.

Bệnh viện Y học cổ truyền: Phát triển nhiều kỹ thuật mới, nâng cao chất lượng điều trị

Cập nhật: 19:37, 28/08/2023 (GMT+7)

Với cơ sở vật chất, trang thiết bị khang trang, hiện đại, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh đã và đang triển khai nhiều kỹ thuật mới, giúp nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân. 

Bà Võ Kim Đảnh được nhân viên y tế Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh hỗ trợ tập cầm nắm.
Bà Võ Kim Đảnh được nhân viên y tế Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh hỗ trợ tập cầm nắm.

Bệnh nhân an tâm

Ông Lê Kim Minh (45 tuổi, ở phường Kim Dinh, TP.Bà Rịa) bị thoái hóa khớp gối chân trái hơn 1 tháng nay. Khi mới bị bệnh, ông chữa trị bằng tây y, nhưng bệnh không thuyên giảm. Hơn 1 tuần qua, mỗi ngày ông đều đến Khoa Châm cứu - Dưỡng sinh - Phục hồi chức năng (Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh) để chữa bệnh. Ông được điều trị bằng các kỹ thuật như: Châm kim, điện xung, chiếu hồng ngoại… kết hợp với uống thuốc đông y. Nhờ đó, bệnh của ông đã thuyên giảm, đi lại bớt khó khăn hơn. “Cách đây 2 năm, bàn chân phải của tôi bị tê nên đến Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh châm cứu và có hiệu quả. Vì thế, lần này tôi quay lại bệnh viện điều trị thoái hóa khớp gối. Tôi thấy các kỹ thuật chữa trị an toàn, không gây đau đớn, bệnh cải thiện nhiều”, ông Minh nói.

Nhờ kiên trì điều trị hơn 1 năm nay tại Khoa Châm cứu - Dưỡng sinh - Phục hồi chức năng, bà Võ Kim Đảnh (73 tuổi, xã Hòa Long, TP.Bà Rịa) khôi phục sức khỏe một cách kỳ diệu. Bà Đảnh kể, sau khi bị đột quỵ, bà bị liệt nửa người bên trái, chân tay tê liệt, không đi lại được. Mỗi ngày, bà được con gái chở vào Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh chữa trị và tập vật lý trị liệu như: Tập cầm nắm, đạp xe, quay tay, leo cầu thang, châm cứu, điện xung… kết hợp điều trị thuốc.

Sau mấy tháng điều trị, tập luyện, sức khỏe của bà Đảnh bắt đầu có chuyển biến khả quan. Người nhà quyết định cho bà vào bệnh viện chữa trị hằng ngày. Hiện nay, bà đã đi lại được, tự thực hiện các hoạt động sinh hoạt cá nhân. Bà Đảnh vui vẻ nói: “Mỗi ngày tôi vào đây điều trị khoảng 4 tiếng. Hiện nay, sức khỏe tôi tốt hơn nhưng tay trái còn yếu nên tôi sẽ tiếp tục điều trị, tập cầm nắm. Tôi hy vọng, tay sẽ linh hoạt hơn trong thời gian tới”.

Bác sĩ Nguyễn Duy Tuấn, Trưởng Khoa Châm cứu - Dưỡng sinh - Phục hồi chức năng (Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh) cho biết, phần lớn bệnh nhân của khoa mắc các bệnh về cơ xương khớp, thần kinh, đột quỵ, chấn thương. Bệnh nhân chủ yếu điều trị ngoại trú, khoảng 100-120 ca/ngày; nội trú 30 người/ngày. Khoa có trang thiết bị y tế như: Máy điều trị dòng điện giao thoa, kích thích thần kinh cơ; sóng siêu âm, sóng ngắn, vi sóng; sóng xung kích; laser nội mạch, laser chiếu ngoại; kéo dẫn đốt sống cổ…

Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh được đầu tư với quy mô 100 giường bệnh và được chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 2021-2023, thực hiện 30 giường, giai đoạn 2023-2025 thực hiện 50 giường và đến năm 2030 là 100 giường bệnh.

Bệnh viện được phê duyệt thực hiện 1.222 kỹ thuật, thuộc 16 chuyên ngành, trong đó có 6 kỹ thuật tuyến trung ương, 80 kỹ thuật tuyến tỉnh, số còn lại là tuyến huyện và xã.

Phấn đấu triển khai thêm 148 kỹ thuật mới

Bác sĩ Dương Văn Tuấn, Phụ trách Phòng Tài chính - Tổng hợp (Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh) thông tin, bệnh viện được thành lập cuối năm 2017. Giai đoạn đầu, bệnh viện chỉ tổ chức khám, điều trị ngoại trú. Đến tháng 5/2019, bệnh viện bắt đầu tiếp nhận điều trị nội trú. Những năm đầu mới hoạt động, bệnh viện gặp nhiều khó khăn, nhất là nhân lực và không có đầu thẻ KCB BHYT nên chưa thu hút được bệnh nhân. Bằng sự nỗ lực, tạo điều kiện cho đội ngũ y, bác sĩ đi học các lớp đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cũng như nhận được sự hỗ trợ của Sở Y tế, bệnh viện dần tạo được uy tín và niềm tin cho người bệnh.

6 tháng đầu năm, bệnh viện KCB ngoại trú cho gần 21.270 lượt bệnh nhân, đạt 121,5% kế hoạch, tăng gần 5.000 lượt so với cùng kỳ năm 2022; tiếp nhận, điều trị nội trú cho 255 lượt bệnh nhân, đạt 70,8% kế hoạch.

Để nâng cao chất lượng KCB, bệnh viện đẩy mạnh thực hiện các kỹ thuật lâm sàng, cận lâm sàng theo phân tuyến kỹ thuật và các kỹ thuật tuyến trên. Bệnh viện dự kiến triển khai các kỹ thuật mới như: Ngâm chân bằng thuốc y học cổ truyền, chườm ngải cứu, thủy châm, siêu âm chẩn đoán; cấy chỉ, điện mãng châm, điều trị laser công suất thấp nội mạch…

“Bệnh viện Y học cổ truyền tiếp tục nâng cao năng lực trong các hoạt động chuyên môn bằng cách tăng cường kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại vào KCB, phục hồi chức năng; thực hiện kỹ thuật chuyên môn cao; cải tiến quy trình KCB để mang lại sự hài lòng cho người bệnh. Phấu đấu đến năm 2025, bệnh viện đề nghị phê duyệt bổ sung và triển khai 148 kỹ thuật mới”, bác sĩ Dương Văn Tuấn cho biết thêm.

Bài, ảnh: TUỆ LÂM

.
.
.