.

QUẢN LÝ, BẢO VỆ VÀ SỬ DỤNG ĐƯỜNG GIAO THÔNG NÔNG THÔN: CẦN MỘT QUY CHẾ

Cập nhật: 08:19, 03/07/2004 (GMT+7)
Làm đường giao thông nông thôn ở huyện Đất Đỏ.

Toàn tỉnh hiện có 2573 km đường giao thông, với 206 km đường bê tông nhựa, 641 km đường nhựa, 109 km đường đá dăm, 1336 km đường cấp phối, 278 km đường các loại khác. Đến nay, mạng lưới giao thông nông thôn của tỉnh đã kết nối với các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên  xã, liên huyện thành mạng lưới giao thông khép kín, góp phần tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khai thác tiềm năng đất đai, phát triển vùng cây công nghiệp, đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản tại các địa phương trong tỉnh. Hệ thống đường giao thông nông thôn đã hỗ trợ đắc lực cho sản xuất nông nghiệp, tăng hiệu quả trong vận tải công cụ, vật tư phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và nông sản hàng hóa, nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn; Đồng thời cải thiện cảnh quan nông thôn ngày càng thoáng đãng, sạch đẹp hơn;  góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân khu vực nông thôn.

Tuy nhiên, hiện nay, trên toàn tuyến đường giao thông nông thôn trong tỉnh, xe ô tô, xe cơ giới nông nghiệp đang hoạt động tự phát, nhiều xe chở vật liệu xây dựng, chở hàng hoá nông lâm sản có trọng tải lớn vượt xa sức chịu lực của đường và cầu cống lưu thông trên đường. Nhiều tuyến đường bị xe chở vật liệu xây dựng, chở đất đá quá trọng tải cày xới làm hư hỏng nặng nhưng không ai chịu trách nhiệm tu sửa lại.

Trước tình trạng trên, nhiều khu dân cư đã xây dựng quy ước ngăn chặn không cho xe cơ giới chạy qua khu vực của mình. Trong khi đó, các chủ xe tham gia giao thông trên đường nông thôn lại cho rằng đường nông thôn được mở rộng là để phục vụ xe cơ giới các loại, trong đó có xe cơ giới nông nghiệp nên họ cứ tiếp tục lưu thông. Những cuộc xung đột xảy ra khá phức tạp nhưng kết cuộc không đi đến đâu vì ai cũng cho rằng mình đúng. Nguyên nhân là thiếu quy chế pháp lý về quản lý đường nông thôn để làm mực thước giải quyết.

Hậu quả dẫn đến tình trạng nhiều tuyến đường giao thông nông thôn xây dựng năm trước, năm sau đã xuống cấp trầm trọng. Những ngã ba, ngã tư đường giao thông nông thôn bị cây xanh che khuất tầm nhìn, nguy cơ tai nạn giao thông trên đường nông thôn ngày một cao hơn.

Nhằm phát huy cao nhất hiệu quả kinh tế – xã hội từ chiến lược phát triển đường giao thông nông thôn, vấn đề cần quan tâm hiện nay là xây dựng quy chế pháp lý ùvề quản lý đường giao thông nông thôn, sao cho việc mở đường, đầu tư xây dựng đường tốn hàng tỷ đồng của Nhà nước và nhân dân phải được bảo vệ sử dụng dài lâu, sử dụng đúng mục đích với quy chế rõ ràng, chặt chẽ. Cần phân cấp rõ cơ quan nào, cấp nào chịu quản lý, bảo vệ. Theo đó, đặt những quy định phân từng tuyến chính, đường liên ấp, liên thôn, trọng tải cho phép từng tuyến phù hợp với chất lượng, sức chịu tải của từng tuyến đường, nhằm hạn chế sự quá tải của đường xá, cầu cống trên các tuyến đường nông thôn. Có như vậy mới phát huy hết hiệu quả của mạng lưới đường giao thông nông thôn, góp phần phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn.

Bài, ảnh: Thu Phong

.
.
.