.

Vượt lên nghịch cảnh

Cập nhật: 18:25, 28/07/2023 (GMT+7)

Là chia sẻ của anh Lê Công Hoan (SN 1972, hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin và Bảo trợ xã hội (NNCĐDC/Dioxin và BTXH) tỉnh ngụ phường Thắng Nhất, TP. Vũng Tàu) khi kể về nỗ lực vượt khó, tật nguyền vươn lên làm giàu của mình.

Vợ chồng anh Lê Công Hoan và chị Phạm Thị Tư (ngụ phường Thắng Nhất, TP. Vũng Tàu) chăm sóc vườn rau.
Vợ chồng anh Lê Công Hoan và chị Phạm Thị Tư (ngụ phường Thắng Nhất, TP. Vũng Tàu) chăm sóc vườn rau.

Bất hạnh từ lúc chào đời

Là con út trong gia đình 11 anh em ở tỉnh Khánh Hòa, cậu bé Lê Công Hoan không có hạnh phúc được biết đến hơi ấm của người cha vì bố mất khi mẹ đang mang thai cậu tròn 3 tháng. Bất hạnh hơn là biến chứng từ cơn sốt bại liệt lúc lên 1 tuổi đã khiến chân phải của cậu bé Lê Công Hoan bị teo lại. Đến năm 4 tuổi, cậu bé Hoan mới bắt đầu chập chững tập đi tập tễnh. Câu bé khuyết tật lớn lên trong thương yêu của mẹ và đùm bọc của xóm làng. Dù chỉ bước đi tập tễnh nhưng cậu bé Hoan rất ham học. Nhưng chỉ học hết lớp 9 do hoàn cảnh khó khăn, sức khỏe yếu, trường cấp 3 cách nhà 20km nên cậu bé đành nghỉ học giữa chừng, ở nhà phụ anh chị trồng hoa hồng.

18 tuổi, anh đi xin việc nhiều nơi nhưng đều không được nhận. Trong một lần đi cùng người quen đến TP. Vũng Tàu bán hoa hồng, anh Lê Công Hoan nhận thấy nơi đây dễ sinh sống nên quyết định rời quê đến Vũng Tàu lập nghiệp.

Đầu tiên, anh phụ người anh họ ở Vũng Tàu xới đất trồng hoa hồng. Sau 3 năm, từ số gốc hoa hồng bán được, anh được chia 11 triệu đồng tiền lãi và bắt đầu tự lập. Với số vốn ít ỏi và kinh nghiệm trồng hoa học hỏi được, anh Hoan thuê mảnh đất bỏ hoang ở phường 10, TP. Vũng Tàu, mua cây giống, vật tư để trồng 2.000 gốc hoa hồng.

Anh Lê Công Hoan nhớ lại: “May mắn, ban đầu người cho thuê chỉ lấy nửa tiền cộng với việc có sẵn giếng nước để tưới hoa tại mảnh đất này nên việc trồng hoa cũng thuận lợi. Lúc này, để mưu sinh, tôi kiêm thêm nghề xe ôm trong lúc chờ thu hoạch vụ hồng. Có những sáng chỉ gặm mì tôm sống, chạy xe ôm để sống qua ngày nhưng chưa bao giờ tôi nản chí. Vụ trồng hoa hồng thời điểm bắt đầu lập nghiệp, với 2.000 gốc hồng, tôi thu về 400 triệu đồng, lãi hơn 280 triệu đồng”.

Tình yêu nở hoa

Cũng trong những ngày khó khăn, bươn chải thời gian đầu lập nghiệp, anh Hoan may mắn gặp chị Phạm Thị Tư (SN 1984, quê Hà Tĩnh) cùng cảnh xa quê lập nghiệp. Với tính chịu thương chịu khó của người phụ nữ thôn quê, chị Tư khiến cho anh Hoan mến phục và tình yêu cứ thế đến với họ từ lúc nào không biết. Vượt qua tất cả bằng tình yêu chân thành dành cho anh, chị Tư quyết định làm vợ của Hoan - một người khuyết tật. Tình yêu của chị Tư chính là liều thuốc đặc biệt đã giúp anh Hoan càng nỗ lực hơn để vượt qua chính mình. Anh chị tổ chức đám cưới đơn giản vào năm 2008 và đón chào con trai kháu khỉnh năm 2009. Cùng với tình yêu, sự chịu thương, chịu khó, anh chị chăm chỉ làm ăn, tích luỹ, dần ổn định cuộc sống.

Năm 2019, cùng sự chung sức của vợ, lại được Hội NNCĐDC/Dioxin và BTXH tỉnh quan tâm, cho vay 150 triệu đồng, anh Hoan mạnh dạn thuê 7.000m2 đất trồng 9.000 gốc hoa hồng, hoa cúc và hoa cát tường xen kẽ trồng rau sạch. Thời điểm này, cơ sở sản xuất của gia đình anh Hoan tạo việc làm ổn định cho 15 lao động, trong đó có 5 người khuyết tật với mức lương 8-9 triệu đồng/người/tháng. Đến nay đã có 2 người đã tự khởi nghiệp trồng vườn hoa riêng.

Năm 2020, anh Lê Công Hoan được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen do có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020; Bằng khen của Trung ương Hội Bảo trợ Người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam vì đã có thành tích xuất sắc vượt khó vươn lên, xây dựng giữ gìn gia đình hạnh phúc vào năm 2022.

“Nhờ số vốn Hội NNCĐDC/Dioxin và BTXH tỉnh cho vay, tôi mở rộng quy mô, phát triển nghề trồng hoa, luân phiên trồng rau và hoa hồng. Vườn rau đang phát triển tốt và cho thu hoạch liên tục, bình quân thu nhập trên 1 triệu đồng mỗi ngày. Ngoài ra, tôi còn nuôi thêm 100 con gà thả vườn để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình thu lãi 1 tỷ đồng. Từ đó đã mua được nhà riêng, đời sống ngày càng khấm khá”, anh Lê Công Hoan vui mừng kể.

Kinh tế ổn định, gia đình hạnh phúc, anh Lê Công Hoan nghĩ đến những người khó khăn cùng cảnh ngộ tật nguyền nên luôn sẵn lòng giúp đỡ những hoàn cảnh không may mắn. Mỗi năm, anh đóng góp hỗ trợ 6 HS nghèo hiếu học với số tiền 500 ngàn đồng/cháu đóng góp vào quỹ Hội, hỗ trợ 50 triệu đồng xây dựng nhà tình thương cho gia đình khuyết tật ở xã Long Tân, huyện Đất Đỏ…

Ông Nguyễn Văn Nhân, Chủ tịch Hội NNCĐDC/Dioxin và BTXH tỉnh nhận xét: “Anh Lê Công Hoan là gương điển hình của người khuyết tật về sự nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng, dù “tàn nhưng không phế”. Bên cạnh đó, anh còn giúp được nhiều hoàn cảnh khuyết tật vươn lên trong cuộc sống”.

Bài, ảnh: AN NHIÊN

.
.
.