.

Rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì

Cập nhật: 18:11, 17/11/2023 (GMT+7)

Hỏi: Thưa bác sĩ, cháu 21 tuổi, chưa lập gia đình, cháu có kinh lần đầu năm 18 tuổi nhưng từ đó đến nay kinh nguyệt rất thất thường, có khi 21 ngày và cũng có khi 50 ngày mới thấy xuất hiện. Vậy xin hỏi bác sĩ đó có phải là bệnh không và cháu nên làm gì để trở lại bình thường.

(Nguyễn Thị Hoài, TP.Vũng Tàu)

Trả lời: Chu kỳ kinh nguyệt của người bình thường là 28 ngày. Tuy nhiên với nhiều chị em, nó chỉ là 24 ngày hoặc dài đến 38 ngày nhưng không bị xem là rối loạn nếu hiện tượng ấy diễn ra đều đặn, nghĩa là tháng nào cũng xuất hiện kinh nguyệt sau 24 hoặc 25 ngày, hoặc 36 đến 38 ngày kể từ lần có kinh trước đó. Thời gian hành kinh ở mỗi người mỗi khác nhau nhưng trung bình là từ 3 đến 5 ngày. Lượng máu mất đi trong mỗi kỳ kinh khoảng 50 hoặc 150ml.

Nếu chu kỳ kinh nguyện không theo những quy luật nêu trên, có thể bạn đã gặp phải chứng rối loạn kinh nguyệt, biểu hiện bằng số ngày hành kinh không ổn định, ít hơn 2 ngày hoặc dài hơn 8 ngày, lượng máu thoát ra nhiều (300ml trở lên, Y học gọi là rong kinh) hoặc ít hơn (dưới 20ml) so với các chu kỳ thông thường, hoặc 2, 3 tháng mới có kinh 1 lần.

Rối loạn kinh nguyệt có thể gây ra bởi mất cân bằng nội tiết tố (hormone) trong cơ thể, viêm nhiễm cổ tử cung hoặc tử cung, u xơ tử cung, tác dụng phụ khi đặt vòng  tránh thai, suy tuyến giáp, tác dụng phụ của thuốc ngừa thai. Đôi khi nó còn có thể gây ra bởi những cú sốc tâm lý, chẳng hạn như người thân yêu đột ngột qua đời, thi rớt, bị phản bội, lừa gạt trong tình cảm, gặp phải những thất bại trong công việc nhưng sốc tâm lý thường không kéo dài rối loạn kinh nguyệt, mà chỉ một vài tháng nếu tâm lý ổn định, kinh nguyệt sẽ trở lại bình thường.

Rối loạn kinh nguyệt nếu diễn ra thường xuyên và kéo dài có thể dẫn đến nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến sức khỏe, chẳng hạn như ra nhiều máu sẽ khiến cơ thể thiếu máu, da xanh xao, mệt mỏi, chóng mặt, thở gấp, loạn nhịp tim…. Đồng thời, rối loạn kinh nguyệt làm tăng nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa nếu quan hệ tình dục trong những ngày có kinh, khó có thai khi lập gia đình vì không xác định được khoảng thời gian rụng trứng, ảnh hưởng đến đời sống tình dục, khiến làn da kém mịn màng, tâm trạng dễ bực bội, cáu gắt…

Vì vậy, cháu nên đến các cơ sở y tế có chuyên khoa sản phụ để thăm khám, làm các xét nghiệm nhằm xác định nguyên nhân gây ra rối loạn kinh nguyệt. Từ đó bác sĩ sẽ có hướng điều trị.

Với các bậc cha mẹ có con gái ở tuổi dậy thì, nên có sự quan tâm đến vấn đề kinh nguyệt của con. Nếu thấy con có dấu hiệu rối loạn kinh nguyệt kéo dài liên tục từ 3 tháng trở lên kèm theo đau bụng, buồn nôn hoặc nôn thì cần đưa con đi thăm khám. Hướng dẫn con cách giữ gìn vệ sinh trong những ngày có kinh, hạn chế tối đa việc ngâm mình trong nước bẩn như nước ao hồ (nếu nhà nuôi cá hoặc làm những công việc có liên quan đến thủy hải sản) hoặc nước ruộng (nếu làm nông) để tránh nhiễm trùng cơ quan sinh dục. Cha mẹ cần giải thích cho con hiểu đúng và đầy đủ về kinh nguyệt, để con không lo lắng, bất an.

Bs NGUYỄN PHƯƠNG MAI

(Phòng khám đa khoa Mai Phương, TP.HCM)

 

.
.
.