Sau khi Báo Bà Rịa-Vũng Tàu đăng bài phản ánh vụ việc cô C.T.B.T., GV Trường TH Bàu Lâm (xã Bàu Lâm, huyện Xuyên Mộc) đánh HS bầm tím, dư luận xã hội đã có nhiều ý kiến xung quanh cách ứng xử của GV và phụ huynh.
GV Trường TH Bùi Thị Xuân (TP. Vũng Tàu) an ủi, vỗ về HS lớp 1 trong ngày tựu trường. |
Khi hình ảnh về thầy cô xấu xí trong mắt trẻ
Sau khi thông tin về vụ việc được đăng tải, trên mạng xã hội đã có hàng trăm bình luận xung quanh vấn đề này. Một tài khoản Facebook mang tên Hà Nhi bức xúc: “Không kìm chế được cơn nóng giận thì đừng chọn nghề giáo… Nghề nào cũng có đặc thù riêng. Nghề này cần tính kiên nhẫn thì khỏi bàn cãi. Vì sao người người tôn vinh nghề giáo?!”. Một tài khoản Facebook khác bình luận: “Mỗi thời kỳ có cách giáo dục khác nhau. Không thể so sánh thời xưa GV đánh thế này thế kia so với thế hệ hiện tại. Cách giáo dục cần được thay đổi theo tình hình thực tế xã hội. Đòn roi đôi khi lại phản tách dụng. Mong quý thầy cô nhẹ nhàng hơn và có hướng xử lý khác thay vì dùng hành động tay chân”. Nhiều cư dân mạng khác cho rằng hình thức kỷ luật cảnh cáo chưa thích đáng so với hành vi vi phạm của GV này.
Đáng chú ý, tài khoản Facebook mang tên Dân Dân đã có bài viết: “Tại sao lại phải đăng Facebook khi con mình bị GV đánh, mà không tìm cách ứng xử khác”. Người này viết: “Hai ngày nay, trên các trang mạng xã hội, nhiều bạn sao chép hình ảnh và đăng tải một HS lớp 1 bị cô đánh. Sau đó có bạn bình luận rất nhân văn, nhưng cũng có bạn bình luận rất ác ý, khi mà sự việc chưa xác minh làm rõ. Phụ huynh thì không kiềm chế được cảm xúc tiêu cực tốt nhất có thể, nếu bình tĩnh hỏi con sự tình vì sao cô đánh con, thì sự việc không đi quá xa mà có lúc còn ảnh hưởng tới tâm lý của con. Dẫu biết rằng con mình dứt ruột đẻ ra, ông bố bà mẹ nào mà không đau lòng khi con bị đánh. Nhưng ứng xử của cha mẹ hết sức quan trọng cho sự định hình nhân cách cả cuộc đời của con. Cha mẹ có thể thẳng thắn nói với con rằng cô đánh con là không đúng, nhưng đừng hạ thấp hay mạt sát cô. Khi hình ảnh về thầy cô xấu xí trong mắt trẻ, còn ai dạy được trẻ nên người?!!!”
Tài khoản Facebook này bày tỏ quan điểm: “Theo ý kiến riêng của tôi thì dù hoàn cảnh nào, “ăn miếng trả miếng” với thầy cô giáo là điều không nên. Nếu con bạn bị tổn thương nghiêm trọng vẫn luôn có cách giải quyết thông qua Hội phụ huynh, Hội đồng nhà trường. Lý do quan trọng nhất, đó là một bài học giáo dục hết sức lớn lao với con. Con cái sẽ có cách cư xử với các GV sau này (và cả những người khác) theo cách mà cha mẹ đã làm. Ăn thua đủ hay làm “nhục” GV khiến con ỷ lại vào “quyền năng” của bố mẹ và con trẻ “học” được từ bố mẹ lối ứng xử đó. Việc đăng tải lên mạng xã hội cần phải hết sức thận trọng. Đặc biệt là hình ảnh trẻ em không nên tùy tiện đăng, khi chưa được sự đồng ý… Việc làm tốt nhất là thường xuyên liên lạc với GV để phối hợp với thầy cô trong việc giáo dục con. Nếu GV bị xử lý càng nhiều thì càng thu mình, vô cảm nên việc giáo dục sẽ khó tiến bộ”.
Là phụ huynh có con học lớp 1, anh Đỗ Văn D., phụ huynh HS một trường TH tại TP. Vũng Tàu cho rằng, em HS trên bị GV đánh do chậm tiếp thu là điều rất đáng suy nghĩ, khi mà HS lớp 1 mới “chập chững” bước vào năm học này chưa đầy 10 ngày và 2 năm học trước, thời gian các con đến trường cũng “bập bõm” do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. “Là GV đã kỳ vọng quá lớn, đặt ra quá nhiều yêu cầu cho các em? Hay căn nguyên của vấn đề là do tình trạng nhiều HS khác đã học trước chương trình lớp 1 nên những HS không học trước bị coi là chậm tiếp thu, chậm tiến bộ và bị phân biệt đối xử?”, anh D. băn khoăn.
GV cần học cách kiểm soát cảm xúc
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh Đạt, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Xuyên Mộc, thời gian qua, ngành giáo dục rất chú trọng đến việc tuyển truyền, quán triệt, tăng cường các biện pháp phòng chống bạo lực học đường, xâm hại trẻ em trong các cơ sở giáo dục. Do đó, bản thân mỗi GV cũng ý thức rất rõ việc không được xâm phạm thân thể HS. Tuy nhiên, trong trường hợp này, cô C.T.B.T đã không kiềm chế, kiểm soát được cảm xúc của bản thân, dẫn tới hành động bột phát, gây tổn thương cho bé N.
Bản chất của sự việc không phải là cố tình hành hạ bé. Sau khi xảy ra sự việc, cô T. đã nhận ra sai lầm của mình và tới nhà em N. ngay trong tối hôm đó để xin lỗi. Cô T. vốn là GV có năng lực, trách nhiệm và uy tín, đây cũng là lần đầu tiên cô T. vi phạm nên hình thức kỷ luật cảnh cáo là phù hợp với quy định của pháp luật nói chung và của ngành giáo dục nói riêng.
Ông Nguyễn Hoàng Anh Đạt cho hay, ngoài các giải pháp ngăn chặn, phòng ngừa, xử lý tình trạng bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục đã và đang được ngành triển khai, Phòng GD-ĐT huyện đề xuất Sở GD-ĐT tổ chức cho GV tham gia lớp tập huấn để học cách kiểm soát cảm xúc, từ đó GV sẽ có cách ứng xử phù hợp trong các tình huống sư phạm. Bên cạnh đó, ông Đạt cũng mong rằng phụ huynh có cách xử lý phù hợp hơn khi có những sự việc tương tự xảy ra. Phụ huynh nên bình tĩnh nhìn nhận sự việc, tìm hiểu, trao đổi với GV, nhà trường và thận trọng khi đưa thông tin lên mạng xã hội.
HOÀNG DƯƠNG
Ông Nguyễn Hoàng Anh Đạt, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Xuyên Mộc cho biết, ngày 17/9, lãnh đạo huyện và Phòng GD-ĐT đã tới thăm em N. Sức khỏe và tâm lý của em ổn định, không còn vết bầm tím. Ngày 19/9, em N. đã đi học trở lại, được Ban giám hiệu nhà trường và GV quan tâm nên tâm lý của em rất thoải mái. Chiều cùng ngày, lãnh đạo huyện, xã, phòng tiếp tục tới thăm em N., nắm bắt tình hình ngày đầu em đi học lại. |