Khơi dậy hứng thú viết văn cho trẻ
Từ đầu tháng 10/2023, Trường TH Đoàn Kết phát động thực hiện chuyên đề “Không sử dụng văn mẫu trong dạy học Tập làm văn ở TH”. Đây là một trong những chuyên đề nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục.
HS lớp 4D trong tiết Tập làm văn: Lập dàn ý cho bài văn thuật lại một sự việc. |
“Không sử dụng văn mẫu” thực sự là một yêu cầu không đơn giản. Bởi cho con em mình sử dụng văn mẫu lâu nay đã trở thành thói quen ăn sâu vào tiềm thức của phụ huynh. Đầu năm học, mỗi bộ sách giáo khoa mua cho con bao giờ cũng “đính kèm” thêm cuốn sách tham khảo mang những cái tên cuốn hút “Những bài văn hay”, “Những bài văn mẫu…”; “200 bài văn hay”… dày cộp. HS cứ đến tiết Tập làm văn là lại cắm cúi viết lia lịa, bởi các em chỉ cần học thuộc lòng bài viết trong những cuốn “cẩm nang” này. Sản phẩm tạo ra là những bài văn na ná nhau, những câu văn sáo rỗng, giáo điều, vô nghĩa, không cảm xúc mà chúng ta có thể bắt gặp ở trang văn mẫu nào.
Đã đến lúc thầy cô phải thay đổi, HS phải thay đổi và phụ huynh cũng phải thay đổi. Chúng tôi không chờ đợi những bài văn hoàn hảo với câu văn bóng bẩy hay những đoạn văn dài trau chuốt, bay bướm. Chúng tôi chờ đợi sự chân thực, cảm xúc tự nhiên, trong trẻo của các em. Đó có thể là những câu văn còn ngô nghê, những đoạn văn còn lộn xộn, những bài văn còn thiếu sót rất nhiều. Nhưng đó chính là suy nghĩ, là cảm nhận của chính các em. Dẫu cho trong tiết học, các em còn ấp a ấp úng, diễn đạt còn vụng về, dùng từ có thể chưa hay nhưng đó là sản phẩm của chính các em chứ không phải thứ sản phẩm vay mượn.
Không dừng lại ở chuyên đề, Trường TH Đoàn Kết đã đổi mới cả trong tổ chức Hội thi GV giỏi cấp trường. Giám khảo dự giờ chỉ báo trước 15 phút cho GV tham gia thi. Những tiết dạy như thường ngày vẫn vậy. Cô trò làm việc nhịp nhàng, thoải mái và đầy hiệu quả. HS chưa được “tập duyệt” trước nên trong giờ học rất tập trung chú ý và tương tác với cô, với bạn hết sức tự nhiên. GV cũng không lo HS trả lời sai ý mình đã dặn dò trước mà thoải mái xử lý tình huống. Qua những tiết học như vậy, Ban Giám khảo cũng dễ dàng phát hiện ra ai là người biết cách xử lý tình huống trên lớp một cách tinh tế, uyển chuyển. Hay người tay nghề còn non để kịp thời dìu dắt, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ…
Vui thật nhưng cũng lo thật! Không ai có thể dễ dàng bỏ đi những gì đã ăn sâu vào thói quen trong một thời gian dài. Những bài văn dài, đủ ý, diễn đạt trôi chảy với những điểm 9, điểm 10 đỏ chói khiến HS vui sướng, thầy cô hài lòng, ba mẹ hãnh diện giờ sẽ thay bằng những bài văn ngắn ngủn, câu chữ ngô nghê trên trang giấy… Rồi điểm thi sẽ thế nào đây!? Chúng tôi biết, rồi đây mình sẽ phải đối mặt với sự thật phũ phàng ấy! Nhưng chúng tôi tự tin, và cũng tin ở sự thích thú của HS trong các giờ học sôi nổi khi được nói lên cảm nhận, suy nghĩ của chính mình, tin vào sự cảm thông và ủng hộ của phụ huynh, tin ở sự đồng tình của lãnh đạo các cấp. Đó là sự thay đổi khó khăn nhưng vô cùng cần thiết và đặc biệt ý nghĩa.
THỤY AN
(Trường TH Đoàn Kết, TP.Vũng Tàu)