HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH:

Không ngừng chăm lo bồi dưỡng sức dân

Thứ Hai, 08/04/2019, 16:24 [GMT+7]
In bài này
.

“Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc” là quy luật tồn vong của mọi chế độ. Đến thời đại Hồ Chí Minh, quy luật đó được Người nâng lên tầm cao mới: Dân trở thành chủ nhân của nước, tất cả suy nghĩ và hành động đều phải  hướng về dân, vì lợi ích của nhân dân.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh: Nhân dân là gốc rễ, nền tảng của nước, là lực lượng quyết định thành bại của cách mạng. Nhưng nhân dân chỉ trở thành “lực lượng vĩ đại hơn ai hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó” khi Đảng thu phục được lòng dân. Người từng dặn: Để có thể dựa vào dân, nhờ được vào sức mạnh của nhân dân, điều cốt yếu Đảng, Chính phủ không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, tổ chức mà còn phải biết “khoan thư sức dân”. Nghĩa là: một mặt phải giác ngộ, “giảng giải lý luận và chủ nghĩa cho dân hiểu… phải bày sách lược cho dân”; mặt khác không ngừng chăm lo bồi dưỡng để nâng cao sức dân: “Làm cho dân có ăn. Làm cho dân có mặc. Làm cho dân có chỗ ở. Làm cho dân được học hành”.

Nguồn nhân lực, vật lực, tài lực trong dân là vô cùng to lớn, nhưng chỉ có thể khai thác tối đa được sức dân khi mục đích duy nhất và cao nhất phải là: “Lấy sức dân phục vụ dân”. Bồi dưỡng sức dân trước hết, Người khuyên: Đảng, chính quyền các cấp phải biết tiết kiệm sức dân, tuyệt đối không được lạm dụng, mà phải giảm bớt sự đóng góp của dân. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 4, khóa II, Người nói: “Bảo vệ và phát triển việc sản xuất, thực hành tiết kiệm phải nhằm vào giảm nhẹ sự đóng góp của nhân dân và cải thiện đời sống của nhân dân”. Trước khi đi xa, Người thiết tha đề nghị Đảng, Chính phủ: “Miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”. Đến giây phút cuối cùng, Người vẫn nghĩ đến việc làm lợi cho dân, không mảy may gây phiền hà, dù là điều nhỏ nhất: “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”. Lời căn dặn, hôm nay đọc lại chúng ta không khỏi bùi ngùi: Đừng chôn thi hài của tôi mà hãy “đốt đi, tức hỏa táng”, để giữ vệ sinh môi trường và trong sâu thẳm tấm lòng của Người  không muốn làm tốn kém thêm, dù chỉ vài mét vuông đất ruộng của dân!

Ba yếu tố để một quốc gia, dân tộc phát triển: Thiên thời, địa lợi, nhân hòa, trong đó theo Người “nhân hòa” là yếu tố quan trọng nhất. Nhưng muốn có “nhân hòa” Đảng, Chính phủ  phải làm cho “an dân”, muốn  “an dân” thì đội ngũ cán bộ, đảng viên trong suy nghĩ, hành động thấm nhuần phương châm: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm; việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Dân chỉ thật sự an khi bộ máy nhà nước liêm chính; mọi căn bệnh: Tự tư, tự lợi, quan liêu, tham ô, lãng phí, hách dịch, cửa quyền… được tẩy sạch. Để “an dân”, thì những vấn đề hệ trọng liên quan đến sinh mệnh quốc gia, dân tộc, trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống nhân dân đều phải trưng cầu ý dân. Người yêu cầu: “Việc gì cũng phải hỏi ý kiến của quần chúng, cùng dân chúng bàn bạc” và “Nếu dân ưng thì làm, dân không ưng thì đừng làm”, “dân muốn gì ta phải làm nấy”, bởi dân đồng tình thì dân mới vui lòng ra sức làm.

Muốn huy động nhân lực, vật lực, tài lực từ nhân dân thì điều quan trọng là phải chăm lo bồi dưỡng nâng cao sức dân. Người day dứt, trăn trở khôn nguôi trong nhiều chục năm trên cương vị lãnh đạo cao nhất: “Làm thế nào cho đời sống của nhân dân ta, vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn”; làm sao cho “nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc”. Người quan niệm: Dân giàu thì nước mạnh, do vậy “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân”. Một mặt, phải “có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa”; mặt khác, có bổn phận chăm lo đời sống nhân dân từ những việc nhỏ nhất: “Ngay đến tương, cà, mắm muối của dân, Đảng đều phải lo”. Người đòi hỏi nhà nước phải trở thành “bà đỡ” của dân, không chỉ chăm lo chu toàn cuộc sống của muôn dân, mà còn tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi để người dân tự do sản xuất kinh doanh, làm giàu chính đáng; khuyến khích và tạo cơ hội cho  người dân: “Chưa đủ ăn phấn đấu đủ ăn; đủ ăn rồi phấn đấu khá; khá phấn đấu giàu; giàu rồi phấn đấu giàu thêm”. Theo Người, đây là con đường, biện pháp nuôi dưỡng sức dân căn cơ, bền vững nhất.

Đất nước đang bước lên chuyến tàu 4.0; đến năm 2030 – kỷ niệm 100 năm Ngày Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, phấn đấu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; đến năm 2045 – đúng 100 năm Ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trở thành nước công nghiệp hiện đại. Tương lai và tiền đồ của cả dân tộc, lệ thuộc trước hết vào sức dân. Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; bảo đảm an sinh, xóa đói giảm nghèo không chỉ hợp lòng dân, mà còn rất hiệu quả trong việc chăm lo, bồi dưỡng sức dân. Nhưng  không ít nơi vẫn thiếu tôn trọng dân; vi phạm quyền làm chủ của dân; còn gây khó dễ với dân trong sản xuất, kinh doanh; đẻ ra hàng trăm thứ quỹ mà người dân phải oằn mình đóng góp; ức hiếp dân, ăn chặn, ăn bớt của dân; tệ hại hơn một bộ phận cán bộ, đảng viên tham ô, lãng phí, vi phạm nghiêm trọng lợi ích của nhân dân.

Trong mọi giai đoạn của cách mạng, việc chăm lo bồi dưỡng sức dân luôn là bài học lớn. Hướng về dân, suy nghĩ và hành động vì dân vừa là đạo đức, lẽ sống, vừa là bổn phận cũng như mệnh lệnh từ trái tim của mỗi cán bộ, đảng viên.

NGUYỄN QUANG PHI

;
.