.

'Biệt đội' dọn rác từ đáy biển Côn Đảo

Cập nhật: 15:56, 23/08/2024 (GMT+7)

Thu gom, vận chuyển rác ở đất liền đã vất vả, gom rác mắc kẹt dưới lòng đại dương, từ các hòn đảo nhỏ đưa vào đảo trung tâm để xử lý càng gian nan gấp nhiều lần. Câu chuyện của những công nhân, thợ lặn dầm mình giữa biển khơi hàng tháng trời để thu gom rác, làm sạch đại dương cho Côn Đảo đã chạm tới trái tim của những người yêu biển, góp phần lan tỏa mạnh mẽ thông điệp về bảo vệ môi trường. 

Những chiếc tàu gom đầy rác trên các bãi, bờ từ đảo nhỏ đưa về đảo trung tâm.
Những chiếc tàu gom đầy rác trên các bãi, bờ từ đảo nhỏ đưa về đảo trung tâm.

Cõng rác, đẩy bè

6h30 phút, hơn 40 công nhân Công ty CP Nhà sạch-đơn vị thực hiện dự án “Thu gom, xử lý rác nhựa biển VQG Côn Đảo năm 2024 và năm 2025 thuộc đề án nghiên cứu, ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn huyện Côn Đảo-rời khỏi khách sạn, từ đảo trung tâm di chuyển đến bến cảng lên cano ra các đảo nhỏ. 90 phút sau, cano cập vịnh Đầm Tre-vịnh xa nhất trong các hòn đảo nhỏ ở Côn Đảo, công nhân vẫn phải lội bộ gần 1km nữa mới tới được các bãi trên vịnh.

Rác tràn dưới bãi biển, rác tích tụ trên những gành đá, rác mắc kẹt trên những cành cây, rác quấn chặt lấy cả những thân đước, rác chui lọt qua những khe nhỏ… Không thể dùng cào, hốt rác như ở các bãi biển ở đất liền, công nhân phải dùng dao, rựa, liềm, kéo, thậm chí phải mang theo cả cưa để cưa những đoạn dây thừng to như bắp tay quấn chặt trên những cành cây trong rừng ngập mặn.

Công nhân cõng rác lên phao để di chuyển ra tàu lớn.
Công nhân cõng rác lên phao để di chuyển ra tàu lớn.

Chân lội bì bõm dưới nước, vừa cầm dao, rựa vừa mang theo túi lưới, rác gom được tới đâu được công nhân bỏ vào túi tới đó. Rác sau khi thu gom được chia làm 3 loại. Theo đó, các vật dụng còn khả năng sử dụng như sọt nhựa, lưới mới, phao còn lành lặn… sẽ được tặng lại cho ngư dân. Các loại rác có khả năng tái chế để một bao riêng, bán cho các cơ sở thu gom rác tái chế. Các loại rác khác được chuyển về Bãi Nhát xử lý đúng quy trình.

Cuối giờ chiều, khi những bao rác đã đầy, công nhân cõng rác từ các bãi đá, rừng ngập mặn ra điểm tập kết chuẩn bị cho một chặng di chuyển tiếp theo. Theo chị Phạm Thị Hảo, Giám đốc Công ty CP Nhà Sạch, sau khi trực tiếp cùng công nhân thu gom rác ở Côn Đảo, chị nhận thấy hầu hết các hòn nhỏ ở Côn Đảo thuyền không vào được sát bờ. “Vì vậy, chúng tôi phải kết những can nhựa thành bè để trung chuyển rác sau khi thu gom từ các bãi ra tàu lớn. Từ tàu lại vận chuyển rác về đảo trung tâm. Vì vậy, công việc thu gom và vận chuyển rác đại dương vất vả hơn gấp nhiều lần so với ở đất liền”, chị Hảo nói.

Thợ lặn thu gom rác dưới các rạn san hô ở Côn Đảo.
Thợ lặn thu gom rác dưới các rạn san hô ở Côn Đảo.

Khi những hòn đảo nhỏ này đã được thu gom sạch rác, công nhân lại di chuyển đến những hòn đảo khác để tiếp tục công việc.

Buổi sáng trời còn nắng ráo, nhưng chiều về, Hòn Bà đã đón một trận mưa dông tầm tã. Công nhân Công ty CP Nhà Sạch vẫn dầm mưa, cõng rác, đẩy bè để vận chuyển thành công những chuyến tàu chở rác vào bờ.

Chị Trần Thị Liễu, công nhân Công ty CP Nhà Sạch kể, sau hơn 1 tháng tham gia thu gom rác ở Hòn Bảy Cạnh, Hòn Cau, Hòn Bà, Vịnh Đầm Tre… chị không thể tưởng tượng có một lượng rác đại dương khổng lồ như vậy trên các vùng đảo nhỏ của Côn Đảo. Rác đủ các loại từ túi ni lông, hộp xốp, lon bia, vỏ chai nước ngọt, ngư lưới cụ…  Theo chị Liễu, điều kiện thu gom rác ở các hòn, vịnh không chỉ vất vả mà còn nguy hiểm. “Nếu không có kinh nghiệm, thiếu cẩn trọng rất dễ bị thương. Ngoài ra, việc thu gom còn phụ thuộc vào thủy triều và con nước nên hiệu quả công việc đôi khi sẽ không tính toán trước được”, chị Liễu nói.

Theo thống kê của Ban quản lý VQG Côn Đảo, huyện Côn Đảo hiện có khoảng 1.200ha rạn san hô, với hơn 350 loài san hô, nhiều nhất ở Việt Nam. Tổng diện tích các rạn san hô có rác tích tụ khoảng 600ha; diện tích bãi biển, rừng ngập mặn hứng chịu rác thải đại dương hơn 17ha. Dự án “Thu gom, xử lý rác nhựa biển VQG Côn Đảo năm 2024 và năm 2025” nhằm bảo vệ môi trường sống cho các loài động thực vật, sinh vật biển, bảo tồn đa dạng sinh học, phục vụ phát triển kinh tế tuần hoàn, xã hội bền vững ở huyện Côn Đảo.
Tính đến ngày 21/8, đã có hơn 10 tấn rác dưới lòng đại dương và khoảng 900 khối rác từ các bãi, bờ đã được thu gom, vận chuyển vào đảo trung tâm để xử lý.

Lặn biển gom rác cứu san hô

Ngoài việc thu gom rác trên các bờ, bãi ở các hòn đảo nhỏ, lặn xuống đáy đại dương để gom rác mắc kẹt trong các rạn san hô cũng là một phần việc của dự án “Thu gom, xử lý rác nhựa biển VQG Côn Đảo năm 2024 và năm 2025 thuộc đề án nghiên cứu, ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn huyện Côn Đảo”.

Anh Nguyễn Nhật Tiến, Kỹ sư trưởng dự án cho biết, việc thu gom rác thải tích tụ tại các rạn san hô, rừng ngập mặn ở Hòn Bảy Cạnh, Hòn Cau, Hòn Bà… được thực hiện hơn 1 tháng qua. Trong điều kiện biển động, dòng chảy mạnh, các đội thợ lặn 8-10 người phải xuống khu vực sâu khoảng 20m, nhặt bao bì, cọc phao, dây thừng, lon bia, dùng kéo cắt lưới sử dụng trong đánh bắt hải sản bị vùi lấp, cuốn vào các rạn san hô, thảm thực vật ở đáy biển.

Hàng trăm khối rác được thu gom.
Hàng trăm khối rác được thu gom.

Theo anh Tiến, để rác dưới rạn san hô, đội thợ lặn phải dùng camera xuống biển để khảo sát. Sau khi xác định các rạn san hô có nhiều rác kẹt ở dưới, thợ lặn xuống gỡ ra và đưa lên ghe, tàu, rồi chở về đảo lớn Côn Sơn. Anh Tiến khẳng định, thu gom rác dưới đáy biển là việc không hề dễ dàng, không phải ai cũng có thể làm được bởi liên quan đến yếu tố an toàn. Do đó, những người tham gia dự án ở phần việc dưới đáy đại dương đều phải là thợ lặn, có chứng chỉ hành nghề, đồng thời phải có kiến thức, kỹ năng cần thiết về lặn biển, thu gom rác và bảo vệ san hô để không ảnh hưởng đến hệ sinh thái của biển.

Anh Trần Văn Quân, một thợ lặn tham gia dự án cho biết, lượng rác ở các rạn san hô nhiều và khó gỡ nhất là lưới cước. Những tấm lưới lớn trùm lên san hô lâu ngày khiến san hô bị quấn chặt, thiếu điều kiện phát triển nên dễ bị chết. “Vì vậy việc gom rác dưới lòng đại dương không chỉ đòi hỏi thợ lặn phải có kỹ năng nhận biết các mối nguy hại dưới đáy đại dương, kỹ năng giữ thăng bằng dưới nước, kỹ năng điều áp dưới nước mà khi cắt lưới phải nhẹ nhàng tránh tình trạng làm đứt, gãy san hô”, anh Quân cho hay.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

 
.
.
.