.
HƯỚNG TỚI ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ TỈNH LẦN THỨ IV, NHIỆM KỲ 2024-2029

Nhịp cầu nối ý Đảng - lòng dân ở vùng đồng bào dân tộc

Cập nhật: 16:12, 05/09/2024 (GMT+7)

Chung tay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số (DTTS), nhiều cán bộ người DTTS là “nhịp cầu” nối ý Đảng - lòng dân hiệu quả. Họ nhiệt huyết đóng góp sức trẻ xây dựng quê hương và chăm lo cho đồng bào DTTS.

Bà Vi Thị Hoa (trái) đến thăm gia đình chị Hoàng Thị Phương, dân tộc Châu Ro ở xã Đá Bạc (giữa). Chị Phương là hộ khó khăn, được huyện Châu Đức hỗ trợ xây nhà ở năm 2023.
Bà Vi Thị Hoa (trái) đến thăm gia đình chị Hoàng Thị Phương, dân tộc Châu Ro ở xã Đá Bạc (giữa). Chị Phương là hộ khó khăn, được huyện Châu Đức hỗ trợ xây nhà ở năm 2023.

Sâu sát cơ sở 

Bà Vi Thị Hoa, dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên tại tỉnh Bắc Giang. Bà được gia đình lo cho ăn học đến nơi đến chốn, tốt nghiệp cử nhân Kinh tế đối ngoại. Trải qua nhiều vị trí công tác, nhưng công việc bà có duyên gắn bó lâu nhất là cán bộ phụ trách công tác dân tộc của Văn phòng UBND huyện Châu Đức đã 19 năm nay.

Nhiệm vụ chính của bà Hoa là làm công tác tham mưu về công tác dân  tộc. Ngoài ra, bà còn làm chuyên viên tổng hợp, vừa phụ trách kế toán, đồng thời là Phó Ban Nữ công, Văn phòng UBND huyện. Khối lượng công việc nhiều nên để thực hiện tốt nhiệm vụ, bà không ngừng phấn đấu tìm tòi, học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, đặc biệt là sâu sát với đồng bào DTTS.

Bà Hoa cho biết, Châu Đức có đông đồng bào DTTS sinh sống với gần 9.400 người, chiếm tỷ lệ 5,67% dân số của huyện, thuộc 15 thành phần dân tộc như Hoa, Châu Ro, Khmer, Tày, Nùng, Thổ, Mường... “Với lợi thế là con em đồng bào DTTS nên tôi nhanh chóng tiếp cận cơ sở, nắm đặc điểm tình hình dân cư và am hiểu được phong tục, tập quán của các DTTS, từ đó làm tốt nhiệm vụ được giao”, bà Hoa nói.

Bà thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, địa phương đi cơ sở, nắm bắt tình hình cuộc sống, tâm tư nguyện vọng của bà con vùng đồng bào DTTS tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Sau đó, bà tập trung tham mưu “đúng”, “trúng” cho cấp ủy, chính quyền để thực hiện các chế độ, chính sách, các chương trình đầu tư phát triển kinh tế, xã hội có lợi cho đồng bào.

Từ năm 2019 đến nay, bà Hoa đã tham mưu huyện thực hiện nhiều chương trình, dự án hiệu quả. Điển hình như năm 2019, bà Hoa đã tham mưu huyện Châu Đức đầu tư cơ sở hạ tầng như xây dựng 4 công trình giao thông với tổng kinh phí hơn 13 tỷ đồng và 6 công trình điện hạ thế kinh phí 6,5 tỷ đồng tại thôn Lồ Ồ, xã Đá Bạc và thôn 1, thôn 3, xã Suối Rao, nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống. Đồng thời, hỗ trợ con dê giống phát triển sản xuất cho 69 hộ nghèo, hộ khó khăn tại các xã, thôn, ấp với số tiền hơn 1 tỷ đồng.

Từ đầu năm 2024 đến nay, bà Hoa đã tham mưu triển khai xây mới nhà ở cho 34 hộ đồng bào DTTS với kinh phí hơn 2 tỷ đồng; sửa nhà ở cho 22 hộ với kinh phí 660 triệu đồng; xây 39 nhà tiêu, với kinh phí 585 triệu đồng.

Trao cơ hội phát triển nguồn cán bộ

Bà Nguyễn Thị Tiền, dân tộc Châu Ro, phụ trách Văn phòng UBND kiêm công tác Tôn giáo - Dân tộc phường Hắc Dịch, TX.Phú Mỹ cho hay, bà thường xuyên sâu sát địa bàn khu phố, nắm bắt đời sống và tâm tư, nguyện vọng của đồng bào DTTS. Qua đó, bà tham mưu, đề xuất các giải pháp thực hiện hiệu quả các phong trào địa xây dựng đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong vùng đồng bào DTTS cũng như địa phương nói chung.

Bà Tiền cũng hăng hái đi cơ sở, phối hợp cán bộ, hội viên phụ nữ đến từng nhà đồng bào DTTS để tuyên truyền về bình đẳng giới. Bà đã kết hợp phát 400 tờ rơi tuyên truyền bình đẳng giới và 1.500 tờ rơi tuyên truyền các biện pháp kế hoạch hóa gia đình đến chị em phụ nữ dân tộc Châu Ro, Khmer, Tày, Nùng... ở địa phương.

Bà Tiền còn phối hợp Hội LHPN phường, Đoàn Thanh niên phường kết nối với DN, cơ sở kinh doanh giới thiệu việc làm cho chị em đồng bào DTTS. Đã có hàng chục chị em được các cơ sở nhận vào làm việc, thu nhập từ 4-6 triệu đồng/người/tháng. Bà cũng kết nối với nhà hảo tâm để trao những phần quà thiết thực cho 138 lượt hộ nghèo, khó khăn, trị giá gần 50 triệu đồng. Qua đó, giúp họ vơi bớt khó khăn trong cuộc sống và tin tưởng vào Đảng, Nhà nước.

Đến nay, Bà Rịa - Vũng Tàu có 372 CBCCVC là người DTTS, chiếm tỷ lệ 1,55% số CBCCVC toàn tỉnh. Tỉnh có 1 đại biểu quốc hội; 36 đại biểu HĐND cấp huyện, xã; 11 người là quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng là người đồng bào DTTS.
Về công tác tuyển dụng, từ năm 2019 đến 30/6/2024, toàn tỉnh đã tuyển dụng được 44 CBCCVC là người DTTS.

Theo Ban Dân tộc tỉnh, nếu những thế hệ đồng bào lớn tuổi chủ yếu sống bằng nghề nông như trồng tiêu, làm rẫy, chăn nuôi, thì các thế hệ sau đã phấn đấu học tập, rèn luyện để có tương lai rộng mở hơn. Nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học đã trở về xây dựng quê hương, đóng góp tích cực cho sự phát triển của địa phương.

Song song đó, Bà Rịa- Vũng Tàu cũng thực hiện tốt chính sách cán bộ là người DTTS, bố trí, sử dụng cán bộ bảo đảm tỷ lệ cán bộ tham gia hệ thống chính trị các cấp. Qua đó, tạo điều kiện cho người đồng bào DTTS rèn luyện, đóng góp vì sự phát triển chung của tỉnh nhà.

Bài, ảnh: THI PHONG

.
.
.