.

Cần tiêm vắc xin để phòng bệnh thủy đậu

Cập nhật: 17:41, 15/09/2023 (GMT+7)

Hỏi: Thưa bác sĩ, con trai tôi năm nay 6 tuổi, mấy hôm nay cháu bị trái rạ, người hơi sốt, kém ăn nhưng vẫn tỉnh táo. Vì vợ chồng tôi đều phải đi làm xa nên cháu chưa được chích ngừa. Vậy tôi có cần đưa cháu đến bệnh viện không vì tôi nghe mẹ tôi nói bệnh này vài bữa là hết.

(Chị Nguyễn Minh, ở phường Thắng Nhì, TP.Vũng Tàu)

Trả lời: Bệnh thủy đậu (hay còn gọi là bệnh trái rạ) xuất hiện phổ biến ở trẻ em dưới 10 tuổi mà nguyên nhân là do vi rút Varicella-zoster gây ra. Bệnh rất dễ lây với những người chưa từng được tiêm vắc xin hoặc chưa từng nhiễm vi rút này. Đường lây nhiễm chủ yếu do người bệnh ho, hắt xì hoặc người khỏe mạnh vô tình tiếp xúc với nước miếng, chất dịch từ mụn thủy đậu.

Sau khi nhiễm vi rút và khi bắt đầu phát bệnh, thường là từ 2 đến 3 tuần, người bệnh có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, chán ăn, nôn ói, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng. 1 hoặc 2 ngày sau đó, trên da người bệnh sẽ xuất hiện các mẩn ngứa màu đỏ, thoạt tiên ở vùng đầu, mặt rồi lan ra toàn thân. Một số người còn xuất hiện hạch sau tai, viêm họng.

1 hoặc 2 ngày tiếp theo, các mẩn đỏ trên da biến thành mụn nước. Mụn nổi thành nhiều đợt cách nhau 3, 4 ngày, bên trong mụn có chất dịch lỏng. Nếu không nhiễm trùng, các mụn nước sau khi vỡ sẽ khô và đóng vảy, không để lại sẹo. Còn nếu nhiễm trùng, chất dịch lỏng nơi mụn vỡ ra là mủ, khi lành sẽ để lại sẹo. Điều nguy hiểm là khi người bệnh đã nhiễm vi rút nhưng chưa nổi mụn nước thì vẫn có thể lây cho người khác.

Những biến chứng của thủy đậu bao gồm nhiễm khuẩn da, mô mềm, xương, khớp và nhiễm trùng máu vì các  mụn nước vỡ ra, gây ngứa nên theo phản xạ tự nhiên, người bệnh - nhất là trẻ em hay dùng tay gãi. Ngoài ra còn có viêm não, viêm phổi thủy đậu, viêm thận, viêm cầu thận cấp, viêm tai giữa và tai ngoài, viêm niêm mạc miệng, viêm cơ tim, viêm hạch lympho, viêm dây thần kinh và viêm thanh quản.

Để phòng ngừa bệnh thủy đâu, việc đầu tiên là cho trẻ tiêm phòng theo quy định. Nếu đã mắc bệnh, nên giữ vệ sinh thân thể, cắt ngắn móng tay để không làm vỡ mụn nước khi gãi, bôi Xanh Methylen (có bán tại các nhà thuốc Tây và không cần phải mua theo đơn) lên các mụn nước. Nếu thấy xuất hiện những triệu chứng như nhiễm trùng mụn nước, sốt cao trên 38 độ C, nôn ói, đau họng… thì đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

Cuối cùng, nếu trẻ đã mắc bệnh thủy đậu thì không cần phải tiêm ngừa nữa vì trong cơ thể trẻ đã xuất hiện kháng thể, chống lại bệnh này.

NGỌC VINH
(Nguyên bác sĩ Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM)

 

.
.
.