.
GỠ VƯỚNG CHO BỆNH VIỆN, TRUNG TÂM Y TẾ TUYẾN HUYỆN

Kỳ cuối: Cần có cơ chế, chính sách đặc thù

Cập nhật: 18:42, 23/03/2023 (GMT+7)

Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc về nhân sự lẫn trang thiết bị y tế và cơ sở vật chất đòi hỏi phải thay đổi cơ chế, có chính sách hỗ trợ kịp thời để các bệnh viện, TTYT tuyến huyện vượt qua chông gai, ổn định hoạt động.

Bệnh viện Bà Rịa đã được UBND tỉnh cấp kinh phí sửa chữa một số trang thiết bị y tế như máy CT Scanner 128 lát cắt. Trong ảnh: Đoàn công tác Ban VH-XH, HĐND tỉnh khảo sát trang thiết bị y tế tại Bệnh viện Bà Rịa.
Bệnh viện Bà Rịa đã được UBND tỉnh cấp kinh phí sửa chữa một số trang thiết bị y tế như máy CT Scanner 128 lát cắt. Trong ảnh: Đoàn công tác Ban VH-XH, HĐND tỉnh khảo sát trang thiết bị y tế tại Bệnh viện Bà Rịa.

Thu hút, giữ chân nhân viên y tế

Lãnh đạo các bệnh viện, TTYT tuyến huyện đều nhận định, chế độ tiền lương và phụ cấp cho nhân viên y tế còn thấp, chưa phù hợp, không bảo đảm cuộc sống, trong khi áp lực công việc cao. Đây là nguyên nhân hàng đầu khiến nhiều người nghỉ việc, chuyển công tác. Tình trạng này có dấu hiệu gia tăng trở thành nỗi lo, trăn trở của lãnh đạo nhiều đơn vị y tế. Trước mắt các cơ sở y tế đã chủ động xoay xở, thực hiện các giải pháp từ nội lực để thu hút, giữ chân đội ngũ bác sĩ. Tuy nhiên, về lâu dài cần phải có cơ chế, chính sách riêng cho đội ngũ này.

Bác sĩ Hồ Lộc, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh chia sẻ, mức thu nhập bình quân của nhân viên y tế và người lao động của bệnh viện hơn 7,7 triệu đồng/tháng, gồm lương và các phụ cấp theo quy định hiện hành. Là đơn vị y tế đặc thù nên nhiều năm qua, Bệnh viện Tâm thần tỉnh không tuyển được đội ngũ bác sĩ. Vì thế, bệnh viện mong muốn tỉnh sớm có chế độ ưu tiên dành cho nhân viên y tế công tác tại đây.

Tỉnh cần có chế độ, chính sách ưu đãi nhằm thu hút và giữ chân đội ngũ nhân viên y tế. Trong ảnh: Bác sĩ TTYT huyện Châu Đức khám bệnh cho người dân.
Tỉnh cần có chế độ, chính sách ưu đãi nhằm thu hút và giữ chân đội ngũ nhân viên y tế. Trong ảnh: Bác sĩ TTYT huyện Châu Đức khám bệnh cho người dân.

“Bệnh viện có danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm (nhóm IV, V) do Bộ LĐ-TBXH quy định nên nhân viên y tế chịu không ít áp lực. Do vậy, tỉnh cần có chính sách riêng thu hút, giữ chân nhân viên y tế ở đây”, bác sĩ Hồ Lộc đề xuất.

Bác sĩ Phan Châu Thanh, Giám đốc TTYT huyện Châu Đức bày tỏ, trung tâm đã xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ và hỗ trợ 200 ngàn đồng/bác sĩ/tua trực. Đây cũng là cách động viên và giữ chân đội ngũ bác sĩ. “Để nhân viên y tế “sống được” với nghề và gắn bó lâu dài với đơn vị, nhà nước cần phải tăng mức ưu đãi nghề cho toàn thể cán bộ viên chức, người lao động đang làm việc trong ngành y tế; tăng mức phụ cấp trực cho nhân viên làm công tác chuyên môn y tế”, bác sĩ Phan Châu Thanh nói.

Ngoài ra, các TTYT ở các huyện Long Điền, Đất Đỏ và Xuyên Mộc đều có những kiến nghị tương tự về nhân sự ở tuyến huyện và cơ sở. Các đơn vị này đề nghị UBND tỉnh có cơ chế thu hút bác sĩ về tuyến huyện, xã để tăng thêm nguồn lực cho tuyến trước. Có chính sách đặc thù, hỗ trợ nhân viên y tế đang công tác và kinh phí đào tạo cho các lớp bồi dưỡng sau đại học.

Một số đơn vị y tế đã tìm cách xoay xở, hỗ trợ cho nhân viên y tế, tuy nhiên, về lâu dài, cần có các cơ chế, chính sách riêng dành cho đội ngũ này. Trong ảnh: Bác sĩ Bệnh viện Vũng Tàu cấp cứu bệnh nhân.
Một số đơn vị y tế đã tìm cách xoay xở, hỗ trợ cho nhân viên y tế, tuy nhiên, về lâu dài, cần có các cơ chế, chính sách riêng dành cho đội ngũ này. Trong ảnh: Bác sĩ Bệnh viện Vũng Tàu cấp cứu bệnh nhân.

Cùng với đó, ngành cũng đề ra các giải pháp khắc phục thiếu hụt nguồn lực như: Tiếp tục liên kết với các trường đại học, bệnh viện tuyến trên có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để đội ngũ y, bác sĩ tại các đơn vị tham gia học tập nhằm phát triển nguồn nhân lực có chuyên môn sâu theo định hướng phát triển của ngành; tiếp tục phân công các bác sĩ đào tạo theo địa chỉ của tỉnh về công tác tại y tế tuyến cơ sở; tăng cường thu hút bác sĩ trình độ cao, tay nghề giỏi về tỉnh làm việc cũng như thu hút nguồn nhân lực đối với các vị trí việc làm khó tuyển dụng tại các bệnh viện, TTYT như: chuyên khoa tâm thần, lao, phong.

Hỗ trợ về kinh phí

Bác sĩ Dương Thanh, Giám đốc Bệnh viện Bà Rịa cho biết, sau đại dịch COVID-19, bệnh viện gặp nhiều khó khăn về tài chính. Trong năm 2023, bệnh viện cần 65,7 tỷ đồng sửa chữa các trang thiết bị y tế. Trong đó, UBND tỉnh đã cấp 20,6 tỷ đồng. Vì vậy, bệnh viện kiến nghị UBND tỉnh cấp thêm cho bệnh viện 45,1 tỷ đồng. Ngoài ra, bệnh viện còn cần khoảng 26,5 tỷ đồng để bảo dưỡng, thay thế linh kiện định kỳ theo khuyến cáo của nhà sản xuất và 2,3 tỷ đồng thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn các trang thiết bị y tế và chi phí tổ chức đấu thầu.

Thời gian qua, tập thể các bệnh viện, TTYT tuyến huyện đã cố gắng vượt qua khó khăn, duy trì và ổn định hoạt động. Tuy nhiên, các bệnh viện, TTYT tuyến huyện vẫn còn nhiều vướng mắc cần phải tháo gỡ. Trước mắt, các đơn vị phải đưa ra các giải pháp của riêng mình và trong khả năng thực hiện được. Nếu vượt quá khả năng thì tỉnh sẽ tìm cách hỗ trợ trong phạm vi, thẩm quyền cho phép.
(Ông Nguyễn Văn Xinh, Trưởng Ban VH-XH, HĐND tỉnh)

Theo bác sĩ Dương Thanh, các trang thiết bị hiện có của bệnh viện đã bước sang năm thứ 9 sử dụng, việc bảo trì, sửa chữa chỉ bảo đảm hoạt động trong thời gian ngắn. Do đó, để hoạt động lâu dài, không bị gián đoạn trong chăm sóc người bệnh, bệnh viện đề xuất các cấp có chủ trương đầu tư mới trang thiết bị cho bệnh viện theo từng giai đoạn. Trong đó, nhu cầu kinh phí để đầu tư mới trong giai đoạn 2023-2024 là 138,7 tỷ đồng, dùng thay thế các trang thiết bị đã hư hỏng, sửa chữa không hiệu quả về yêu cầu sử dụng và kinh tế, bổ sung các thiết bị chưa được đầu tư cho một số chuyên khoa. “Từ năm 2025, thời gian sử dụng các thiết bị y tế sẽ hơn 10 năm nên đề nghị các cấp cần có kế hoạch, đầu tư mới cho bệnh viện”, bác sĩ Dương Thanh đề xuất.

Bác sĩ Nguyễn Đình Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Vũng Tàu chia sẻ, kinh phí hoạt động của bệnh viện gặp khó khăn còn do vướng mắc chủ yếu về chính sách như giá thu dịch vụ khám chữa bệnh chưa tính đủ, mới tính được 5/7 yếu tố. Đơn cử, chi phí vận hành của Bệnh viện Vũng Tàu, gồm các hạng mục như: Chăm sóc cây xanh, thảm cỏ; sửa chữa, vận hành hệ thống thang máy, vệ sinh công nghiệp chưa có trong cơ cấu giá thu viện phí và phát sinh tăng do quy mô vượt quá khả năng tự chủ của đơn vị. “Hiện chi phí vận hành của bệnh viện là 9,4 tỷ đồng. Chúng tôi đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ cho bệnh viện số tiền này”, bác sĩ Nguyễn Đình Tuấn bày tỏ.

Sở Y tế đang nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về “Quy định mức hỗ trợ, động viên đối với đội ngũ công chức, viên chức và người lao động đang công tác tại các cơ quan, đơn vị ngành y tế tỉnh”, “Chính sách hỗ trợ tiền ăn cho bệnh nhân tâm thần điều trị nội trú tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh” và “Chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút bác sĩ để phát triển nguồn nhân lực chuyên môn ngành y tế trên địa bàn tỉnh”.
(Bác sĩ Phạm Minh An, Giám đốc Sở Y tế)

Bài, ảnh: TUỆ LÂM

.
.
.