.

Hội chứng Pica và tính hung hăng ở trẻ nhỏ

Cập nhật: 15:54, 23/08/2024 (GMT+7)

Trong cuộc sống, hẳn không ít lần chúng ta nhìn thấy những đứa trẻ, hầu hết từ 1 tuổi đến 3 tuổi, ăn các thứ như đất cát, giấy báo, tóc, phấn, đồ chơi bằng gỗ, nhựa… Đó là biểu hiện của sự rối loạn ăn uống mà y học gọi là Hội chứng Pica. Nếu hiện tượng này kéo dài, nó có thể dẫn đến các bệnh lý về tiêu hóa, chậm phát triển, rối loạn tâm sinh lý, ngộ độc các hóa chất có trong những thứ mà trẻ ăn vào.

Trẻ ăn đồ chơi là một trong những biểu hiện của hội chứng Pica.
Trẻ ăn đồ chơi là một trong những biểu hiện của hội chứng Pica.

1. Nguyên nhân gây ra hội chứng Pica: Trẻ thường xuyên được cho ăn tinh bột (cơm, cháo), ít rau củ quả, thịt, cá, gan, trứng…, dẫn đến sự thiếu hụt các khoáng chất như kẽm, sắt, trẻ bị nhiễm giun móc, bị bệnh Celiac do không dung nạp được gluten (có trong các loại thực phẩm làm từ lúa mì, lúa mạch như bánh mì, bánh quy, mì sợi, nui…), trẻ gặp phải các vấn đề về sức khoẻ tâm thần, bị tổn thương não, bị cha mẹ bỏ bê nên muốn được chú ý…

Vì thế, nếu trẻ ở trong độ tuổi nêu trên thường xuyên ăn những thứ không phải là thức ăn, kéo dài từ 1 tháng trở lên thì phụ huynh nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để có hướng điều trị thích hợp. Vì đến nay vẫn chưa có một xét nghiệm cụ thể nào để chẩn đoán chính xác bệnh Pica nên khi đưa trẻ đến bác sĩ, phụ huynh cần nói rõ về những thứ trẻ thường hay ăn, chẳng hạn như trẻ nhai rồi nuốt hay chỉ nhai mà không nuốt, thời gian bắt đầu xuất hiện hành vi này, trẻ chỉ ăn đồ vật vào những thời điểm nhất định hay lúc nào cũng có thể ăn. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần phân biệt trẻ ăn đồ vật là do quá trình mọc răng, lợi răng của trẻ bị kích thích, ngứa nên theo phản xạ, trẻ nhai đồ vật nhằm làm giảm bớt cơn ngứa nhưng hiện tượng này không kéo dài lâu vì khi mầm răng bắt đầu nhú ra khỏi lợi, trẻ sẽ thôi ăn đồ vật.

Tác hại của hội chứng Pica: Trẻ nhiễm độc chì nếu thường xuyên ăn giấy báo, nhiễm hóa chất có trong các loại đồ chơi màu sắc sặc sỡ dẫn đến các bệnh về thận, tim mạch và thần kinh, táo bón, nhiễm giun sán, suy dinh dưỡng, rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng.

Điều trị hội chứng Pica: Ngoài việc bổ sung khoáng chất và vitamin, bác sĩ có thể cho trẻ dùng thêm một số các loại thuốc nếu hội chứng Pica là do sức khỏe tâm thần. Về phía phụ huynh, nên dành nhiều thời gian nói chuyện, chơi đùa với trẻ, cất những đồ vật không phải là thức ăn mà trẻ muốn ăn ngoài tầm với của trẻ. Không quát nạt, la mắng, trừng phạt khi thấy trẻ ăn đồ vật mà kiên nhẫn giải thích cho trẻ bằng những lời lẽ, cử chỉ tùy theo độ tuổi của trẻ. Chú ý đến chế độ ăn sao cho đủ chất và giàu dinh dưỡng.

2. Trẻ hung hăng: Thường xảy ra trong thời điểm từ 1 đến 3 tuổi, nhiều trẻ thích đánh, cào cấu hoặc cắn người khác. Những hành vi này có thể gây sốc cho các bậc phụ huynh và những người xung quanh nhưng nó lại là một trong quá trình phát triển của trẻ.

Khi trẻ bắt đầu làm quen với các kỹ năng như nói, đi, chạy, ra dấu… để biểu lộ ý muốn nhưng khả năng kiểm soát xung động của trẻ chưa phát triển, dẫn đến nhiều trẻ có những hành vi hung hăng bất thường. Vì thế các bậc phụ huynh cũng không nên quá lo lắng, hoang mang bởi lẽ theo thời gian và sự phát triển tư duy, tính hung hăng sẽ dần chấm dứt.

Tuy nhiên nếu trẻ đã trên 3 tuổi nhưng vẫn giữ thói quen đánh, cắn, cào cấu người khác mỗi khi không hài lòng, hoặc chẳng vì một nguyên nhân nào thì các bậc phụ huynh cần lưu tâm để sự hung hăng không trở thành thói quen, tính cách.

Trước hết, phụ huynh hoặc cô bảo mẫu cần giữ bình tĩnh, không la hét, quát mắng hoặc áp dụng hình phạt với trẻ ngay tức thì mà hãy im lặng nhìn trẻ bởi lẽ sự la hét, quát mắng sẽ kích thích cơn xung động tăng lên. Khi thấy những người xung quanh đều tập trung nhìn mình mà chẳng nói gì cả, phản ứng bản năng của trẻ sẽ khiến cơn xung động giảm dần. Chỉ can thiệp nếu thấy sự cào cấu, cắn xé có thể gây thương tích cho người khác bằng cách giữ trẻ ở yên một chỗ dù trẻ có thể vùng vẫy, la hét nhưng qua một vài lần như vậy, trẻ sẽ nhận ra rằng việc đánh, cắn, cào cấu là không được phép.

Với những trẻ lớn hơn, phụ huynh và các cô bảo mẫu hoặc thầy, cô giáo chưa nên giảng giải, lý luận với trẻ bởi trẻ sẽ rất khó tiếp thu mà nên dùng những thí dụ trực quan, sinh động. Thí dụ như trẻ muốn chơi cầu tuột nhưng khi lên cầu, đã có một trẻ khác lên trước. Khi ấy, nếu trẻ biểu lộ thái độ hung hăng, muốn đuổi trẻ kia đi thì phụ huynh, bảo mẫu hoặc thầy cô gọi thêm một vài trẻ lên sau. Tiếp theo, phụ huynh, bảo mẫu hoặc thầy cô cho trẻ lên trước tuột xuống trước. Vài lần như vậy, trẻ sẽ hình thành nhận thức ai lên trước chơi trước, ai lên sau chơi sau rồi dần dà, trẻ sẽ bỏ được tính hung hăng.

Một yếu tố nữa cũng không kém phần quan trọng: Đó là lời nói, hành vi của các bậc phụ huynh có ảnh hưởng rất lớn về phương diện phát triển tâm thần ở trẻ. Nếu trẻ thường xuyên chứng kiến cảnh cha mẹ la hét, cãi cọ hoặc gây gỗ, thậm chí đánh nhau với láng giềng thì ở trường, trẻ dễ hình thành thói quen la hét, đánh nhau với bạn trong lớp hoặc trẻ con hàng xóm. Hạn chế đến mức tối đa việc cho trẻ tiếp xúc những trò chơi bạo lực trên điện thoại, máy tính bảng, dù chỉ là trò chơi hoạt hình vì bản năng của trẻ sẽ nhận ra rằng kẻ nào đánh được nhiều người, nhiều loài thú vật là thắng. Lâu dài, bản năng ấy sẽ hình thành tính cách của trẻ.

Trường hợp nếu đã áp dụng nhiều cách mà trẻ vẫn không bỏ được tính hung hăng thì phụ huynh nên đưa trẻ đến bác sĩ tâm lý. Cần biết rằng đầu óc của trẻ 1 đến 3 tuổi như tờ giấy trắng, phụ huynh, cô bảo mẫu dạy điều gì thì nó sẽ in sâu vào tư duy của trẻ nên mỗi khi dạy trẻ, cần cân nhắc nên dạy như thế nào, bằng phương pháp nào, thời điểm nào...

LÊ DUY (Bác sĩ CK I Tâm thần)

.
.
.