.

Làm gì với mụn trứng cá?

Cập nhật: 18:06, 28/07/2023 (GMT+7)

Mụn trứng cá là hiện tượng viêm mạn tính nang lông tuyến bã, xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phần lớn là thanh thiếu niên đến tuổi dậy thì.

Nếu bị nhiễm trùng và không điều trị đúng cách, mụn trứng cá sẽ để lại sẹo lồi trên mặt.
Nếu bị nhiễm trùng và không điều trị đúng cách, mụn trứng cá sẽ để lại sẹo lồi trên mặt.

Trên da của chúng ta có rất nhiều lỗ chân lông, trong đó tuyến bã nằm ở chung quanh nang lông và gắn vào lông, tiết ra mồ hôi cùng chất bã nhờn màu trắng đục, chủ yếu ở mặt, lưng, vai, mà thành phần chính là axit béo,…

Khi chất bã tiết ra, nó đọng lại ở các lỗ chân lông rồi theo thời gian, nó biến thành nhân trứng cá. Tuy nhiên không phải bất cứ ai cũng nổi mụn trứng cá vì nó tùy thuộc vào nhiều yếu tố như cơ địa, chế độ ăn uống, sinh hoạt, vệ sinh thân thể…

Nguyên nhân hình thành mụn trứng cá

Nguyên nhân gây ra mụn trứng cá bao gồm các yếu tố liên quan đến nội tiết và các yếu tố không liên quan đến nội tiết.

Yếu tố liên quan đến nội tiết: ở nam giới, chất nội tiết Testoteron tăng cao, dẫn đến làn da thường xuyên bóng láng như có một lớp dầu, được gọi chung là “mổ hôi dầu”.

Ở nữ giới: sự thay đổi chất nội tiết Progesteron và Estrogen trong những ngày kinh nguyệt hoặc lúc mang thai, hoặc căng thẳng tâm lý.

Ở giai đoạn dậy thì, nội tiết tố chưa cân bằng khiến tuyến bã nhờn hoạt động mạnh, dẫn đến tình trạng bít tắc lỗ chân lông gây mụn. Sau tuổi 20, nội tiết đã ổn định, mụn trứng cá sẽ giảm đi và ít xuất hiện. Tuy nhiên tình trạng mụn trứng cá vẫn xảy ra ở người lớn, thậm chí 50, 60 tuổi nhất là với những người “mồ hôi dầu”.

Yếu tố không liên quan đến nội tiết: Ống bã bị sừng hóa, dẫn đến hẹp hoặc tắc đường thoát bã khiến chất bã bị ứ đọng, một số mỹ phẩm gây bít, tắc tuyến bã. Bụi bặm bám vào da nhưng không được làm sạch cũng có thể gây bít, tắc tuyến bã.

Ngoài ra, di truyền từ cha, mẹ cũng có thể gây ra mụn trứng cá, thường xuyên tắm rửa bằng xà phòng chứa 60 đến 72% dầu dẫn đến tăng tiết bã.

Khi chất bã biến thành nhân nhân trứng cá, nó sẽ bị đẩy lên bề mặt da. Do tác động của oxy hóa, đầu nhân trứng cá chuyển sang màu đen. Nếu bị nhiễm trùng do sờ nắn, gãi, bóp, nặn…, bã sẽ biến thành ổ mủ, gọi là mụn bọc.

Nhiễm trùng mụn trứng cá

Phần lớn mụn trứng cá nhiễm trùng gây ra bởi các loại vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu và đặc biệt là vi khuẩn Cuti Bacterium acnes trong các ống tuyến bã. Với những người có cơ địa tăng tiết bã nhờn hoặc dày cổ nang lông tuyến bã thì vi khuẩn Cuti Bacterium acnes giữ vai trò chính trong sự phát triển mụn trứng cá.

Tùy vào mức độ, các dấu hiệu nhiễm trùng mụn trứng cá sẽ có những hình thái khác nhau, gồm: Mụn nhọt, là những nốt sẩn có mủ ở đầu. Mụn u lớn, rắn, gây đau dưới da. Mụn u lớn có mủ dưới da.

Phần lớn mụn trứng cá thường để lại các vết thâm trên da mặt, kéo dài khá lâu. Nếu có biến chứng do nhiễm trùng, nó sẽ trở thành sẹo rỗ, sẹo lồi, da mặt có thể sẫm màu (tăng hắc tố) hoặc sáng hơn (giảm hắc tố).

Điều trị mụn trứng cá

Mức độ nhẹ: Người bệnh có thể sử dụng các loại kem, sữa rửa mặt hoặc thuốc điều trị tại chỗ. Những thành phần phổ biến có trong kem trị mụn giúp làm khô mụn, ngăn mụn mới hình thành và tiêu diệt vi khuẩn gây mụn.

Cũng có thể dùng kem tẩy tế bào chết trên da, ngăn ngừa lỗ chân lông bị tắc nghẽn nhưng nên lưu ý là mặc dù những loại trên không cần bác sĩ kê đơn nhưng người bệnh nên tham khảo ý kiến của giới chuyên môn, tránh tự ý mua về dùng vì cơ địa của mỗi người mỗi khác nhau.

Mức độ vừa: Nếu sau vài tuần điều trị mụn bằng những loại kem, thuốc không kê đơn mà triệu chứng vẫn không hết, người bệnh nên đi khám bác sĩ da liễu. Bác sĩ sẽ hướng dẫn những loại thuốc giúp giảm triệu chứng và ngăn ngừa sẹo.

Mức độ nặng: Nếu bị mụn trứng cá nặng, bác sĩ da liễu có thể kết hợp một hoặc nhiều liệu pháp gồm thuốc kháng sinh, kháng viêm, thuốc bôi tại chỗ, ngoài ra bác sĩ cũng có thể cho sử dụng thuốc kiểm soát nội tiết tố.

Phòng ngừa mụn trứng cá

Không thể ngăn ngừa hoàn toàn mụn trứng cá mà chỉ có thể áp dụng một số biện pháp nhằm giảm nguy cơ phát sinh mụn trứng cá:

Giữ gìn da mặt sạch sẽ, nhất là buổi tối trước khi ngủ, không rửa mặt bằng những loại mỹ phẩm, sữa rửa mặt, xà bông có chứa nhiều dầu. Không trang điểm bằng những loại kem, phấn có chứa dầu.

Khi thấy nổi mụn tứng cá, không sờ, nắn, bóp hoặc nặn khi mụn hãy còn non. Chỉ nặn khi mụn đã xuất hiện đầu đen. Rửa mặt, rửa tay trước khi nặn.

Với những người gặp phải tình trạng “mồ hôi dầu”, hạn chế các thức ăn có nhiều chất béo, tránh thức khuya nếu không thật cần thiết, uống đủ nước hàng ngày (từ 1,5 lít đến 2 lít), tránh táo bón bằng cách ăn đủ chất xơ (rau, củ, trái cây) vì táo bón cũng là nguyên nhân gây nổi mụn.

Đến phòng khám, bệnh viên chuyên khoa da liễu nếu xuất hiện mụn bọc, mụn mủ, da mặt nhiễm trùng.

BS. NGUYỄN VIẾT SƠN
(Phòng khám Da liễu Bs Sơn, TP.HCM)

 

.
.
.