ÔNG TRẦN ĐÌNH KHOA, ỦY VIÊN BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY, BÍ THƯ THÀNH ỦY VŨNG TÀU

Sắp xếp lại hoạt động các chợ tự phát

Chủ Nhật, 29/03/2020, 22:39 [GMT+7]
In bài này
.

 

Mặc dù các cơ quan chức năng của TP. Vũng Tàu đã tăng cường kiểm tra, xử lý, thậm chí là mở các đợt cao điểm để lập lại trật tự đô thị nhưng tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè vẫn xảy ra, đặc biệt là các khu vực chợ tự phát. Chuyên mục “Mỗi tuần một vấn đề” hôm nay, phóng viên Báo BR-VT có cuộc trao đổi với ông Trần Đình Khoa (ảnh), Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Vũng Tàu về các giải pháp quyết liệt, căn cơ nhằm lập lại trật tự đô thị, góp phần nâng cao hình ảnh thành phố du lịch văn minh.

● Phóng viên: Thường trực Thành ủy Vũng Tàu vừa khảo sát về tình hình hoạt động tại các điểm kinh doanh, buôn bán tự phát (sau đây gọi chung là chợ tự phát) trên địa bàn TP. Vũng Tàu. Qua khảo sát, Đoàn đã ghi nhận thực tế như thế nào, thưa ông?

- Ông Trần Đình Khoa: Trên địa bàn thành phố hiện có 14 chợ đang hoạt động, trong đó có 9 chợ do Nhà nước đầu tư và bàn giao cho UBND TP. Vũng Tàu và các phường, xã quản lý; 5 chợ do DN đầu tư quản lý theo hình thức xã hội hóa. Nhìn chung, hệ thống thương mại của thành phố chưa đáp ứng nhu cầu của người dân nên trên địa bàn thành phố đã hình thành 12 chợ tự phát nằm rải rác tại các phường với khoảng hơn 1.000 hộ kinh doanh, buôn bán.

Đoàn đã đến khảo sát trực tiếp tại các chợ tự phát trên các tuyến đường: Cô Giang, Trương Công Định, Trần Bình Trọng, Lưu Chí Hiếu, Phước Thắng. Qua khảo sát cho thấy, tại các chợ tự phát, người dân buôn bán khá nhộn nhịp. Hầu hết các hộ kinh doanh, buôn bán tại đây đều lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, buôn bán ở khu vực không thuộc quy hoạch chợ của thành phố. Nhiều khu vực diện tích mặt đường khá chật hẹp nhưng người buôn bán vẫn thản nhiên đưa các loại thùng, chậu đựng hải sản, vỉ phơi cá, lò nướng… ra chiếm gần hết vỉa hè. Thậm chí tràn xuống lòng đường và xả nước rửa tôm, cá ra đường, tạo nên một cảnh tượng nhếch nhác ngay trung tâm thành phố. Thậm chí khu vực chợ tự phát trên đường Lưu Chí Hiếu (Phường 10), các hộ kinh doanh còn bày cả gia súc, gia cầm sống tràn ra hết vỉa hè và giết mổ ngay tại đó.

Mặc dù các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều đợt ra quân lập lại trật tự đô thị, xử phạt và yêu cầu các hộ kinh doanh ký biên bản cam kết không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để buôn bán nhưng ngay sau khi lực lượng chức năng rời đi, một số người bán gà, bán rau, bán thịt… lại thi nhau đẩy hàng ra sát đường, thậm chí xuống hẳn lòng đường để buôn bán. 

● Hoạt động của các chợ tự phát tiềm ẩn những nguy cơ, rủi ro gì, thưa ông?

- Qua khảo sát chúng tôi nhận thấy, hoạt động các chợ tự phát tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro như: mất an toàn giao thông; mất mỹ quan đô thị; không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; ô nhiễm môi trường và có nguy cơ lây nhiễm cao trong mùa dịch COVID-19. Cụ thể, tại các quầy hàng thịt, cá tươi sống, đồ ăn liền không có kiểm nghiệm an toàn thực phẩm; nhiều hàng hóa tiêu dùng không rõ nguồn gốc… Trong khi các chợ thuộc quản lý của Nhà nước và DN thực hiện rất nghiêm ngặt việc nhắc nhở người dân đeo khẩu trang, đo thân nhiệt mới được vào mua bán trong mùa dịch. Riêng các chợ tự phát, người dân vẫn tự do mua bán, nhiều người không đeo khẩu trang. Nếu dịch bệnh xảy ra thì chính những khu vực này sẽ phát tán nhanh và khó kiểm soát.

● TP.Vũng Tàu đã tổ chức nhiều đợt ra quân nhằm lập lại trật tự đô thị nhưng chưa hiệu quả. Để giải quyết được vấn đề chợ tự phát, TP. Vũng Tàu cần có những giải pháp căn cơ hơn, quyết liệt hơn, thưa ông?

- Sau chuyến khảo sát này, Thường trực Thành ủy sẽ làm việc với các phòng chuyên môn và các phường, xã bàn kế hoạch sắp xếp lại hoạt động của các chợ tự phát. Theo đó, để công tác quản lý trật tự đô thị đạt hiệu quả, bền vững, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, cần có sự hài hòa giữa lợi ích, nhu cầu của người dân và trật tự, mỹ quan đô thị. Do đó, cần phải sắp xếp cho bà con tiểu thương có nơi kinh doanh, buôn bán phù hợp.

Bên cạnh đó, TP.Vũng Tàu cũng đã xây dựng “Đề án nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè”. Đề án này sẽ là cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả quản lý, lập lại trật tự đô thị; bảo đảm thông thoáng lòng đường, vỉa hè, an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông; đáp ứng được nhu cầu sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè cho các tổ chức cá nhân trong thời gian cụ thể, ngắn hạn; bảo đảm mỹ quan đô thị… Tuy nhiên, để giải quyết trình trạng tái chiếm lòng đường, vỉa hè cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, UBND các phường, xã phải là nòng cốt, vừa đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cả người kinh doanh, buôn bán lẫn các hộ có mặt bằng cho thuê để nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong việc giữ gìn trật tự đô thị; đồng thời xử lý quyết liệt các trường hợp vi phạm nhiều lần; chú trọng việc xử lý vi phạm tại các khu vực chợ tự phát - đây chính là các “điểm nóng” về vi phạm trật tự đô thị. 

● Xin cảm ơn ông!

QUANG VŨ (Thực hiện)

;
.