HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

Tiết kiệm từ những điều nhỏ nhất

Thứ Năm, 23/05/2019, 16:34 [GMT+7]
In bài này
.

Bác Hồ là vĩ nhân chứ không phải siêu nhân. Phẩm chất đạo đức của Bác không cao siêu mà là những điều cụ thể, mỗi người chúng ta có thể học tập và làm theo. Như một nhà báo Australia từng viết: Người ta không thể trở thành một Cụ Hồ Chí Minh, nhưng ở Cụ Hồ, mỗi người có thể học một số điều làm cho mình trở thành tốt hơn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm xưởng may 10 ngày 8-1-1959. Người góp ý về cách cắt may sao cho nhanh, tiết kiệm, bảo đảm chất lượng. Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm xưởng may 10 ngày 8-1-1959. Người góp ý về cách cắt may sao cho nhanh, tiết kiệm, bảo đảm chất lượng. Ảnh tư liệu

Bác Hồ là tấm gương điển hình của đức tiết kiệm. Trong cuộc sống cũng như trong công việc, Người tiết kiệm từng mẩu giấy. Khi cần một mẩu giấy nhỏ, Người không bao giờ dùng tờ giấy to. Những tờ giấy in một mặt, Người đều tận dụng mặt giấy còn lại. Đức tính tiết kiệm đã theo trọn cuộc đời Người, cho đến bản bổ sung Di chúc cuối cùng vào tháng 5-1969, Người viết vào mặt sau của tờ tin tham khảo đặc biệt của Thông tấn xã Việt Nam. Người tiết kiệm bởi thương nước ta còn nghèo, thương dân ta còn khổ, mà “Giấy bút, vật liệu đều tốn tiền của Chính phủ, tức là của nhân dân”. Bác quan niệm: “Mỗi người tiết kiệm một chút… góp lại sẽ thành một số rất to; Chớ tưởng tiết kiệm những cái cỏn con như mẩu giấy, ngòi bút là không có ảnh hưởng. Một người như thế, trăm người như thế, công quỹ đã bớt được một số tiền đáng kể, lấy ở mồ hôi, nước mắt dân nghèo mà ra”. 

Một số nước đã xây dựng thành công chính phủ điện tử, nền hành chính ở đó không cần giấy bút. Với nước ta điều đó còn nằm trong tương lai. Người lao động trên rất nhiều lĩnh vực hàng giờ, hàng ngày vẫn cần và phải dùng đến giấy, bút. Tiết kiệm từng mẩu giấy, cây bút như Bác là việc làm đơn giản, trong tầm tay, ấy vậy mà sự lãng phí vẫn diễn ra khá phổ biến ở nhiều người, nhiều đơn vị, cơ quan. 

Mở đầu bài nói chuyện tại lễ tốt nghiệp khóa V Trường Huấn luyện cán bộ Trung ương, Người phê bình: “Trong giấy mời có ghi 8 giờ bắt đầu, bây giờ là 8 giờ 10 phút rồi mà nhiều người chưa đến. Tôi khuyên anh em phải làm việc cho đúng giờ, vì thời gian quý báu lắm”. Bác rất quý thời gian, coi thời gian quý hơn tiền bạc và Người rất nghiêm khắc với kỷ luật giờ giấc. Làm việc đúng giờ, giờ nào việc nấy trở thành phong cách đồng thời là sự tôn trọng của Bác đối với tập thể, với mọi người và với nhân dân. Khi đã có kế hoạch, đã hẹn làm việc thì dù trở ngại đến đâu, Người cũng chủ động tìm cách để đảm bảo đúng giờ. Người không hài lòng và thẳng thắn phê bình những ai chấp hành không nghiêm thời gian. Người từng chỉ rõ khuyết điểm và hậu quả của một số tướng lĩnh làm sai giờ hẹn: Chú làm tướng mà đến chậm 15 phút thì bộ đội của chú sẽ hiệp đồng sai bao nhiêu? Thời gian chú đến chậm phải nhân với hàng trăm con người chờ chú ở đây thì một lượng thời gian bị lãng phí lớn đến thế nào? 

Ý thức chấp hành kỷ luật giờ giấc của người lao động Việt Nam ít nhiều vẫn bị ảnh hưởng của nền sản xuất tiểu nông. Sự tùy tiện: Đi trễ, về sớm, bớt xén thời gian, làm việc không đúng giờ, không hiệu quả… đang gây lãng phí rất lớn. Trong hệ thống chính trị, tổ chức hội nghị, họp hành nhiều. Họp là làm việc! Nhưng điều đáng nói là: Có bao nhiêu phần trăm cuộc họp khai mạc không đúng giờ? Bao nhiêu phần trăm cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đi họp, tham gia học tập không đúng giờ? Đó là chưa kể, không ít cán bộ, công chức, viên chức bớt xén thời gian của Nhà nước, dùng phương tiện công nghệ của đơn vị để làm việc riêng. Người dạy: “Từ Chủ tịch, Chính phủ cho đến người chạy giấy, người quét dọn trong một cơ quan nhỏ, đều là người ăn lương của dân… Làm việc phải đúng giờ, chớ đến trễ, về sớm. Phải nhớ rằng: Dân đã lấy tiền mồ hôi nước mắt để trả lương cho chúng ta trong những thì giờ đó. Ai làm biếng tức là lừa gạt dân. Lãng phí thời gian, Người cho rằng cũng là có tội với nước, với dân!

Năm 1954, về tiếp quản Thủ đô, từ đó Bác dùng chiếc xe Pô-vê-đa do Chính phủ Liên Xô tặng. Xe dùng quá lâu, anh em phục vụ muốn Bác đổi chiếc xe khác. Người hỏi: “Xe Bác đang dùng hỏng chưa?”. “Thưa Bác, xe chưa hỏng nhưng muốn đổi chiếc khác tốt hơn, đi nhanh hơn để Bác đỡ vất vả”. Bác nói: “Thế thì chưa đổi. Ai cần đi nhanh thì cần xe khác. Ai thích sang thì đi xe mới. Còn Bác vẫn dùng xe này vì nó chưa hỏng”. Và chiếc xe đó gắn bó với Người đến cuối đời. 

Nhắc chuyện xưa để nghĩ đến chuyện nay. Từ rất sớm, Chính phủ đã ban hành quy định chế độ sử dụng xe ô tô đối với cán bộ. Lạ thay: Một số người vẫn cố tình hưởng chế độ xe ô tô đưa đón dù không có tiêu chuẩn; vẫn thích đi xe mới, xe sang, vẫn sử dụng xe có mức giá cao hơn quy định, thậm chí biến xe của cơ quan thành xe cá nhân. 

Dẫn ra vài mẩu chuyện trên cho chúng ta suy ngẫm, tự soi và tự vấn lương tâm. Bác dạy: Tiết kiệm từ những việc nhỏ sẽ thành được điều to tát - đó là lý luận, nhưng cũng là bài học sâu sắc của cuộc sống. Đã đến lúc, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động cần nghiêm khắc hơn với bản thân, hãy tự giác đề cao trách nhiệm và thực hành tiết kiệm khởi đầu từ những việc nhỏ, bình dị như lời Bác dặn.

NGUYỄN QUANG PHI

;
.