Trẻ bị tự kỷ

Thứ Sáu, 26/05/2023, 20:17 [GMT+7]
In bài này
.

Thưa bác sĩ, tôi có một con trai năm nay 6 tuổi. Ngay từ lúc cháu lên 3 đến nay, tôi thấy cháu có những biểu hiện bất thường về tâm lý như không thích chơi với ai, không tập trung khi nghe cha mẹ nói, mau quên, khó đánh vần bảng chữ cái và các con số đơn giản, nét mặt không biểu cảm khi được khen hoặc bị la mắng…  Xin bác sĩ vui lòng cho biết nguyên nhân và cách chữa trị. Rất cảm ơn bác sĩ.

Nguyễn Thị Xuân, xã Bình Ba, huyện Châu Đức

Chào chị Xuân, qua những mô tả của chị thì cháu có khả năng đã mắc chứng tự kỷ.

Tự kỷ là các rối loạn thần kinh đặc trưng, thể hiện bằng hiện tượng không bình thường trong giao tiếp do phát triển trí tuệ không đều.

Triệu chứng tự kỷ xuất hiện rất sớm, ngay từ giai đoạn thơ ấu, thường là khi bắt đầu đi học mà có những nguyên nhân chưa được xác định rõ ràng. Các dấu hiệu dễ nhận thấy nhất vào lúc này là trẻ chậm tiếp thu, mau quên, nói chậm hoặc khó nói, khó đọc.

Ngoài ra, trẻ còn có thể rối loạn tăng động (không chú ý khi nghe cha mẹ, anh chị, thầy cô, bạn bè nói, không chịu ngồi yên một chỗ, chẳng hạn như khi ăn cơm, trẻ ném muỗng đũa ra nơi khác…).

Bên cạnh đó, trẻ còn có thể bị thiểu năng trí tuệ (thí dụ dạy cho trẻ biết hai màu đen trắng nhưng sau đó hỏi lại, trẻ không phân biệt được), khó giao tiếp với xã hội (khó diễn đạt ngôn ngữ cơ thể, cử chỉ và sự biểu đạt, giảm biểu cảm trên khuôn mặt), khó kết bạn, có các hành động khác thường, thí dụ như vỗ tay liên tục hoặc co các ngón tay, rất khó chịu khi có những thay đổi nhỏ trong bữa ăn hoặc quần áo, quan tâm bất thường về một vật nào đó, phản ứng quá mức hoặc chậm phản ứng với các kích thích đầu vào (thí dụ ghét một số loại mùi vị, không có sự thay đổi rõ ràng với cảm giác đau hoặc nóng lạnh).

Hiện tại, nguyên nhân gây ra chứng tự kỷ được các nhà y học kết luận, gồm:

Di truyền: Một trẻ bị tự kỷ thì đứa em tiếp theo của nó khi sinh ra cũng có thể bị tự kỷ (tỉ lệ từ 3 đến 10%), nữ bị nhiều hơn nam.

Sinh non: Các nghiên cứu cho thấy trẻ sinh thiếu tháng (sinh non) cũng dễ bị tự kỷ. Theo thống kê của Hiệp hội Tâm thần thế giới, cứ 1.000 trẻ sinh thiếu tháng (từ 1 đến 2 tháng) thì có 2 đến 3 trẻ mắc chứng tự kỷ sau 3 tuổi. Nó có liên quan đến một số vùng gien nghi ngờ, bao gồm các gien dẫn truyền thần kinh.

Não bộ: Sự khác nhau về cấu trúc và chức năng của tiểu não, hạch hạnh nhân, vỏ não trán và nhân thân não cũng có thể là nguyên nhân gây ra tự kỷ. Còn việc tiêm chủng các bệnh đậu mùa, uốn ván, viêm gan, viêm não… hoàn toàn không phải là nguyên nhân và cũng không liên quan gì đến tự kỷ.

Hiện tại, việc điều trị cho trẻ tự kỷ được phối hợp bằng những bài tập về thay đổi hành vi, nhận thức tâm lý, ngôn ngữ cùng một số thuốc.

Vì vậy, chị nên đưa cháu đến bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán nhắm xác định cháu có thật sự bị tự kỷ hay không, và nếu bị thì ở mức độ nào. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ tư vấn cho chị về các liệu pháp tâm lý.

Tuyệt đối không nên nghe theo những hướng dẫn trên mạng hoặc của người khác, rằng phải uống thuốc này, thuốc kia hoặc cúng bái, mời thầy về “trừ tà”, đồng thời điều chỉnh chế độ ăn uống, cân bằng giữa chất bột (cơm, phở, bánh mì, bún…), chất đạm (thịt, cá, trứng…), chất béo (pho mai, bơ), rau củ, trái cây, tạo điều kiện cho trẻ giao tiếp, trước hết là với những người trong gia đình, bạn bè trong lớp…

LÊ DUY
(BS Chuyên khoa 1 Tâm thần, BV Tâm Trí, TP.HCM)

 

;
.