.

Yêu nhau như thế...

Cập nhật: 16:36, 02/02/2024 (GMT+7)

Trong Truyện Kiều có câu: “Yêu nhau như thế bằng lời phụ nhau”. Bởi vì yêu, vì thương nên chuyện mình làm không ngoài mục đích đem lại sự tốt đẹp cho “nửa kia”. Vì nghĩ như thế nên người ta cứ làm theo ý muốn chủ quan, chứ không thèm hỏi ý kiến. Mà hỏi làm gì cơ chứ, bởi nếu hỏi, biết đâu không được sự đồng thuận thì đâm ra “rách việc”, lại ý kiến ý cò lằng nhằng mất hết cảm hứng, chi bằng cứ lẳng lặng thực hiện vẫn tốt nhất. Có như thế mới tạo ra sự bất ngờ khiến “nửa kia” phải cảm động đến phát khóc (!?).

Minh họa: MINH SƠN
Minh họa: MINH SƠN

Tâm lý này không phải là khác biệt của riêng ai, mà có thể nói hết sức phổ biến chung cho nhiều phụ nữ có tâm lý thương chồng, yêu chồng. Có câu chuyện ngẫm ra thật tức cười, rằng tình cờ vào một ngày đẹp trời, cô X. gặp lại bạn học cũ nay đã là giám đốc của một bệnh viện lớn. Trong câu chuyện hàn huyên tâm sự, tất nhiên cô không thể quên hỏi bạn về một điều rất quan trọng: sức khỏe của chồng.

Sau khi nghe cô trình bày về chiều cao, cân nặng, sở thích ăn uống v.v... của chồng, với kinh nghiệm trình độ của một bác sĩ chuyên khoa, lời khuyên đưa ra, đại khái chồng của cô cần hạn chế thịt mỡ, không được rượu bia... Nghe những lời khuyên này, vì sức khỏe của chồng, cô áp dụng chế độ ăn uống hết sức nghiêm ngặt.

Thế là từ đó, dù thèm thịt mỡ như “mèo thấy mỡ” nhưng anh chồng vẫn không có cơ hội tìm thấy trong bữa cơm gia đình. Đã thế, vào dịp năm hết Tết đến có quá nhiều cuộc liên hoan, bia bọt những tưởng dù đi chung nhau nhưng vì ngày Tết thì cô vợ cũng “nới lỏng” quy định chăng? Xem kia, khi ngồi vào bàn tiệc, thấy món thịt heo kho tàu màu mỡ ngon đến “nhức nách”, anh chồng khẽ khàng cầm đũa gắp lên một miếng rõ to, bỗng đâu nghe cô vợ thì thầm bên tai: “Anh có nhớ lời bác sĩ đã dặn không?”. Thế thì phải làm sao? Theo tôi, ấy là lúc người chồng chỉ có thể ngồi buồn xo mà… tự an ủi bằng ca khúc trữ tình: “Thôi thế từ nay như lá vàng bay, tình lỡ rồi…”. Có ai hiểu được nỗi lòng này không nhỉ?

Đành rằng, hạn chế thế này thế kia trong ăn uống cũng tốt thôi nhưng nếu không có sự đồng thuận thì cũng rắc rối lắm đây. Tuy nhiên khi đưa ra “chiêu bài”: vì sức khỏe thì nhiều người cũng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”, chứ còn biết cãi lại làm sao? Không chỉ trong chuyện ăn uống, người ta còn có thể áp dụng trong nhiều trường hợp khác thuộc về “gu” thẩm mỹ nữa.

Thật đấy. Cô bạn tôi vốn là nhà giáo, mỗi dịp xuất hiện trước đám đông thường thích mặc áo dài nền nã, kín đáo. Chuyện này cũng hết sức bình thường, thậm chí còn đáng hoan nghênh nữa là khác. Mọi việc trở nên không có gì đáng nói, nếu người chồng cũng nhìn nhận như vậy. Do anh ấy là người kinh doanh có nhiều mối quan hệ rộng nên thường tiệc tùng, những lúc “quan trên trông xuống người ta trông vào”, anh cũng muốn một nửa đi theo biểu hiện của sự thành đạt “trong ấm ngoài êm”, tức là mình thành công ngoài xã hội nhưng đời sống gia đình vẫn “chồng đâu vợ đó”, cực kỳ hạnh phúc.

Được chồng dẫn đi theo ở những nơi có quan hệ làm ăn đối tác, bao giờ người vợ cũng cảm thấy hãnh diện và sung sướng. Thế nhưng đối với chị bạn tôi những lúc ấy là cực hình. Cô không quen với váy ngắn cũn cỡn, mà mình đâu còn trẻ nữa, lại trang điểm son phấn “hơi bị” dày khiến không có cảm giác tự nhiên. Ở chỗ đông người, cô trở nên lúng túng từ trang phục đến diện mạo của mình, mọi cử chỉ không khác gì… ma-nơ-canh. Dù đã nhiều lần phân trần, trình bày nhưng người chồng vẫn không đồng thuận, thế thì sau đó việc gì xảy ra nhỉ? Một tất yếu mà ai cũng có thể đoán ra, đó là của vợ tìm cách từ chối tham dự tiệc tùng với hàng chục “lý tro lý trấu”. Vậy hóa ra từ chuyện lẽ ra cực kỳ vui vẻ lại trở nên cực hình đối với “nửa kia”.

Trong đời sống vợ chồng, dù bất kỳ việc làm gì cũng xuất phát từ yêu thương, quan tâm lẫn nhau nhưng không thể lẳng lặng làm theo suy nghĩ chủ quan. Khi bàn đến vấn đề này, tôi có tiếc cho trường hợp của anh bạn chí cốt: vốn là một công nhân bình thường, vui sống với nghề nên thu nhập ổn định.

Sự việc thay đổi vào một ngày kia, do tư vấn của bạn bè nên cô vợ quyết tâm đổi đời bằng nghề kinh doanh bất động sản, nói một cách nôm na dễ hiểu là môi giới đất đai để ăn tiền hoa hồng. Với nghề này cần phải có hình thức bên ngoài. Thế là cô vợ tỉ tê buộc anh bỏ nghề để bắt đầu chưng diện, thay đổi hình thức bên ngoài... Dù ban đầu không chịu nhưng rồi vì kinh tế gia đình anh đồng ý. Mọi việc suôn sẻ thì tốt quá nhưng làm sao có thể tốt khi anh chồng không thích cái nghề này với diện mạo bề ngoài không phù hợp với mình?

Ngẫm ra câu “Thương nhau như thế bằng mười phụ nhau” lại càng khiến cho chúng ta phải suy nghĩ một cách nghiêm túc.

LÊ MINH QUỐC

.
.
.