.

Thoái hóa đốt sống cổ làm suy giảm chức năng vận động

Cập nhật: 17:11, 02/02/2024 (GMT+7)

Thoái hóa đốt sống là một trong những loại bệnh phổ biến, có khả năng chuyển thành mạn tính, dẫn đến tình trạng cứng khớp khiến chức năng vận động của người bệnh suy giảm.

Với người trên 65 tuổi, thoái hóa đốt cổ sống thường biểu hiện bằng cơn đau vùng gáy.
Với người trên 65 tuổi, thoái hóa đốt cổ sống thường biểu hiện bằng cơn đau vùng gáy.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thoái hóa đốt sống cổ (THĐSC): Theo thời gian, sụn và xương sống mòn dần, ảnh hưởng đến các khớp và đĩa đệm ở cột sống cổ. THĐSC cũng có thể do sự phát triển quá mức của xương nhằm giúp cột sống chắc khỏe hơn. Tuy nhiên việc phát triển quá mức sẽ chèn ép tủy sống và dây thần kinh, dẫn đến đau nhức vùng cổ.

THĐSC do đĩa đệm cột sống bị mất nước: Nằm giữa các xương cột sống, đĩa đệm có vai trò hấp thu lực, giảm sốc khi ta nâng, vác vật nặng hoặc xoay, vặn người cùng các hoạt động khác. Lớp nhân đĩa đệm có cấu tạo giống như chất nhầy nên theo thời gian, tuổi tác, nó bị mất nước. Điều đó khiến các đốt xương cọ xát vào nhau gây đau. THĐSC cũng có thể do đĩa đệm cột sống bị rách, nứt, lớp nhân bên trong bị rò rỉ, đè lên tủy sống và dây thần kinh dẫn đến hiện tượng đau, mỏi, tê, thường thấy khi đưa ngược cánh tay ra sau lưng.

THĐSC do chấn thương: Tất cả các chấn thương ở cổ đều có thể đẩy nhanh quá trình lão hóa, tổn thương đĩa đệm và gây thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ. Bên cạnh đó, dây chằng có vai trò kết nối các xương cột sống với nhau, giúp chúng ta linh hoạt trong các hoạt động hàng ngày. Tuy nhiên theo thời gian, các dây chằng bị lão hóa, không còn mềm dẻo như ban đầu, ảnh hưởng đến các vận động của cột sống cổ.

THĐSC do tính đặc thù của nghề nghiệp: Một số nghề nghiệp hoặc các vận động lặp đi lặp lại liên quan đến đốt sống cổ như nghề xây dựng, điều khiển một số máy móc, khuân vác, tập gym, cử tạ… có thể gây áp lực lên cột sống dẫn đến sự hao mòn sớm rồi sau đó là THĐSC. Ngoài những yếu tố trên, THĐSC còn do di truyền, do nghiện thuốc lá, thừa cân, béo phì, ít vận động thân thể.

Ban đầu, hầu hết những người bị THĐSC đều không có triệu chứng đáng kể nên thường bị bỏ qua. Người bệnh chỉ nhận biết khi thấy đau xung quanh xương bả vai, đau dọc theo cánh tay và các ngón tay. Cơn đau có thể tăng lên khi đứng, ngồi, hắt hơi, ho khan hoặc ngửa cổ về phía sau, có tiếng kêu “lắc cắc” khi xoay cổ về bên phải hay bên trái. Nếu đã bị nặng, người bệnh khó nhấc cánh tay hoặc cầm nắm đồ vật một cách chắc chắn, cổ bị cứng, đau phía sau đầu do đĩa đệm bị chèn ép khiến lượng máu lưu thông lên não kém ổn định, thậm chí là thiếu hụt nên người bệnh chóng mặt, buồn nôn, thậm chí còn có thể rối loạn tiểu tiện, bại liệt.

Khi có những dấu hiệu nghi ngờ bị THĐSC, nhất là với những người từ 65 tuổi trở lên thì nên đến các cơ sở y tế để thăm khám, làm các xét nghiệm như chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp (CT Scaner) và đo điện cơ nhằm đánh giá trình trạng của xương cột sống. Tùy theo bệnh lý nặng, nhẹ, bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp điều trị bằng thuốc cùng các bài tập vật lý trị liệu, hoặc cũng có thể mổ để giải phóng áp lực chèn ép tủy sống.

Bệnh không thể điều trị khỏi hoàn toàn nên vì thế, việc phòng ngừa chỉ nhằm mục đích kéo dài thời gian gây lão hóa bằng các biện pháp sinh hoạt hợp lý, tập thể dục, thể thao thường xuyên, giảm cân nếu béo phì, bổ sung các thực phẩm giàu vitamin C, D, E, K, Beta Carotene…, có nhiều trong rau củ quả và các loại ngũ cốc, chất béo không bão hòa Omega 3 có trong cá, hạn chế hoặc bỏ hẳn rượu, bia, thuốc lá, không cố mang vác vật nặng quá sức, không đột ngột ngồi bật dậy khi đang nằm. Chọn những môn thể dục, thể thao vừa sức mình, tốt nhất là đi bộ hoặc bơi lội. Các khảo sát cho thấy một người 60 tuổi nếu mỗi ngày đều bơi từ 600m trở lên (có thể chia làm nhiều đoạn chứ không nhất thiết phải bơi một mạch) thì nguy cơ THĐSC sẽ giảm từ 10 đến 30% cho những năm tiếp theo.

Bs TRẦN NGỌC VINH

.
.
.