.

DOANH NGHIỆP TA, HÀNG TA, SAO LẠI TÊN TÂY?

Cập nhật: 08:33, 02/12/2004 (GMT+7)

Từ ngày đất nước ta mở cửa, hội nhập, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có bước chuyển đáng kể. Hàng Việt Nam không chỉ tiêu dùng nội địa mà còn thâm nhập vào thị trường thế giới. Đó là tín hiệu lạc quan cho kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, bước vào thương trường, doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều chuyện đáng bàn. Một trong số đó là: Doanh nghiệp Việt Nam, hàng Việt Nam nhưng lại viết và gọi theo tên Tây, tiếng Tây! Tên doanh nghiệp, mà dài dằng dặc tiếng Anh, tiếng Pháp, đến nỗi đi trên phố ta mà cứ như lạc vào phố xá một nước Âu -Á nào đó!

Bộ Văn hóa - Thông tin đã có văn bản quy định tên bảng hiệu cơ quan, doanh nghiệp phải kẻ phía trên bằng chữ Việt khổ chữ to đậm, phía dưới mới chua thêm tiếng nước ngoài với co chữ nhỏ hơn, nếu thấy cần thiết. Thế mà nhiều doanh nghiệp lại làm ngược lại. Các panô, biển hiệu của ta tên doanh nghiệp thì bằng tiếng Tây, được kẻ rất to đậm, được kết bằng đèn màu, ánh sáng cho nổi bật, còn tên Việt bé xíu, nấp phía dưới, thậm chí không có. Hàng không Việt Nam, cái tên sang thế, ngắn thế lại không viết, không nói, mà cứ thích viết, thích nói Vietnam Airline! Rồi những Vinacafe, Vinatea Corp, Petrolimex, Habaco, Vinamilk, Vinataba… Trong lúc đó nhiều doanh nghiệp nổi tiếng, gọi bằng tên Việt , cũng nổi tiếng khắp thế giới như cà phê Trung Nguyên, may Việt Tiến, bưởi Năm Roi... Mới hay sự nổi tiếng của doanh nghiệp không phải do chữ Tây hay chữ Việt, mà do chất lượng hàng hóa!

Chưa hết, chữ Tây, tiếng Tây đang thống trị dần tất cả các loại hàng hóa Việt Nam. Chỉ riêng các nhãn hiệu bia do trong nước sản xuất cũng có đến hàng chục tên Tây như Special (Quảng Ngãi), Vida (Nghệ An), Huda (Huế), Sadrolex (Quảng Bình), Giày dép thì Bitís, nước khoáng thì Vital, xà phòng thì Daso, thuốc đánh răng thì Colgatte, sơn thì Tison , lại có loại thực phẩm mì xào nào đó tên là Roma Spaghetti. Ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... các bảng hiệu quảng cáo hay nhãn hiệu hàng hóa của họ bao giờ tiếng mẹ đẻ cũng ở vị trí trang trọng nhất, được viết đậm nhất, chữ Tây chua thêm ở vị trí thứ yếu. Đó là lòng tự tôn dân tộc về ngôn ngữ, là văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân. Nước ta sắp gia nhập WTO, ngang hàng với các nước khác, lẽ nào ta lại bị "lấn sân" về ngôn ngữ!

Cho nên, bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt trên thương trường đang là vấn đề bức xúc, nóng bỏng hiện nay. Ngôn ngữ là chứng chỉ cụ thể nhất về sự độc lập và sự trường tồn của một dân tộc. Doanh nghiệp Việt Nam, hàng Việt Nam mà lại gọi, viết bằng tiếng Tây là phản văn hóa. Chúng tôi cho rằng đã đến lúc Quốc hội phải tổ chức xây dựng và thông qua bộ luật về sử dụng tiếng nước ngoài ở Việt Nam, hay luật bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt. Phải có luật mới lập lại trật tự trong việc sử dụng tiếng nước ngoài bừa bãi hiện nay. Sự "xâm lăng” về ngôn ngữ là sự xâm lăng không tiếng súng, diễn ra thầm lặng, nhưng nguy hiểm không kém gì sự xâm lăng về kinh tế cũng như quân sự!

Ngô Minh