.

Tôi và bố!

Cập nhật: 18:20, 28/07/2023 (GMT+7)

Tôi lớn lên trong lời than thở triền miên của mẹ về bố. Nào là: Bố nhẫn tâm để mẹ “đi biển một mình” trong cơn sinh khó; bố suốt ngày bê tha rượu chè, không phụ giúp việc nhà với mẹ; bố coi trọng bạn bè hơn gia đình... Từ những ấn tượng được mẹ hình thành từ khi còn nhỏ, nên tôi đâm ra ghét bố, lúc nào cũng thích gần mẹ.

Tôi luôn xem mẹ là cô tiên dịu hiền, còn bố là người đáng sợ, dù bố chưa lần nào làm tổn thương tôi. Càng lớn, tình cảm của tôi càng nghiêng về mẹ. Có chuyện vui, tôi hớn hở về khoe với mẹ. Gặp chuyện buồn, mẹ là người tôi sà vào lòng mà khóc. Còn bố chỉ là chiếc bóng mờ nhạt trong ngôi nhà.

Khi tôi trở thành trụ cột của gia đình, bố mẹ đã già không còn lao động, nên tôi luôn bực dọc, cáu gắt mỗi khi gặp những chuyện không vừa lòng. Áp lực cơm áo gạp tiền khiến tôi trở thành người con bất hiếu từ lúc nào không hay. Nhất là với bố, nay tôi lại càng coi thường ông hơn. Chỉ cần bố quên tắt đèn, khóa vòi nước mỗi khi sử dụng xong là tôi nhăn nhó, ca cẩm một hồi về giá điện, nước đang leo thang chóng mặt… Bố im lặng nhẫn nhịn, tôi càng trở nên lấn lướt.

Thế nhưng lúc nào tôi cũng tự trấn an mình, rằng mình lo cho bố như vậy là tốt lắm rồi. Tôi vô tư, chẳng quan tâm đến nét mặt u buồn của bố khi tôi không thèm trả lời một câu hỏi của bố mà tôi cho là ngớ ngẩn: “Sao hôm nay con đi làm về sớm vậy?”. Tôi cũng không để ý đến sức khỏe của bố, dáng bố ngày càng còng xuống, da trổ đồi mồi nhiều hơn, hay những đêm bố nằm ho khục khặc không ngủ được. Tôi chỉ biết quan tâm, săn sóc cho mẹ nhiều.

Cứ thế, cho đến một ngày, người bạn thân từ thuở thiếu thời của bố chẳng may qua đời đột ngột. Bố lặng đi, buồn nhiều hơn, hay trầm ngâm một mình trong phòng, không còn hỏi han mỗi khi tôi đi làm về. Tôi cũng rất ngỡ ngàng khi nghe tin đó. Bác Quân, bạn bố, xưa rất khỏe mạnh, không hề có dấu hiệu bệnh tật gì. Hàng ngày, bác chạy xích lô gần 10 tiếng đồng hồ mà không biết mệt. Thế mà bỗng dưng bác qua đời, trong khi các con bác lại tha phương tứ xứ. Việc mai tang bác phải nhờ bà con, hàng xóm.

Tôi nhìn lại bố. Bao nhiêu năm qua tôi chưa bao giờ hỏi xem bố có mệt không, có đau yếu gì trong người hay không. Nếu bố cũng đột ngột ra đi, mà ở cái tuổi 70 của bố cũng là điều có thể!... Bỗng dưng tôi thấy mình lo sợ những điều gì đó ở tương lai, rồi tôi tự đấm vào ngực mình thì thào: Sao mày bất hiếu thế!

Chợt nhớ đến ngày xưa, khi bố cõng tôi nhong nhong trên lưng đi đến trường vào mùa nước lũ. Rồi những đêm tôi sốt cao, bố và mẹ cuống cuồng lên bế tôi đến bệnh viên huyện cách 5 cây số. Hay những lần trời nắng chang chang, bố chờ tôi trước cổng trường để biết kết quả thi đại học của tôi ra sao… Một trời kỷ niệm về bố tôi không sao quên được, nhưng đến bây giờ tôi mới nhận ra giá trị của tình phụ tử. Người đàn ông đáng sợ ngày xưa trong mắt tôi thực chất là một người nhân hậu, bao dung và yêu con vô bờ bến, có điều bố ít bộc lộ ra ngoài. Chỉ vì bố và mẹ khắc khẩu nhau đã khiến cho mẹ trong những cơn giận dỗi, bộc phát những lời không hay…

TRUNG THÀNH

.
.
.