Tình yêu với nghề làm đầu lân - sư - rồng
Nhiều cơ sở làm đầu lân trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang gấp rút hoàn thiện sản phẩm phục vụ cho mùa Tết Trung thu. Những người thợ “say” nghề này luôn tất bật từ sáng sớm đến tối muộn để kịp phục vụ Tết Trung thu đang đến gần.
Ông Lê Hoàng Hùng (huyện Long Điền) chỉ bảo học trò làm khung sườn hình đầu lân. |
Lưu giữ nghề truyền thống
Về xã Tân Hòa, TX. Phú Mỹ không quá khó để gặp ông Huỳnh Công Tấn - người vẫn đang miệt mài gìn giữ nghề làm đầu lân truyền thống. Ông cũng là chủ nhiệm CLB Lân - Sư - Rồng Tấn Anh Đường thành lập gần 30 năm qua gồm 18 thành viên. Trong xưởng làm đầu lân rộng khoảng 300m2, ông Tấn đang cặm cụi hoàn thiện những chiếc đầu lân để chuẩn bị cho các đội lân phục vụ Tết Trung thu 2023 sắp đến.
Ông Tấn cho biết, trong ký ức của ông hình ảnh những chiếc đầu lân làm thủ công với tiếng trống “cắc tùng dinh dinh” theo ánh sáng ngọn đuốc tre đi khắp thôn xóm, tự bao giờ đã ăn sâu vào nếp nghĩ. Ông Tấn cho hay, từ những ngày còn là cậu học trò lên 9, lên 10 tuổi, ông đã mê lân. Tình yêu với nghề cứ thế lớn dần tới bây giờ ông đã gắn bó với nghề gần 30 năm. Ông Tấn và hơn 10 học trò của ông đã làm nên những chiếc đầu lân, sư tử, đầu rồng, ông thần tài chất lượng cho các đội lân trong và ngoài tỉnh.
Theo ông Tấn học nghề, gắn bó cùng ông hơn 22 năm, anh Minh An (ngụ tại TP. Bà Rịa) cho biết, tại đây có đủ loại rồng, lân, ông thần tài... có kích thước khác nhau, nặng nhất là 6 kg, nhẹ nhất lả 2,5 kg, có giá dao động từ 3 đến 8 triệu đồng. Mất 7 đến 10 ngày để hoàn thành một đầu lân. Thầy Tấn dạy gồm những công đoạn như bẻ sườn mây lợp trúc vô thành hình khuôn đầu lân, dán giấy màu và lợp vải kim sa lên khuôn; may thành hình; sơn vẽ, dán họa tiết trang trí cho đầu lân thêm rực rỡ; khảm lông, trang trí mắt lân, mày mi, đường viền và cuối cùng là trang trí lông vũ. Khâu mất nhiều thời gian nhất là dán giấy để tạo hình sản phẩm, nghề này làm thủ công nên cần phải siêng năng và tỉ mĩ.
Tâm huyết với nghề ông Tấn xác định đây cũng là cái nghiệp sẽ gắn bó suốt cuộc đời mình. Ngoài làm lân, ông luôn dành thời gian và tâm sức để đào tạo cho 18 học trò của mình múa lân vào thứ Hai, Tư, Sáu hàng tuần tại Phú Mỹ. Trò nhỏ nhất của ông là 10 tuổi. Ông muốn giúp các em nhiều hơn trong việc phát triển chuyên môn cũng như những bước đi tiếp theo trong cuộc sống. Ngoài thời gian học văn hóa ở trường, các em tham gia biểu diễn theo đoàn tại nhiều nơi trong các dịp lễ, Tết, các đơn vị mừng khai trương hay lễ đình. Các em cũng phụ thầy và đàn anh làm nên những mẫu lân, rồng mới nhất, đáp ứng nhu cầu của mọi khách hàng khó tính.
Ông Huỳnh Công Tấn (TX. Phú Mỹ) gắn râu để hoàn thành đầu ông thần Tài. |
Đam mê từ nhỏ
CLB Lân - Sư - Rồng Hùng Nghĩa Đường (KP. Long Phượng, TT.Long Điền, huyện Long Điền) của ông Lê Hoàng Hùng cũng đang rộn ràng không kém. Vừa gắn mắt cho con lân, ông Hùng vừa chia sẻ: “Nghề gì cũng xuất phát từ đam mê. Tôi thích múa lân và cũng thích võ thuật. May mắn, khi rèn luyện và trở thành thầy dạy võ cổ truyền, lại là sự hỗ trợ đắc lực cho tôi thực hiện niềm đam mê múa lân từ nhỏ”.
Với niềm đam mê thể thao sẵn có, năm 1980, vừa tròn 12 tuổi ông Hùng đã bắt đầu học những thế võ đầu tiên. Dường như có duyên với nghề võ nên ông nhanh chóng trở thành một trong những võ sinh xuất sắc và sớm trở thành thầy dạy võ cổ truyền. Yêu thích luyện võ đã đưa ông đến với nghệ thuật múa lân sư rồng từ lúc nào không hay. Hiện ngoài làm lân, ông còn đào tạo gần 100 em nhỏ học võ tại TT. Long Hải, TTVH Bàu Thành và xã Tam Phước.
Ngay từ tháng 6 (âm lịch), ông Hùng đã bắt tay vào tạo sườn cho đầu lân. Thông thường, để hoàn thiện một chiếc đầu lân, phải mất từ 7 ngày với nhiều công đoạn. Ngoài làm lân, ông Hùng còn làm thêm những dụng cụ khác, như: Cờ lễ hội, dùi trống, chập chã, các loại đuôi lân, rồng... Vợ ông Hùng là bà Lưu Thị Bạch là thợ may lâu năm nên luôn hỗ trợ cho ông trong việc may đồ cho lân. Ông Hùng cho biết, việc thổi hồn vào khuôn mặt, vào đôi mắt của lân, rồng đòi hỏi đôi tay tài hoa, tỉ mẩn. Khó nhất và quan trọng nhất là mắt của con lân, làm sao cho nổi bật, màu sắc khi vẽ lên phải hài hòa, mắt lân phải mau lẹ, tai lân phải nhạy. Có vậy khi biểu diễn các động tác như lân ngủ, lân say… mới sống động được.
Những năm qua, ông Hùng và 25 học trò của ông đã biểu diễn nhiều nơi và đạt nhiều giải cao các năm tại cuộc thi lân sư rồng mở rộng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Bài, ảnh: HẠNH DUYÊN