TIN LIÊN QUAN:
LTS: Từ loạt phóng sự “Bất cập trong tuyển sinh lớp 6 nguồn”, TS. Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Quản trị Tri thức KMi, Hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế Vabis Tuệ Đức, đã có bài viết gửi đến Báo BR-VT. TS. Nguyễn Thanh Tùng cho rằng, cho trẻ “đua” vào lớp 6 nguồn, chỉ là cách để thỏa suy nghĩ của phụ huynh về những điểm số, hơn là hướng đến hạnh phúc đích thực của trẻ.
Theo TS. Nguyễn Thanh Tùng, để tạo nguồn cho giáo dục mũi nhọn, cần tăng cường tổ chức các sân chơi sáng tạo cho HS các cấp. Trong ảnh: HS Trường THCS Vũng Tàu (TP. Vũng Tàu) tham gia chương trình “Rung chuông vàng bằng tiếng Anh” do nhà trường phối hợp với Trung tâm Anh ngữ ILA tổ chức. (ảnh mang tính chất minh họa) |
Luyện thi lớp nguồn là không nên
Theo quan điểm các nhân tôi, lớp nguồn là không cần thiết từ cấp giáo dục THCS, thậm chí là THPT. Hãy nhìn từ những đất nước tiến bộ trong giáo dục như Phần Lan, Nhật Bản, Đức và Singapore... nền giáo dục của họ không có “luyện gà nòi” và không có “lớp nguồn”. Đối tượng HS “chín ép” sẽ gây ra một hệ quả rất lớn cho xã hội với năng lực thật không có mà thường từ năng lực được “nuôi mớm” hơn là tự lực.
Còn vấn đề dạy thêm hỗ trợ cho các em học tốt hoàn toàn khác với luyện thi lớp nguồn. Tôi cho rằng, cho con luyện lớp nguồn là không nên vì sẽ làm chai cứng tính sáng tạo của con trẻ. Còn dạy thêm lại là vấn đề của xã hội tùy theo cách tiếp cận (ở đây, tôi không đề cập đến vấn nạn: ép buộc dạy thêm) mới thấy được tiêu cực, hay tích cực.
Ví dụ phụ huynh có nhu cầu trông giữ trẻ và mong muốn trong thời gian đó các em được tập thói quen học tập chung, đúng giờ giấc hoặc học có hướng dẫn từ GV để giúp các em cũng cố kiến thức bình thường bị thiếu, hổng trước đó. Hay đối với phụ huynh có giờ giấc không thuận tiện để kèm cặp, nhắc nhở con học, hoặc như không có đủ kiến thức để học cùng con mà không dính mắc vào điểm số, thì đây là một nhu cầu có thật của xã hội. Nhưng tôi không ủng hộ việc dạy thêm để các em giỏi hơn bạn khác để chúng ta so sánh điểm số của các em với nhau. Vì chung quy, đây cũng là một dạng háo danh đến từ phụ huynh để khoe điểm hay kết quả học tập của con.
Vậy nếu như xã hội thay đổi cách nghĩ từ kết quả điểm số chuyển sang tìm hiểu năng lực, ưu thế của con và những lỗ hổng kiến thức giúp các em có sự tự tin trong học tập thì xã hội tự nhiên sẽ không còn những tiêu cực trong dạy thêm vì những mục đích khác. Theo tôi, một GV dạy thêm mà dạy luôn cả đạo đức sống thì tuyệt vời hơn gấp nhiều lần với một GV dạy để lấy điểm số.
TS. Nguyễn Thanh Tùng cho rằng, hãy trao cho trẻ cơ hội được khám phá chính bản thân mình. (ảnh mang tính chất minh họa) |
Hãy thực tế và bớt thành tích
Và theo tôi, để tạo nguồn cho giáo dục mũi nhọn, các cơ quan quản lý và tổ chức giáo dục cần tạo sân chơi sáng tạo cho các em HS các cấp. Việc các em học giỏi lý thuyết các môn học để đi thi và đoạt giải thưởng để báo cáo thành tích không giúp nhiều cho một quốc gia phát triển hay một dân tộc sáng tạo hơn.
Chúng ta nên nhớ, luyện cho các em trở thành những cỗ máy làm bài thi và cố đoạt giải thưởng chỉ tạo ra những thế hệ máy móc và lý thuyết nhiều hơn, thậm chí không thực tế. Đây chính là điểm yếu trong cạnh tranh nguồn lực lao động của người Việt Nam trên thế giới.
Tất cả các em không phải là thiên tài trong học tập, hãy tạo sân chơi để hình thành những thiên tài trong cuộc sống với nhưng giá trị đạo đức phụng sự xã hội, đất nước nhiều hơn sự vị kỷ về phát triển cá nhân và vun vén cho bản thân.
Phần Lan là đất nước từ hơn 1 thập kỷ nay dẫn đầu thế giới về giáo dục. Phần Lan làm giáo dục không tuyển nguồn mà giáo dục lối sống cộng đồng và biết hợp tác, sáng tạo... Và Phần Lan đã cho ra nhiều công nghệ hàng đầu thế giới mà không cần những giải thưởng của HS về các môn thi thố bằng luyện nguồn... Hãy thực tế hơn và bớt chạy theo thành tích.
Theo TS. Nguyễn Thanh Tùng, phát triển tự thân là cái gốc của tài năng và hạnh phúc với đam mê đó chính là sự phát triển bền vững và đúng với tố chất của trẻ. (ảnh mang tính chất minh họa) |
Vào lớp nguồn là nguyện vọng của… phụ huynh
Vào lớp nguồn thực tế phần lớn là nhu cầu của phụ huynh chứ không phải của các em HS. Chúng ta thử làm một khảo sát khoa học về nhu cầu của HS. Tôi tin chắc tỷ lệ HS mong muốn sẽ không cao. Ở các nước tiến bộ, HS cảm thấy đam mê thật sự và có tố chất về môn học nào thì trẻ thể hiện sự say mê với lĩnh vực đó để tự thân phát triển. Phát triển tự thân là cái gốc của tài năng và hạnh phúc với đam mê đó đó chính là sự phát triển bền vững và đúng với tố chất của trẻ.
Việc phụ huynh tự tạo ra “cuộc đua” (qua sự “PR” của xã hội, định hướng bởi sự háo danh) bằng chính mong muốn của bản thân mình rồi định hướng, ép thúc các con hoàn thành ước mơ của phụ huynh (nhiều khi mong muốn ấy vượt quá khả năng của các em), đó là một bi kịch cho cả hai trong tương lai: sự thất vọng và không biết mình mong muốn gì trong cuộc sống.
Một đứa trẻ khi được trao giấc mơ hơn người khác thì sẽ trở nên ích kỷ và đố kỵ - hậu quả từ quá trình “luyện” và “chọi”. Thử hỏi bản thân phụ huynh có thích những người ích kỷ và đố kỵ trong cuộc sống? Nếu không, tại sao ngay từ bây giờ chúng ta lại nuôi dưỡng điều này cho con mình qua việc “chạy đua” một vé “nguồn” hay “chuyên”?
Hãy cho trẻ có cơ hội khám phá chính bản thân mình. Một đứa trẻ giỏi thể thao cũng là một công dân mang lại niềm tự hào cho gia đình cũng như chính bản thân trẻ. Thậm chí là niềm tự hào dân tộc như: Ánh Viên, Lý Đức... Cũng như vậy một đứa trẻ giỏi âm nhạc, hội họa hay nấu ăn... chắc chắn sẽ hạnh phúc và mang lại nhiều giá trị tốt đẹp cho xã hội hơn những đứa trẻ cùng nhau lao vào những cuộc thi, giải thưởng mà không có giá trị sáng tạo cùng tính nhân văn trong lối sống.
Hãy dạy cho trẻ đạo đức sống để làm người hữu ích và hạnh phúc trước khi đưa trẻ tham gia những “cuộc đua” để thỏa cái tôi, cái ước mơ của phụ huynh, để rồi cả hai sẽ bất hạnh khi trưởng thành cũng như xã hội không hạnh phúc hơn vì những giá trị thiếu tử tế trong đời sống văn minh nhân loại.
TS. Nguyễn Thanh Tùng