.

Đái tháo đường: Nhiều biến chứng nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa

Cập nhật: 19:25, 19/11/2023 (GMT+7)

Đái tháo đường (ĐTĐ) trở thành bệnh mạn tính không lây nhiễm phổ biến khi Việt Nam có khoảng 7 triệu người mắc. Bệnh này dễ gây các biến chứng nguy hiểm, mất nhiều thời gian điều trị. Tuy nhiên, nếu bệnh được phát hiện sớm và kiểm soát tốt có thể phòng ngừa được những biến chứng.

Bệnh nhân N.V.D., ở xã Long Sơn (TP.Vũng Tàu) phải thường xuyên đến Bệnh viện Mắt tỉnh để khám và lấy thuốc điều trị bệnh phù hoàng điểm do ĐTĐ gây ra.
Bệnh nhân N.V.D., ở xã Long Sơn (TP.Vũng Tàu) phải thường xuyên đến Bệnh viện Mắt tỉnh để khám và lấy thuốc điều trị bệnh phù hoàng điểm do ĐTĐ gây ra.

Hàng loạt biến chứng

Anh N.V.D., (xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu) mới 53 tuổi, nhưng anh bị ĐTĐ hơn 10 năm nay. Do phát hiện bệnh trễ, không được điều trị kịp thời nên 4 năm sau bệnh ĐTĐ gây biến chứng khiến 2 mắt của anh đều bị phù hoàng điểm dẫn đến nguy cơ mù lòa. Anh D. kể lại, khi mới bị phù hoàng điểm, anh bị xuất huyết mắt, thị lực yếu, không nhìn rõ. Khi muốn đi đâu, làm gì, anh phải nhờ người thân hỗ trợ. Sau một thời gian tuân thủ điều trị bệnh lý phù hoàng điểm và ĐTĐ đã giúp anh D. cải thiện thị lực đáng kể. Mắt phải đạt 4/10, mắt trái 3/10 nên anh tự đi lại và phục vụ bản thân. “Hồi còn trẻ, tôi cũng chủ quan về sức khỏe, không đi khám định kỳ để phát hiện và kiểm soát đường huyết. Bệnh ĐTĐ gây biến chứng nguy hiểm quá nên tôi vô cùng lo lắng. Hiện sức khỏe tôi suy giảm, vừa uống thuốc điều trị để kiểm soát đường huyết và phù hoàng điểm hàng ngày nên tôi không còn đi làm được nữa”, anh D. cho hay.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Mắt tỉnh, có khoảng 30% bệnh nhân ĐTĐ gây ra các biến chứng về bệnh lý dịch kính võng mạc đang được bệnh viện điều trị, quản lý và theo dõi. Nếu công tác này không được thực hiện sớm và tốt, bệnh ĐTĐ dễ gây mù lòa cho người bệnh và không thể chữa trị khỏi. Đơn cử, bệnh nhân H.T.T.N., (52 tuổi, TT.Long Hải, huyện Long Điền) bị mù con mắt bên trái do bệnh ĐTĐ gây ra. Theo người nhà, khi có dấu hiệu như mắt bị mờ và đau, người bệnh tự mua thuốc về nhà tự nhỏ và điều trị trong thời gian dài. Nhưng tình trạng bệnh không thuyên giảm thì mới đi khám ở bệnh viện. Tuy nhiên, người bệnh lại không tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ nên khiến mắt trái của chị N. bị mù vĩnh viễn.

Ngoài ra, ĐTĐ còn dễ gây ra biến chứng nhiễm trùng, mất rất nhiều thời gian điều trị cho người bệnh. Ông N.V.K., (82 tuổi, phường Phước Hòa, TX.Phú Mỹ) bị ĐTĐ khi khoảng 40 tuổi. 1 tháng trước, ông cắt móng chân quá sát, gây tổn thương ngón chân. Sau đó, ngón chân bị nhiễm trùng nhưng ông tự điều trị ở nhà. Hậu quả làm cho tình trạng nhiễm trùng trở nên nặng hơn, dẫn tới hoại tử ngón chân. Cách đây khoảng 2 tuần, ngón chân của ông tái nhiễm trùng, lan xuống 1/3 gan bàn chân, khiến ông K. không đi lại được nên phải nhập viện điều trị. Ở đây, ông điều trị bằng kháng sinh liều cao nên khu vực nhiễm trùng tạm ổn. Bệnh ĐTĐ còn khiến ông K. bị nhồi máu cơ tim và bệnh thận mãn tính. Đây cũng là những biến chứng điển hình của bệnh ĐTĐ.

Bệnh phòng ngừa được

Bác sĩ Nguyễn Vĩnh Trung, Phó Khoa Nội tim mạch –Lão học (Bệnh viện Bà Rịa) cho biết, bệnh ĐTĐ (hay còn gọi tiểu đường) là bệnh rối loạn chuyển hóa carbohydrate (glucid), protein (protid) và lipid. Bệnh này gắn liền với nguy cơ phát triển các bệnh lý thận, mắt, thần kinh, tim mạch và làm tăng nguy cơ tử vong. ĐTĐ phân thành 4 loại, gồm: ĐTĐ tupe 1 do miễn dịch của cơ thể, thiếu insulin. Loại này do bẩm sinh, thường gặp ở người trẻ, trẻ nhỏ và chưa có biện pháp phòng ngừa. ĐTĐ tupe 2 hay gặp ở người lớn trên 30 tuổi. Bệnh thường xuất hiện cùng một số bệnh khác như béo phì, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu. Ngoài ra, còn có ĐTĐ thai kỳ và các thể dạng đặc biệt khác.

“Người dân nên đi khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt khi có dấu hiệu ĐTĐ cần đến cơ sở y tế đạt chất lượng để được chẩn đoán và điều trị sớm, hạn chế biến chứng, nâng cao chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ”, bác sĩ Nguyễn Vĩnh Trung, Phó Khoa Nội tim mạch –Lão học (Bệnh viện Bà Rịa) khuyến cáo.

Các triệu chứng ĐTĐ ở giai đoạn đầu có thể không xuất hiện hoặc chỉ có một vài triệu chứng không rõ ràng. Khi bệnh xuất hiện các dấu hiệu như: Thường xuyên khát nước, uống nước nhiều, đi tiểu nhiều, mệt mỏi, giảm cân, dễ bị nhiễm trùng, vết thương lâu lành; giảm thị lực…thì người bệnh mới đi khám. Lúc này đã là giai đoạn phát triển của bệnh, nhưng trên thực tế, bệnh khởi phát từ 3-5 năm trước mà không biết. Bệnh ĐTĐ tiến triển dần theo thời gian. Nếu không được kiểm soát, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng cấp tính và mạn tính nguy hiểm. Trong đó có hôn mê nhiễm toan ceton; các bệnh nhiễm trùng; xơ vữa động mạch vành gây nhồi máu cơ tim, hội chứng mạch vành cấp, xơ vữa động mạch cảnh gây đột quỵ, xơ vữa động mạch ngoại vi gây tắc mạch, bệnh vong mạc, bệnh thận…Riêng ĐTĐ thai kỳ có thể gây sinh non, thai chết lưu, em bé bị thừa cân và có nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ.

Theo bác sĩ Trung, phần lớn bệnh nhân là ĐTĐ tupe 2, nên có thể phòng ngừa, điều trị và kiểm soát được nhằm hạn chế các biến chứng. Mỗi người dân cần tập thể dục thường xuyên, mỗi tuần ít nhất 5 ngày, ít nhất 30 phút/ngày; giảm lượng carbohydrate tinh chế, bao gồm đường và các loại thực phẩm ngọt; duy trì cân nặng hợp lý, giảm cân nếu bị thừa cân béo phì; không hút thuốc lá và hạn chế uống rượu bia; kiểm soát các bệnh lý nền như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu.

Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG

.
.
.