.

Cảnh giác với viêm phổi người lớn

Cập nhật: 19:34, 03/02/2023 (GMT+7)

Viêm phổi là căn bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới, bệnh không chỉ xảy ra ở trẻ em mà còn xảy ra ở người lớn, nhất là thời tiết Đông – Xuân khi nhiệt độ môi trường liên tục thay đổi, có sự chênh lệch giữa ngày và đêm lớn khiến người sức khỏe yếu không thích nghi dễ bị mắc bệnh.

Nguyên nhân gây bệnh viêm phổi thường gặp là vi khuẩn Streptococcus pneumoniae.
Nguyên nhân gây bệnh viêm phổi thường gặp là vi khuẩn Streptococcus pneumoniae.

Ngoài ra, điều kiện môi trường mùa xuân mưa ẩm cũng rất thuận lợi cho vi khuẩn, virus phát triển và lây lan, càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh của con người, nhất là với các bệnh hô hấp trong đó có viêm phổi.

Vi khuẩn là tác nhân gây viêm phổi phổ biến nhất

Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng nhu mô phổi kèm theo sản xuất dịch tiết trong phế nang. Bệnh xảy ra do các tác nhân vi khuẩn, virus, nấm và một số tác nhân khác, nhưng không bao gồm trực khuẩn lao.

Tình trạng viêm phổi nhẹ hoặc nặng tùy vào tác nhân gây bệnh, độ tuổi và sức khỏe tổng thể của người bệnh. Viêm phổi kéo theo hệ lụy nặng hơn thường gặp ở người lớn bị ức chế hoặc suy giảm miễn dịch, có bệnh lý nền kèm theo.

Theo số liệu thống kê, viêm phổi có thể xảy ra ở trẻ em và người lớn, trên toàn thế giới, ảnh hưởng đến khoảng 450 triệu người mỗi năm, và cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Tỷ lệ tử vong cao nhất là ở trẻ em (<5 tuổi) và người lớn tuổi (> 75 tuổi).

Các nguyên nhân gây bệnh viêm phổi thường gặp là vi khuẩn Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae. Ngoài ra, các vi khuẩn gây bệnh viêm phổi không điển hình là loại Legionella pneumoniae, Mycoplasma pneumoniae, Chlamydiae pneumoniae.

Người ta còn ghi nhận, các virus như: virus cúm, cúm gia cầm, virus hợp bào hô hấp, Adenovirus, Coronavirus… cũng có thể gây viêm phổi nặng. Thống kê cho thấy tỷ lệ nhiễm các loại virus chiếm khoảng 10% các bệnh nhân viêm phổi. Một số trường hợp khác do nấm hoặc ký sinh trùng.

Các tác nhân này có thể xâm nhập vào phổi theo các con đường hít phải vi khuẩn ở môi trường bên ngoài hoặc từ ổ nhiễm khuẩn của đường hô hấp trên… Viêm phổi còn thường gặp sau nhiễm khuẩn huyết, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, viêm tĩnh mạch nhiễm khuẩn…

Ai là đối tượng nguy cơ mắc viêm phổi?

Bệnh viêm phổi thường xảy ra vào mùa Đông-Xuân khi tiết trời lạnh hoặc thời tiết chuyển mùa dễ mắc viêm phổi. Ngoài người già cao tuổi dễ mắc thì người có nguy cơ viêm phổi là: Người bị suy giảm hệ miễn dịch; Người mắc bệnh phải nằm điều trị lâu; Người đã từng nằm viện trước đó hoặc vừa sử dụng kháng sinh trước đó… dễ mắc viêm phổi.

Nhưng với người lớn dễ mắc viêm phổi có nguyên nhân đơn giản như: tình trạng vệ sinh răng miệng kém, viêm lợi, người nghiện rượu, người hút thuốc lá… rất dễ mắc bệnh viêm phổi. Người mắc các bệnh lý trong đó có bệnh lý giãn phế quản, suy tim, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Bệnh tai mũi họng như viêm xoang, viêm amidan,… có thể dễ mắc viêm phổi.

Đối với người làm việc có nhiều khói bụi ô nhiễm môi trường... là các yếu tố thường gặp và là tác nhân thúc đẩy tình trạng viêm phổi. Thực tế thấy rằng không phải tất cả các trường hợp viêm phổi đều có thể tìm được nguyên nhân. Có tới 50% trường hợp không tìm được nguyên nhân gây bệnh mà thường chỉ ghi nhận các yếu tố nguy cơ thúc đẩy khiến tình trạng người bệnh mắc viêm phổi.

Không chủ quan với viêm phổi ở người lớn

Tùy từng nguyên nhân gây bệnh mà biểu hiện của viêm phổi có những điểm khác nhau, tuy nhiên, các biểu hiện phổ biến là người bệnh xuất hiện ho thường kèm theo cảm giác khan cổ họng. Có thể xuất hiện đờm có màu vàng, xanh hoặc có máu. Người bệnh có biểu hiện khó thở, tim đập loạn nhịp. Sốt nhẹ hoặc hơi sốt nên có người không cảm nhận được, thưởng chỉ cảm thấy mệt mỏi, uể oải.

Người bệnh viêm phổi thường xuyên đổ mồ hôi, ăn không cảm thấy ngon miệng, đau ngực khi bình thường và trở nặng hơn khi thở hoặc ho.

Các biểu hiện ít phổ biến hơn là tình trạng ho ra máu, nhức đầu, mệt mỏi, buồn nôn, thở khò khè, đau khớp và cơ.

Nếu không được điều trị đúng, viêm phổi nặng có thể gây ra các biến chứng tại phổi như: Suy hô hấp, xẹp một thùy phổi, áp xe phổi; Các biến chứng trong lồng ngực có thể là: tràn dịch màng phổi, tràn mủ màng phổi, viêm màng ngoài tim… Biến chứng xa có thể xảy ra là: Viêm nội tâm mạc cấp tính; Viêm khớp; Viêm màng não…

Cần làm gì để phòng viêm phổi?

Để phòng ngừa bệnh viêm phổi và đặc biệt là viêm phổi nặng chúng ta cần phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm virus, vi khuẩn từ người sang người bằng cách khi ra đường cần đeo khẩu trang, nhất là nơi tập trung lễ hội, nơi đông người, cần thường xuyên rửa tay,… Cần tiêm vaccine phòng cúm mỗi năm 1 lần.

Đối với người bị bệnh hô hấp mạn tính, đái tháo đường, bệnh gan mạn tính, bệnh thận mạn, tình trạng suy giảm miễn dịch, bệnh tim mạn, nghiện rượu, người lớn tuổi cần tiêm vaccine phế cầu 5 năm/lần. Tiêm các loại vaccine chống virus, vi khuẩn khác theo nhu cầu.

Nam giới không hút thuốc lá, thuốc lào, không lạm dụng rượu bia và giữ ấm cổ, ngực trong mùa lạnh. Ngoài ra, cần có lối sống lành mạnh giúp tăng sức đề kháng: ăn uống cân bằng dinh dưỡng, tập thể dục thường xuyên, ngủ và nghỉ ngơi đầy đủ.

‎Tất cả các trường hợp có biểu hiện của viêm phổi hoặc nghi ngờ viêm phổi đều cần đến gặp bác sĩ để khám, chẩn đoán và điều trị. Người bệnh không nên chủ quan, tự điều trị hay tự mua thuốc kháng sinh về uống. Điều trị không đúng cách có thể dẫn đến bệnh nặng hơn, gây ra biến chứng và làm tăng nguy cơ kháng kháng sinh.

BS. NGUYỄN ĐỨC LINH

Biện pháp tự nhiên giúp giảm ho do cảm lạnh

Ho do cảm lạnh là tình trạng ho kèm theo hắt hơi liên tục. Ho thường nhiều hơn vào ban đêm và khi thời tiết ấm lên thì biểu hiện cũng giảm dần. Đối với người bị ho do cảm lạnh thì vấn đề chăm sóc toàn diện kết hợp việc áp dụng một số biện pháp giảm ho tại nhà để nâng cao sức đề kháng và giảm ho là hết sức quan trọng.

Tuy nhiên, với các trường hợp ho kéo dài hoặc tái phát, ho có máu hoặc chất nhầy màu vàng xanh, sốt, đau đầu, thở khò khè hoặc có tiếng rít thì cần được thăm khám tại cơ sở y tế.

Các biện pháp giảm ho tại nhà

Mật ong: Mật ong chứa chủ yếu là đường, cũng như hỗn hợp các axit amin, vitamin, khoáng chất, sắt, kẽm và chất chống oxy hóa. Ngoài việc sử dụng như một chất làm ngọt tự nhiên, mật ong được sử dụng như một chất chống viêm, chống oxy hóa, kháng khuẩn và thường được sử dụng để chữa ho.

Trong một đánh giá về các nghiên cứu vào năm 2021, các nhà nghiên cứu tại Anh đã xem xét tác dụng của mật ong trong việc điều trị ho do các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên và phát hiện ra rằng mật ong vượt trội hơn so với cách chăm sóc thông thường, cả trong việc giảm ho và giúp ngăn ngừa nhu cầu dùng kháng sinh.

Cách sử dụng: Có thể dùng mật ong hấp lá hẹ, chanh ngâm mật ong, quất hấp mật ong hoặc thêm mật ong vào đồ uống nóng hay dùng trực tiếp đều có hiệu quả đối với ho. Tuy nhiên, cần tránh dùng mật ong cho trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi.

Gừng: Gừng chứa các hợp chất hoạt tính sinh học có đặc tính chống viêm, kháng khuẩn, có có thể làm giảm ho khan hoặc hen suyễn.

Cách sử dụng: Bạn có thể thêm gừng vào các món ăn, pha trà gừng hoặc chế biến các loại nước gừng như nước gừng - sả, gừng - chanh, gừng - mật ong...

Sử dụng đồ uống nóng: Một nghiên cứu từ năm 2008 của các nhà khoa học Anh cho thấy rằng, uống nước ấm có thể làm giảm ho, sổ mũi và hắt hơi. Ngoài ra, đồ uống nóng còn có tác dụng làm giảm bớt nhiều triệu chứng hơn, bao gồm đau họng, ớn lạnh và mệt mỏi.

Triệu chứng thường thuyên giảm ngay lập tức và duy trì trong một thời gian dài sau khi uống xong đồ uống nóng. Đồ uống nóng có thể bao gồm trà thảo mộc, nước ấm, nước ép trái cây ấm...

Bổ sung men vi sinh: Men vi sinh (pribiotic) không trực tiếp làm giảm ho, nhưng chúng có thể tăng cường hệ thống miễn dịch bằng cách cân bằng vi khuẩn trong ruột. Một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh có thể giúp chống lại các bệnh nhiễm trùng có thể gây ho.

Một phân tích tổng hợp khác được công bố vào năm 2016 tại Mỹ cho thấy rằng, việc bổ sung men vi sinh giúp giảm số lần trẻ bị nhiễm trùng đường hô hấp, điều này có thể gián tiếp làm giảm ho.

Một số loại thực phẩm giàu men vi sinh tự nhiên, bao gồm: Súp miso, sữa chua, kim chi, dưa cải bắp...

Ngoài các biện pháp trên, xông hơi hay súc miệng nước muối... cũng giúp làm giảm ho do làm loãng chất nhầy và sát khuẩn.

Cách phòng ngừa

Không phải lúc nào cũng có thể tránh bị cảm lạnh hoặc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác có thể dẫn đến ho, nhưng bạn nên thực hiện những lời khuyên sau đây để làm giảm nguy cơ: Tránh tiếp xúc với những người bị bệnh. Rửa tay thường xuyên. Cung cấp đủ nước cho cơ thể. Giảm căng thẳng. Ngủ đủ giấc. Dùng thực phẩm bổ sung tăng cường miễn dịch như kẽm, vitamin C và men vi sinh… Tránh uống rượu.

NGỌC CHÂU

 

.
.
.