.
BÁC SĨ NGUYỄN TRƯỜNG SƠN

Cống hiến cho sự phát triển của y dược cổ truyền

Cập nhật: 18:53, 26/10/2023 (GMT+7)

Gần 30 năm qua, bác sĩ Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Khoa Y dược Cổ truyền (Bệnh viện Vũng Tàu) được rất nhiều bệnh nhân tin tưởng và nể trọng. Không chỉ là thầy thuốc có nhiều sáng kiến mang lại hiệu quả trong điều trị bệnh, ông còn tận tâm, gần gũi với bệnh nhân. Bác sĩ Nguyễn Trường Sơn vinh dự được tặng Giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông.

Bác sĩ Nguyễn Trường Sơn khám bệnh cho người dân.
Bác sĩ Nguyễn Trường Sơn khám bệnh cho người dân.

Hết lòng vì người bệnh

Sau nhiều năm làm việc và nghiên cứu, bác sĩ Sơn nhận thấy thoái hóa khớp gối trở thành bệnh lý mạn tính, gây tàn tật cho nhiều người. Nguyên nhân chủ yếu là do tuổi cao, chính khí suy giảm, phong hàn thấp xâm nhập gây nên bệnh. Các phương pháp điều trị không dùng thuốc có ưu thế ít tác dụng không mong muốn phù hợp với tính chất bệnh và hay tái phát ở người lớn tuổi. Sự phát triển của công nghệ như laser đang được ứng dụng ngày một nhiều và cho kết quả tốt trong điều trị một số bệnh. Vì thế, bác sĩ Sơn mạnh dạn đưa phương pháp laser châm vào điều trị thoái hóa khớp gối cho bệnh nhân từ năm 2020 đến nay. Nhiều người bệnh đánh giá cao về tính an toàn, hiệu quả khi sử dụng laser châm.

Bà Hoàng Thị Khánh (SN:1941, ở đường Bình Giã, TP.Vũng Tàu) bị thoái hóa khớp gối nhiều năm nay. Bà hay đau nhức đầu gối nên khó khăn trong đi lại. Cách đây 1 tuần, bà vào Khoa Y học Cổ truyền (Bệnh viện Vũng Tàu) để khám và được chỉ định nhập viện. Mấy ngày qua, bà được sử dụng laser châm vào điều trị thoái hóa khớp gối nên tình trạng bệnh thuyên giảm. “Ngày nào tôi sử dụng laser châm nên 2 đầu gối bớt đau nhức và không có tác dụng phụ nên tôi cảm thấy yên tâm sử dụng phương pháp điều trị này”, bà Khánh nói.

Cùng với sáng kiến trên, trung bình mỗi năm, bác sĩ Sơn đều cho ra đời một ý tưởng, giải pháp hay đề tài nghiên cứu phục vụ vào công tác khám, điều trị. Năm 2021, ông có đề tài xoa bóp bấm huyệt kết hợp chườm ngải cứu cho bệnh nhân đau cột sống thắt lưng. Năm 2020, sử dụng chườm ngải cứu kết hợp xông thuốc y học cổ truyền trong điều trị thoái hóa cột sống. Năm 2017, sử dụng điện châm điều trị di chứng tai biến mạch máu não. Năm 2015, sử dụng hơi khói của ấm sắc thuốc để xông hơi thuốc y học cổ truyền có tác dụng giảm đau…

Bác sĩ Sơn chia sẻ, suốt gần 30 năm công tác tại Khoa Y học Cổ truyền (Bệnh viện Vũng Tàu), ông thấu hiểu với những nỗi khổ và sự đau đớn của người bệnh, nhất là người khó khăn, người bị bệnh mạn tính. Ông cũng nhận thức sâu sắc về trách nhiệm, lương tâm của người thầy thuốc đối với nhân dân. Do vậy, ngoài làm công tác chuyên môn, ông còn tích cực học tập, nghiên cứu và phát triển chuyên môn phục vụ người bệnh.

Bác sĩ Sơn luôn biết cách vận dụng tối đa các thế mạnh của y học cổ truyền để giúp người bệnh tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, có lợi nhất cho bệnh nhân. “Thông qua các sáng kiến, tôi đã giúp nhiều trường hợp bị bệnh nặng do di chứng đột quỵ, chấn thương cột sống và nhiều bệnh mạn tính khác đã cải thiện sức khỏe. Tôi thấy đó là điều hạnh phúc mà nghề y mang lại cho mình”, bác sĩ Sơn cho hay.

Với những đóng góp cho sự phát triển của Khoa Y dược Cổ truyền, bác sĩ Sơn đã nhận được nhiều Giấy khen, Bằng khen của các cơ quan, đơn vị, gồm: Bằng khen của Bộ Y tế (2011), Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh (2008), Bằng khen của Hội Đông y Việt Nam (2013). Mới đây nhất, ngày 20/10, Bộ Y tế ban hành Quyết định tặng Giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông cho bác sĩ Sơn có thành tích trong công tác kế thừa, bảo tồn, phát triển y dược cổ truyền.

 

Tập trung phát triển chuyên môn

Bác sĩ Sơn nhớ lại, năm 1995, ông về nhận công tác tại Khoa Y dược Cổ truyền. Nhân lực của khoa còn mỏng và thiếu, chỉ có khám ngoại trú. Vì thế, khoa chưa được nhiều bệnh nhân biết đến. Đến năm 2000, khoa bắt đầu triển khai điều trị nội trú, với 5 giường bệnh đầu tiên; khám ngoại trú chỉ tầm 20-30 lượt người/ngày. Thời bấy giờ, dù là một bác sĩ trẻ, làm việc trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng bác sĩ Sơn vẫn nhiệt huyết, cần mẫn với công việc, chứng tỏ năng lực của mình. Vì thế, năm 2002, ông được bổ nhiệm giữ chức Trưởng Khoa Y học Cổ truyền. Trên cương vị mới, bác sĩ Sơn dồn nhiều công sức vào việc phát triển chuyên môn cho khoa. Từ năm 2005, nhiều kỹ thuật trong điều trị bệnh đã được triển khai như: chiếu hồng ngoại, giác hơi, xoa bóp, ngâm thuốc, chườm ngải cứu, xông hơi. Sau này, khoa đã ứng dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến hơn như lazer châm, cấy chỉ, sắc và đóng gói thuốc tự động…Qua đó, thu hút rất đông bệnh nhân đến khám và điều trị.

Trước nhu cầu của người bệnh, bác sĩ Sơn tham mưu với lãnh đạo Bệnh viện Vũng Tàu nâng công suất giường bệnh nội trú lên 30 giường và lên 40 giường như hiện tại. Khoa còn được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại và bổ sung thêm đội ngũ y, bác sĩ. Do đó, công suất sử dụng gường bệnh thường đạt từ 100-120%, 200-250 lượt bệnh nhân đến khám ngoại trú/ngày.

Đến nay, Khoa góp phần điều trị khỏi nhiều loại bệnh, trong đó có các bệnh tây y điều trị không đỡ, gồm: Di chứng tai biến mạch máu não, liệt chi, viêm khớp, thoái hóa khớp, đau cột sống, đau viêm thần kinh ngoại biên, suy nhược thần kinh… Thời gian tới, bác sĩ Sơn sẽ thực hiện một số kỹ thuật mới khác như: hệ thống xông hơi toàn thân, châm dò huyệt loa tai, ngâm chân và xoa bóp, bấm huyệt ở chân. “Đến nay Khoa Y học Cổ truyền đã có uy tín trong lòng người bệnh. Song tôi và đồng nghiệp vẫn phải tiếp tục hoàn thiện, phát triển chuyên môn để đáp ứng tốt nhất nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người bệnh”, bác sĩ Sơn nói.

Bài, ảnh: TUỆ LÂM

.
.
.