.
BỆNH VIỆN BÀ RỊA THÔNG TIN VỀ VỤ SẢN PHỤ TỬ VONG SÁNG 31/1

Sẽ đưa ra hình thức xử lý đối với các cá nhân, tập thể có liên quan

Cập nhật: 20:11, 03/02/2023 (GMT+7)

Sáng 3/2, Bệnh viện Bà Rịa đã gặp gỡ báo chí để thông tin về trường hợp sản phụ tử vong vào sáng 31/1.

Bệnh viện Bà Rịa cung cấp thông tin cho báo chí về nguyên nhân khiến sản phụ L. tử vong.
Bệnh viện Bà Rịa cung cấp thông tin cho báo chí về nguyên nhân khiến sản phụ L. tử vong.

Theo thông tin từ người nhà, sản phụ H.T.B.L., SN 1990, ở xã Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc) mang thai lần thứ 3, nhập viện vào lúc 21 giờ ngày 30/1 tại Khoa Sản. Khi vào viện, thai nhi đã quá 4 ngày so với ngày dự sinh. Người nhà xin được mổ bắt con nhưng không được bác sĩ đồng ý. Khi sản phụ lên cơn co giật mới được bác sĩ phẫu thuật và người mẹ tử vong sau đó, người con trong tình trạng nguy kịch nên được bệnh viện chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.Hồ Chí Minh) cấp cứu. Mặc dù đã được Bệnh viện Bà Rịa giải thích nguyên nhân tử vong của sản phụ L., nhưng người nhà cho rằng, nhân viên y tế của bệnh viện thiếu trách nhiệm nên mới dẫn đến điều đau lòng này.

Trả lời báo chí về trường hợp sản phụ L., bác sĩ Phan Văn Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện Bà Rịa cho biết, bệnh nhân nhập viện vào lúc 21 giờ ngày 30/1 tại Khoa Sản. Tại đây, các bác sĩ trực đã thăm khám, xác định sức khỏe sản phụ bình thường nhưng có đa ối và được theo dõi chờ sinh. Đến 2 giờ sáng ngày 31/1, sản phụ  L. rơi vào tình trạng kích thích, bứt rứt, huyết áp tụt, nhịp tim tăng, nữ hộ sinh đã báo lại bác sĩ ca trực và triệu chứng này càng trở nặng hơn. Sau đó, bác sĩ đã mổ cấp cứu để cứu em bé và nhanh chóng hồi sức hô hấp tuần hoàn, hồi sức rối loạn đông máu cho người mẹ nhưng đã không cứu sống được sản phụ. Em bé sau khi mổ cũng rơi vào tình trạng xấu nên Bệnh viện Bà Rịa đã chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP. Hồ Chí Minh) để cấp cứu. Hiện em bé vẫn trong tình trạng nguy kịch.

Bác sĩ Thành thông tin thêm, nguyên nhân dẫn đến sản phụ L. tử vong là bị thuyên tắc ối. Đây là biến chứng sản khoa hiếm gặp, xảy ra đột ngột, bất ngờ, không tiên lượng trước được. Hơn nữa, bác sĩ trực còn thiếu kinh nghiệm nên đã không nhận định được đây là ca bị thuyên tắc ối. Cũng theo bác sĩ Thành, trong y khoa thuyên tắc ối không có tiêu chuẩn vàng nên rất khó xác định.

Tỷ lệ xảy ra tình trạng này là 1/100.000 ca. Khi bị thuyên tắc ối, người bệnh sẽ bị suy tuần hoàn, suy hô hấp, rối loạn đông máu. Trường hợp phát hiện sớm và cấp cứu kịp thời thì khả năng cứu sống em bé khoảng 50%, còn khả năng cứu được người mẹ chỉ khoảng 5-10%. Việc nhận định sản phụ L. bị thuyên tắc ối trễ làm cho khả năng cứu sống cả mẹ và con giảm đi. “Không có chuyện đội ngũ nhân viên y tế của Khoa Sản thiếu tinh thần trách nhiệm trong công việc mà thiếu kinh nghiệm trong nhận định tai biến sản khoa. Cách đây hơn 5 năm, bệnh viện cũng đã gặp sản phụ bị thuyên tắc ối nhưng dù cố gắng cấp cứu thì chỉ cứu sống  em bé, sản phụ tử vong”, bác sĩ Thành cho biết.

Bác sĩ Dương Thanh, Giám đốc Bệnh viện Bà Rịa khẳng định, qua rà soát hồ sơ cho thấy không có việc sản phụ và người nhà xin được mổ ngay sau khi nhập viện. Tuy nhiên, đây là một sự việc đáng tiếc nên lãnh đạo bệnh viện đã đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ kinh phí để gia đình tổ chức mai táng cho sản phụ.

Đồng thời thường xuyên liên hệ với Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.Hồ Chí Minh) để nắm bắt tình hình sức khỏe của em bé. “Bệnh viện sẽ tổ chức họp hội đồng kỷ luật để đưa ra các hình thức xử lý đối với các cá nhân, tập thể có liên quan đến sản phụ L.”, bác sĩ Dương Thanh, Giám đốc Bệnh viện Bà Rịa nói.

TUỆ LÂM

.
.
.