Làm việc ca kíp, thời gian thường khép kín nên việc khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của công nhân lao động (CNLĐ) gặp nhiều khó khăn. Do vậy, CNLĐ rất mừng với đề xuất ưu tiên, bố trí ngân sách xây dựng, phát triển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong KCN của Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Công nhân Công ty TNHH E-TOP Việt Nam (KCN B1 Tiến Hùng, TX.Phú Mỹ) bày tỏ mong được tạo điều kiện
chăm sóc tốt hơn về khám, chữa bệnh tại một buổi gặp gỡ lãnh đạo LĐLĐ tỉnh. |
Mong có cơ sở khám bệnh trong KCN
Trò chuyện với nhiều công nhân, chúng tôi nhận thấy hầu hết họ đều rất ít khi đi khám bệnh bởi đặc thù công việc không có nhiều thời gian. Ở một số DN, công nhân muốn đi khám bệnh ngày thường thì phải làm thủ tục xin nghỉ nhưng rất khó khăn.
Anh Trần Đình Hưởng, CNLĐ làm việc trong KCN Đông Xuyên (TP.Vũng Tàu) cho biết, khi bị cảm sốt hoặc bệnh nhẹ, anh thường mua thuốc tự chữa trị. Chỉ khi nào cảm thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường, anh mới đến bệnh viện khám bệnh. “Mỗi lần đi khám bệnh phải xin nghỉ làm vì phải khám bệnh trong giờ hành chính chúng tôi mới được hưởng BHYT. Vì vậy, tôi cũng như nhiều công nhân khác rất mong được khám bệnh ngoài giờ hành chính mà vẫn được hưởng BHYT, bảo đảm quyền lợi của mình. Tôi cũng mong có một cơ sở khám chữa bệnh trong KCN để chúng tôi được chăm sóc tốt hơn về sức khỏe”, anh Hưởng cho biết.
Chị Trần Hải Anh, Công ty TNHH E-TOP Việt Nam (KCN B1 Tiến Hùng, TX.Phú Mỹ) cho biết, với đặc thù công việc sản xuất làm việc dây chuyền nên chị cũng như nhiều lao động trong công ty ít khi đi khám bệnh. Mỗi lần có bệnh nặng, chị phải xin nghỉ phép đi hơn 10km tới Trung tâm Y tế TX.Phú Mỹ khám, điều trị.
“Mải mê làm việc, chỉ mong tăng ca để có thêm khoản tiền trang trải cuộc sống nên công nhân chúng tôi thường ít có thời gian quan tâm tới sức khỏe. Hơn nữa, mỗi lần xin nghỉ để đi lại khám, chữa bệnh rất phức tạp nên nhiều người ái ngại. Vì vậy, tôi và nhiều công nhân trong công ty rất muốn có cơ sở khám bệnh trong KCN và được sắp xếp, bố trí khám sau giờ tan ca. Nếu có phòng khám trong KCN thì khi có vấn đề sức khỏe của tôi hay con cái, người thân thì việc đi khám rất gần”, chị Hải Anh cho biết.
Tương tự, chị Trần Thị Kịp, công nhân làm việc tại KCN Đông Xuyên (TP.Vũng Tàu) cho biết, chị là lao động chính trong gia đình. Chồng mất sớm, chị vừa nuôi 2 con nhỏ, vừa nuôi bố mẹ chồng già yếu. Một mình phải xoay xở đủ việc nên chị không có thời gian để chăm sóc sức khỏe bản thân. Chị rất mừng khi nghe có đề xuất xây dựng cơ sở khám, chữa bệnh trong KCN.
Quan tâm sức khỏe người lao động
Tổng LĐLĐ Việt Nam vừa có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Bộ Y tế góp ý về Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Theo đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam kiến nghị bổ sung khu chế xuất, KCN, nơi tập trung đông công nhân cần được ưu tiên, bố trí ngân sách để xây dựng, phát triển cơ sở khám, chữa bệnh.
Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, đây là yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết, bởi KCN, khu kinh tế, khu chế xuất là các địa bàn tập trung đông CNLĐ, song hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh rất ít. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của CNLĐ. Việc phát triển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại nơi có đông CNLĐ đáp ứng điều kiện làm việc (có ít thời gian, đi làm sớm, về muộn) của CNLĐ. Đồng thời có khả năng giải quyết các thảm họa, sự cố y khoa (dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm, chảy nổ…).
Ngoài đề nghị bổ sung CNLĐ là đối tượng cần được quan tâm trong khám, chữa bệnh, Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng kiến nghị cần có chính sách cụ thể để tạo điều kiện cho CN dễ dàng tiếp cận và thuận lợi hơn trong khám, chữa bệnh. Đặc biệt là khám, chữa bệnh ngoài giờ hành chính vẫn được thanh toán BHYT.
Trước đó, tại cuộc đối thoại của Thủ tướng Chính phủ với CNLĐ cả nước, được tổ chức tại tỉnh Bắc Giang vào tháng 6/2022, nhiều CNLĐ cũng đã nêu nguyện vọng xây dựng bệnh viện gần các KCN, nhà máy, nơi tập trung đông CNLĐ.
Mới đây, góp ý về Luật khám, chữa bệnh (sửa đổi) nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung CNLĐ là đối tượng cần được quan tâm trong khám bệnh, chữa bệnh, cần có chính sách cụ thể để họ dễ dàng tiếp cận và thuận lợi hơn.
Phát biểu tại các buổi gặp gỡ, tìm hiểu đời sống việc làm tâm tư và nguyện vọng của nữ CNLĐ vừa qua, ông Nguyễn Bá Hùng, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết, mục tiêu của chương trình là lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của CNLĐ. Trong đó, các ý kiến, kiến nghị của CNLĐ về chế độ, chính sách, chăm sóc sức khỏe, đời sống… rất chính đáng.
“Chúng tôi ghi nhận, trân trọng những ý kiến đóng góp thẳng thắn của nữ CNLĐ. Các vấn đề CNLĐ phản ánh sẽ được tổng hợp gửi các ngành chức năng, các cấp chính quyền có liên quan nhằm đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp để đáp ứng nguyện vọng, mong muốn của công nhân”, ông Nguyễn Bá Hùng nhấn mạnh.
Bài, ảnh: NHÃ UYÊN