Cẩn trọng với diễn biến thầm lặng của chứng trào ngược dạ dày
Trong suốt cuộc đời, ít nhất ai cũng một lần gặp phải hiện tượng ợ hơi rồi sau đó là một chất dịch có vị chua, trào lên họng. Tuy nhiên nếu thỉnh thoảng mới thấy xuất hiện, nhất là sau khi ăn quá no hoặc uống quá nhiều bia, rượu thì không có gì đáng nói nhưng nếu liên tục xảy ra thì có thể bạn đã mắc phải chứng trào ngược dạ dày.
Hình ảnh nội soi cho thấy thực quản bị tổn thương do trào ngược dạ dày. |
Trào ngược dạ dày, từ đơn giản đến phức tạp
Trào ngược dạ dày (hay còn gọi là trào ngược dạ dày thực quản) là hiện tượng dịch dạ dày bao gồm thức ăn, men tiêu hóa, hơi... trào ngược lên thực quản. Nó thường diễn biến thầm lặng và thoạt đầu nó không gây ra nhiều khó chịu nên vì vậy, nó tạo cho người bệnh tâm lý chủ quan, đánh giá sai lầm về tính chất bệnh.
Nếu trào ngược dạ dày xảy ra liên tục, sẽ gây phù nề khiến lòng thực quản bị thu hẹp, người bệnh sẽ có cảm giác khó nuốt, vướng ở cổ. Bên cạnh đó, người bệnh còn bị khàn giọng, ho, vì axit trong dịch tiêu hóa tác động đến thanh quản.
Nguyên nhân bệnh một là do cơ thắt thực quản dưới suy yếu và hai là chất axit có trong dịch vị dạ dày tiết ra quá nhiều. Ngoài ra, còn có thể do tác dụng phụ của một số thuốc trị bệnh như thuốc kháng viêm, thuốc tiểu đường… hoặc do thần kinh phó giao cảm thực quản bị tổn thương, do viêm loét thực quản khiến lòng thực quản xơ hóa, do hẹp hang môn vị dạ dày, do thoát vị hành, viêm loét dạ dày, viêm trợt niêm mạc dạ dày, ung thư dạ dày.
Trào ngược dạ dày thực quản được chia thành 5 cấp độ:
Cấp độ 1: Tác động của axit lên thực quản không đủ nhiều để làm tổn thương hoặc viêm loét thực quản. Ở cấp độ này, triệu chứng ợ chua, ợ nóng của người bệnh không rõ ràng, có thể bị nhầm lẫn với hiện tượng sinh lý thông thường.
Cấp độ 2: Đây là cấp độ phổ biến nhất, chiếm 90% trường hợp trào ngược dạ dày. Thực quản của người bị trào ngược tổn thương nhẹ do axit, gây ra những triệu chứng nóng rát xương ức, ợ chua, cảm giác nghẹn khi nuốt thức ăn nhưng không nhiều.
Cấp độ 3: Người bệnh khó nuốt, nghẹn khi nuốt thức ăn, đắng miệng, hơi thở có mùi hôi. Nếu nội soi sẽ thấy niêm mạc thực quản có những vết trợt.
Cấp độ 4: Thực quản liên tục tiếp xúc với acid trào ngược, dẫn đến việc hình thành vết loét. Người bệnh sẽ có những triệu chứng nghiêm trọng hơn như ợ nóng, khó nuốt, buồn nôn hoặc nôn ra máu và đau tức vùng ngực.
Cấp độ 5: Tổn thương thực quản lan rộng. Triệu chứng trào ngược dạ dày xuất hiện liên tục, sức khỏe giảm sút. Đây là giai đoạn dễ phát triển thành ung thư nhất.
Điều trị trào ngược dạ dày
Để ngăn ngừa chứng trào ngược dạ dày, điều đầu tiên là cần có một chế độ ăn uống hợp lý, đúng giờ, tránh ăn ít quá hoặc nhiều quá, hạn chế những loại thực phẩm kích thích tăng tiết axit hay kích thích cơ thắt thực quản dưới như chanh, cam, dứa (thơm), các loại thực phẩm giàu chất béo, các loại có vị cay, hạn chế bia, rượu, các loại đồ uống có gaz, sau khi ăn nên thư giãn bằng cách đi lại hoặc ngồi nghỉ ít nhất 15 phút, không nằm hoặc làm việc ngay sau khi ăn.
Về điều trị, sau khi bác sĩ đã xác định nguyên nhân qua thăm khám, nội soi, chụp cắt lớp vi tính (CT)… bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể điều trị bằng cách uống thuốc kết hợp với chế độ ăn phù hợp nhằm giúp làm lành tổn thương thực quản. Nếu thực quản bị tổn thương nặng hoặc không đáp ứng điều trị bằng thuốc, bác sĩ sẽ xem xét chỉ định phẫu thuật.
BS CAO HỮU TRÍ
(Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP.HCM)