.

Những lý do khiến nước tiểu nổi bọt, lâu tan

Cập nhật: 18:06, 28/07/2023 (GMT+7)

Hỏi: Tôi năm nay 44 tuổi, ăn ngủ sinh hoạt vẫn bình thường nhưng khoảng 2 tháng trở lại đây, mỗi lần đi tiểu tôi thấy nước tiểu có rất nhiều bọt và rất lâu tan, có khi cả 10 phút bọt vẫn không tan. Xin bác sĩ cho biết có phải là triệu chứng của một bệnh gì đó hay không?

Trả lời: Trong cơ thể con người, thận là cơ quan có nhiệm vụ lọc máu và trong quá trình này, một phần nước trong máu sẽ xuống bàng quang (bọng đái). Đến một lúc nào đó, khi bàng quang đã có một lượng nước nhất định, nước sẽ được thải ra ngoài, gọi chung là nước tiểu.

Thành phần của nước tiểu bao gồm nước và các hợp chất hữu cơ, các chất chuyển hóa cùng muối vô cơ. Tùy vào chất chuyển hóa trong cơ thể mà tính chất và thành phần nước tiểu có thể thay đổi.

Nước tiểu bình thường có màu từ trong suốt đến vàng đậm nhưng phần lớn là vàng nhạt.

Những lý do khiến nước tiểu nổi bọt, lâu tan

Thông thường, khi đi tiểu, dưới áp lực của bàng quang, nước tiểu  rơi xuống sẽ tạo thành bọt và sẽ tan hết chỉ trong vài giây. Điều này dễ nhận thấy nếu chúng ta tiểu vào bồn cầu.

Tuy nhiên, nếu nước tiểu nổi bọt xuất hiện thường xuyên và thời gian tan bọt kéo dài khá lâu (từ 3 phút trở lên) thì có thể bạn đã mắc phài một số bệnh lý sau:

Chất đạm (protein) trong nước tiểu tăng cao: Ở người khỏe mạnh, chất đạm trong nước tiểu rất thấp nhưng nếu bạn bị bệnh tiểu đường, cao huyết áp hoặc các bệnh về thận như nhiễm trùng thận, viêm thận, suy thận, sỏi thận…, sẽ dẫn đến nước tiểu có bọt, lâu tan. Bên cạnh đó, còn có những nguyên nhân nữa như đang bị sốt cao, mắc bệnh lao đường tiết niệu, uống không đủ nước.

Bình thường, người trưởng thành cần uống từ 1,5 đến 2 lít nước mỗi ngày. Nếu uống ít quá (dưới 1 lít), nước tiểu sẽ bị cô đặc, dẫn đến hiện tượng nổi bọt, lâu tan. Chưa kể những người làm những công việc phải ngồi cả ngày, ít vận động, khả năng chuyển hóa kém cũng là nguyên nhân khiến nước tiểu nhiều bọt.

Vì thế, anh nên đi kiểm tra tổng quát (thử đường huyết, thử nước tiểu, tầm soát các bệnh lý niệu, thận, cao huyết áp….) để xác định nguyên nhân. Nếu do tính chất công việc phải ngồi lâu thì cứ khoảng 1 tiếng, anh nên sắp xếp dành ra khoảng 5 phút để vận động thân thể, giúp tăng khả năng chuyển hóa và đừng quên uống đủ lượng nước cần thiết hàng ngày.

BS CAO HỮU TRÍ
(BV Nguyễn Tri Phương, TP.HCM)

 

.
.
.