An toàn thực phẩm dịp Tết

Thứ Tư, 03/02/2021, 18:42 [GMT+7]
In bài này
.

Tết Nguyên đán Tân Sửu đang đến gần. Bên cạnh nỗi lo về giá cả các loại hàng hóa leo thang, người tiêu dùng còn phải đối mặt với vấn nạn hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng được tung ra thị trường; trong đó, điều đáng lo nhất là vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) dịp Tết.

Điều mà người tiêu dùng lo lắng về ATTP dịp Tết là hoàn toàn có cơ sở. Bởi diễn biến của thị trường thực phẩm đối với người tiêu dùng trong những ngày trước, trong và sau Tết thường có chiếu hướng gia tăng đột biến. Theo đó, khi mãi lực của các loại hàng hóa thực phẩm gia tăng thì vấn nạn hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm đóng hộp quá niên hạn sử dụng… được dịp xâm nhập, trà trộn vào thị trường. Thủ đoạn và hành vi buôn bán thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô, thực phẩm đóng hộp… không bảo đảm chất lượng ngày càng tinh vi và nhất là trong những ngày Tết lại càng diễn biến phức tạp. Thực phẩm, bánh kẹo, đồ hộp của các thương hiệu lớn, được người tiêu dùng ưa chuộng, tiêu thụ nhiều ở các chợ đầu mối, các cửa hàng bán lẻ thường thừa dịp này để “đục nước béo cò”, đánh lừa người mua sắm.

Thực tế những năm qua cho thấy, vào những ngày cận Tết, khi nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, thị trường thực phẩm các loại và tại nhiều phân khúc thị trường thường có nhiều biến động và diễn biến bất thường. Tại một số địa phương, một số chợ và các cửa hàng buôn bán nhỏ lẻ, tình trạng vi phạm pháp luật về ATTP còn khá phổ biến, như sử dụng hóa chất trong sản xuất, kinh doanh vẫn diễn ra ở nhiều nơi (sản xuất giò chả, bún còn sử dụng hàn the, chất bảo quản). Một lượng lớn thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm vệ sinh ATTP vẫn lưu thông trên thị trường. Nhiều cơ sở chăn nuôi, nhiều cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống… không kiểm soát được an toàn và còn nhiều yếu kém. Việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm còn gặp nhiều khó khăn; thu hồi, xử lý thực phẩm không an toàn thực hiện chưa nghiêm; chế tài xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP chưa bảo đảm tính răn đe. Công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục về ATTP chưa đồng bộ và hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa được quan tâm đúng mức.

Nguyên nhân của các hạn chế nêu trên do yếu tố chủ quan là chủ yếu, trước hết ở một số nơi, ngành chức năng thực hiện công tác quản lý chưa nghiêm; sự nhận thức chưa đầy đủ và cố tình vi phạm của một số cơ sở, cá nhân sản xuất và kinh doanh nông sản, thực phẩm. Công tác quản lý Nhà nước về ATTP của nhiều địa phương còn gặp một số khó khăn, bất cập, hệ thống quản lý ATTP của ba ngành (y tế, công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn) tại cơ sở chưa đồng bộ. Hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thường nhỏ lẻ; trình độ canh tác, công nghệ chế biến lạc hậu, tác động trực tiếp đến chất lượng thực phẩm. Mặt khác, ý thức của một bộ phận người dân trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật còn hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm nông sản….

Nhằm đấu tranh phòng, chống hàng hóa thực phẩm kém chất lượng, bảo đảm vệ sinh ATTP trong dịp Tết đạt hiệu quả cao, đòi hỏi các ngành chức năng cần phải mạnh tay với vấn nạn mất vệ sinh ATTP. Triển khai kịp thời việc lấy mẫu thử nhanh tại chỗ đối với các loại hàng hóa thực phẩm và thực hiện công bố ngay kết quả để người dân biết và lựa chọn. Tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng để kiểm tra, kiểm soát thị trường, triệt để chống buôn bán các loại hàng hóa thực phẩm kém chất lượng và các hành vi gian lận thương mại khác. Các doanh nghiệp và Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng cần nêu cao vai trò và trách nhiệm trong công tác xây dựng và bảo vệ thương hiệu, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Các lực lượng quản lý thị trường cần theo dõi sát diễn biến cung cầu và giá cả thị trường dịp Tết; đặc biệt cần lưu ý và chú trọng đối với những loại thực phẩm cốt yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cấp chính quyền, các ngành chức năng, mỗi người tiêu dùng cũng cần nâng cao ý thức, mua thực phẩm ở những địa chỉ rõ ràng và có thương hiệu; tránh mua những loại thực phẩm không ghi rõ tên, không ghi hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, địa chỉ của nhà sản xuất… nhằm bảo đảm sức khỏe cho gia đình, cho bản thân, để mọi người hưởng một mùa Xuân thật trọn vẹn và ý nghĩa.

HOÀNG LÊ

 
;
.