nước nói chung và BR-VT nói riêng. Trước đây tỷ lệ các cặp vợ chồng chấp nhận sử dụng biện pháp tránh thai chỉ ở mức 50-60% thì hiện nay đã đạt trên 70% (trong đó tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại trên 65%). Người dân có nhiều thuận lợi trong việc tiếp cận các biện pháp tránh thai và chủ động trong việc quyết định số con cũng như thời điểm sinh con một cách hợp lý. 

Tính đến cuối tháng 6-2018, BR-VT có dân số khoảng 1.154.000 người và tỉnh đang ở thời kỳ “dân số vàng” (số người lao động gấp đôi số người phụ thuộc). BR-VT thuộc nhóm tỉnh có tỷ suất sinh thấp nhất cả nước, tỷ suất sinh ở mức 13,15‰, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên cũng ở mức 8%. Đây là những chỉ số quan trọng, đang góp phần vào sự ổn định và phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. 

* Công tác DS-KHHGĐ của tỉnh đang gặp những khó khăn gì, thưa bác sĩ? 

- Hiện nay, công tác DS-KHHGĐ của tỉnh không thuộc vào chương trình mục tiêu quốc gia như trước nữa, trong khi đó, ngân sách địa phương để triển khai các hoạt động nhất là hoạt động truyền thông nhằm chuyển đổi nhận thức, hành vi về DS-KHHGĐ hàng năm giảm. Ngoài ra, thù lao cho đội ngũ cộng tác viên dân số đang ở mức thấp. Đây là những khó khăn chính, ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả công tác DS-KHHGĐ.

* Để khắc phục những khó khăn nêu trên, trong thời gian tới, Chi cục DS-KHHGĐ đã đề ra những giải pháp như thế nào, thưa bác sĩ? 

- Theo định hướng Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 25-10-2017 của BCH Trung ương Đảng (khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới có mục tiêu giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Trên cơ sở định hướng đó, Chi cục DS-KHHGĐ sẽ tiếp tục phối hợp với ban, ngành, đoàn thể truyền thông có hiệu quả hoạt động sàng lọc trước sinh và sơ sinh; tư vấn và chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên, giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh để nâng cao chất lượng dân số của tỉnh về thể chất, trí tuệ và tinh thần; tạo mọi điều kiện để người dân thuận tiện trong việc tiếp cận dịch vụ KHHGĐ.

* Xin cảm ơn bác sĩ!

Mục tiêu công tác DS-KHHGĐ đến năm 2030:

- Duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), quy mô dân số 104 triệu người.

Giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng; 50% số tỉnh đạt mức sinh thay thế; mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đều được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại; giảm 2/3 số vị thành niên và thanh niên có thai ngoài ý muốn.

- Tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống; tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi đạt khoảng 22%; tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên đạt khoảng 11%; tỷ lệ phụ thuộc chung đạt khoảng 49%.

- Tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 90%; giảm 50% số cặp tảo hôn, giảm 60% số cặp hôn nhân cận huyết thống; 70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất.

- Tỷ lệ dân số đô thị đạt trên 45%. Bố trí, sắp xếp dân cư hợp lý ở vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn. Bảo đảm người di cư được tiếp cận đầy đủ và công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản.

- 100% dân số được đăng ký, quản lý trong hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư thống nhất trên quy mô toàn quốc.

(Trích mục tiêu của Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 25-10-2017 của BCH Trung ương Đảng (khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới).

BÙI HƯƠNG
(thực hiện)

.
.
.