.
CẢNH BÁO TAI NẠN ĐUỐI NƯỚC Ở TRẺ EM

Bài 1: Sau giờ học, các em không về nữa...

Cập nhật: 20:02, 24/03/2023 (GMT+7)

Tan học, những đứa trẻ hiếu động chưa vội về nhà. Và đó thường là khoảnh khắc bi kịch xảy ra.

Một vụ tai nạn đuối nước làm 4 nữ sinh tử vong tại hồ Suối Các (huyện Xuyên Mộc) năm 2022.
Một vụ tai nạn đuối nước làm 4 nữ sinh tử vong tại hồ Suối Các (huyện Xuyên Mộc) năm 2022.

Những khoảnh khắc bàng hoàng

Chiều 19/3, nhóm 5 học sinh cấp 3 trên địa bàn huyện Châu Đức rủ nhau đến hồ Đá Bàng (thôn Phước Trung, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức) chơi. Sau đó, 3 trong 5 em xuống hồ tắm và mò trai. Bất ngờ 2 em bị đuối nước vùng vẫy, kêu cứu và chìm dần.

Một em trong nhóm bơi ra cứu nhưng bất thành. Sự việc nhanh chóng được trình báo lên Công an xã Đá Bạc. Đến đêm khuya cùng ngày, lực lượng chức năng đã tìm vớt được 2 nạn nhân và bàn giao cho gia đình đưa về mai táng.

Trước đó, vào chiều 6/1, một nhóm học sinh tới hồ chứa nước Kim Long (thôn Tân Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức) vui chơi cũng xảy ra vụ đuối nước khiến 2 em tử vong. Các nạn nhân đều là học sinh cấp 3 trên địa bàn huyện Châu Đức. Các em đến hồ Kim Long vui chơi sau khi kết thúc buổi thi ở trường.

Gần đây, tại hồ nước vốn là mỏ đá sau khai thác ở phường Kim Dinh (TP. Bà Rịa) cũng xảy ra vụ đuối nước thương tâm khi các em học sinh lớp 5 ra hồ vui chơi và một học sinh nam trượt chân té xuống hồ tử vong.

Nhiều năm nay, cứ đến mùa khô tình trạng đuối nước ở lứa tuổi thiếu niên lại diễn biến xấu, đáng báo động. Theo thống kê của Sở LĐ-TB-XH tỉnh, trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 10 vụ làm 14 trẻ đuối nước, tăng 4 vụ/ 8 trẻ so với năm 2021. Riêng từ đầu năm 2023 đến nay đã xảy ra ít nhất 3 vụ làm 5 người tử vong do đuối nước.

Tháng 8/2022, Sở LĐ-TB-XH tỉnh đã phối hợp với Sở NN-PTNT (Chi cục Thủy lợi) tổ chức kiểm tra, khảo sát tại các huyện Xuyên Mộc, Châu Đức và TX. Phú Mỹ là những địa phương có nhiều vụ xảy ra đuối nước trẻ em.
Theo đó, tại xã Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc) có 170 điểm có nguy cơ xảy ra đuối nước, trong đó có 1 hồ, 7 đập tại cộng đồng,162 ao tại nhà dân. Riêng tại hồ Suối Cát nơi đã có khoảng hơn 20 trường hợp đuối nước từ trước đến nay có diện tích lớn, có nhiều hố sâu do đào múc. Tại xã Tân Lâm có 47 điểm nguy cơ đuối nước ở trẻ em gồm: 5 ao, 3 đập, 2 sông suối tại cộng đồng, 37 ao tại nhà dân. Tại huyện Châu Đức, có hồ Suối Rao, các ao hồ trong khu du lịch của tư nhân, hồ Đá Bàng…cũng tiềm ẩn nguy cơ đuối nước. Còn tại TX.Phú Mỹ có nhiều địa điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đuối nước ở trẻ như Đập sáu cửa, Suối Đá, hồ nước thuộc địa bàn quản lý của đơn vị Tăng thiết giáp (cùng ở xã Tân Hải), các mỏ đất sét ở phường Mỹ Xuân...

Nguy hiểm ẩn dưới mặt hồ phẳng lặng

Chúng tôi đã đến các hồ thường xảy ra tai nạn đuối nước trên địa bàn tỉnh và ghi nhận được cảnh rất nhiều người dân và trẻ em thường đến vui chơi, thả diều vào giờ xế chiều.

Hồ Đá Bàng (huyện Châu Đức) vào mùa khô nên nước rút sâu, để lộ bãi cạn trải dài và rộng nhiều ha. Nơi này đã trở thành điểm đến vui chơi quen thuộc của nhiều người dân địa phương lẫn các tỉnh lân cận.

Có mặt tại hồ Đá Bàng một ngày sau vụ đuối nước khiến 2 học sinh tử vong, PV ghi nhận cảnh nhiều nhóm học sinh và cả người lớn tới đây để vui chơi và thả diều. Có nhóm học sinh còn tụ tập câu cá và xuống hồ tắm. Nhiều cặp vợ chồng chở theo con nhỏ mang diều ra thả, để con nhỏ vô tư vui chơi bên mép nước mà thiếu sự quan sát.

Anh H.Đ.K (người dân địa phương) cho biết, hồ Đá Bàng có khung cảnh đẹp nên người dân thường tới vui chơi và bơi lội. Tuy nhiên, hồ nước này rất nguy hiểm, mỗi năm đều xảy ra nhiều vụ đuối nước. “Khu vực xảy ra tai nạn mực nước chỉ có ngang đầu gối, nhưng bước thêm 1 bước là nước sâu lút đầu, hụt chân là bị chìm ngay”, anh H.Đ.K. cảnh báo.

Trong khi chúng tôi thực hiện loạt bài viết này, chiều 24/3/2023, đã  xảy ra vụ tai nạn đuối nước làm 2 học sinh tại một trường THCS ở xã Tân Lâm (huyện Xuyên Mộc) tử vong, 2 em gặp nạn khi tắm ở hồ Sông Ray. Lực lượng chức năng  đã tìm kiếm được thi thể của nạn nhân trong buổi chiều cùng ngày.

Còn tại hồ Kim Long, xung quanh hồ được Huyện Đoàn Châu Đức, Trung tâm Quản lý Công trình thủy lợi tỉnh đã cắm nhiều bảng cảnh báo khu vực nước sâu nguy hiểm cấm bơi lội và đánh bắt cá. Thậm chí, Chi nhánh Cấp nước Châu Đức còn cắm biển và bố trí phao cứu sinh phòng chống đuối nước ngay tại bờ đập.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Hiếu, Giám đốc Trung tâm Quản lý khai thác công trình thuỷ lợi - Sở NN-PTNT (Trung tâm QLKTTL) cho biết, khi xây dựng hồ chứa, máy móc đào dọn cây cối thường để lại các hố, việc san mặt bằng cũng chỉ tương đối không thể bằng phẳng. Trước khi hình thành lòng hồ là nơi các hộ dân sinh sống nên họ đào ao, giếng nên tạo thành các hố sâu. Người dân và các em học sinh chủ quan xuống hồ chơi dễ bị hụt chân.

“Các công trình thuỷ lợi nhìn phẳng lặng, nước trên bề mặt ấm nhưng khi xuống lại rất lạnh. Nếu hụt chân rơi xuống dễ bị chuột rút ngay cả người biết bơi cũng dễ gặp nạn”, ông Trần Văn Hiếu phân tích.

Bài, ảnh: MẠNH QUÂN-TRẦN TIẾN

 

 

.
.
.